Chợ mới Đinh Văn (nằm trong khu đô thị mới, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) được xây dựng khang trang, đưa vào hoạt động cuối năm 2020...
Chợ mới Đinh Văn (nằm trong khu đô thị mới, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) được xây dựng khang trang, đưa vào hoạt động cuối năm 2020. Vậy nhưng tới thời điểm này, 130 tiểu thương đại diện cho 171 quầy hàng tại Chợ Đinh Văn cũ vẫn chưa đồng ý bốc thăm di dời quầy sạp vì cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ UBND huyện Lâm Hà đưa ra chưa thỏa đáng.
Chợ Đinh Văn cũ đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thể di dời sang chợ mới, do các tiểu thương chưa thể thống nhất về giá bồi thường, hỗ trợ |
Theo các tiểu thương tại Chợ Đinh Văn cũ, mức giá UBND huyện Lâm Hà đền bù cho bà còn và các tiểu thương dự kiến vào khoảng gần 30 triệu đồng/quầy là quá thấp. Các tiểu thương tại đây lý giải những năm 1990 tới 1994, nhằm tạo điều kiện thu hút các hộ dân di dời vào Chợ mới Đinh Văn để kinh doanh (bây giờ là chợ cũ), UBND huyện Lâm Hà thời kỳ đó đã khuyến khích người dân mua quầy và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu quầy hàng không thời hạn (gọi là thẻ quầy) với giá 2,5 tới 3,5 triệu, tùy quầy có vị trí hai mặt hoặc 3 mặt tiền. Đây là số tiền rất lớn thời điểm đó. Với số tiền này, các tiểu thương có thể mua được 1 lô đất khoảng 100 m2 mặt tiền tại thị trấn Đinh Văn. Trong khi giá mua quầy trước thời điểm xây dựng chợ mới từ 400 tới 600 triệu đồng nhưng giá trị bồi thường theo quyết định ban đầu chỉ từ 20 tới 40 triệu đồng/quầy.
Với lập luận như trên, các tiểu thương đang ở lại kinh doanh tại chợ cũ đề nghị UBND huyện tính toán đền bù giá hợp lý, dứt điểm mới chấp thuận đồng ý các bước bốc thăm qua điểm kinh doanh chợ mới. Theo các chủ quầy sạp khác, mức giá mong muốn UBND huyện đền bù, hỗ trợ thỏa đáng để chấp thuận di dời sang chợ mới vào khoảng 700 tới 1 tỷ đồng/quầy cố định.
Để phản đối giá bồi thường, hỗ trợ thấp, các tiểu thương đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi tới các cấp chính quyền. Mới đây nhất, đầu tháng 1/2021, 130 tiểu thương nêu trên đại diện cho 171 quầy hàng ở Chợ Đinh Văn cũ đã gửi khiếu nại Ban Quản lý chợ và UBND huyện Lâm Hà với các nội dung chính, như: yêu cầu UBND huyện Lâm Hà không tổ chức bốc thăm chọn lô, quầy lần 2 cho tới khi chủ sở hữu 171 quầy kinh doanh tại chợ cũ được giải quyết quyền lợi thỏa đáng, bồi thường tương xứng với giá trị tại thời điểm mua quầy hàng và giá trị thuận lợi của mặt bằng kinh doanh.
Ban Quản lý Chợ Đinh Văn cho biết, tới thời điểm này, đã có khoảng 50% số tiểu thương đồng ý sang chợ mới kinh doanh. Theo đó, tổng số 436 quầy chợ cũ các tiểu thương đã bốc thăm được 213 quầy, còn lại 223 quầy hàng chưa bốc thăm. Mặc dù có nhiều tiểu thương chưa đồng ý với mức giá hỗ trợ, đền bù quầy sạp, có đơn khiếu nại nhưng việc phản ánh ôn hòa bằng đơn thư nên tình hình an ninh trật tự thời gian qua chưa có diễn biến phức tạp.
Về nội dung đơn khiếu nại của các tiểu thương đại diện cho 171 quầy sạp tại Chợ Đinh Văn cũ, ngày 19/4, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà qua trả lời bằng văn bản đã khẳng định các nội dung khiếu nại của các tiểu thương là không có cơ sở để giải quyết.
Cụ thể, về nội dung đơn cho rằng dự án đầu tư xây dựng Chợ Đinh Văn mới chưa được lấy ý kiến của các hộ đang kinh doanh tại Chợ Đinh Văn cũ, UBND huyện Lâm Hà khẳng định trước khi đầu tư xây dựng chợ, chủ đầu tư phải lấy ý kiến của Nhân dân, tiểu thương kinh doanh tại chợ và các cơ quan chuyên môn, có sự chứng kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ để xác định quy mô và mức tham gia đóng góp kinh phí để đầu tư chợ phù hợp.
Qua xem xét, quy định nêu trên chỉ áp dụng cho những chợ có tham gia đóng góp kinh phí của các hộ tiểu thương để xây dựng chợ. Đối với Chợ Đinh Văn được đầu tư xây dựng mới tại vị trí khác bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nên UBND huyện đã triển khai thực hiện đúng quy định theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Như vậy, một số hộ kinh doanh cho rằng Dự án đầu tư xây dựng Chợ Đinh Văn mới vi phạm quy định về triền khai dự án đầu tư xây đựng và bố trí các công trình trong phạm vi chợ là không đúng.
Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng (nay là Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dụng và công trình công cộng) tổ chức họp lấy ý kiến của các tiểu thương về phương án bố trí quầy sạp trước khi trình các cấp phê duyệt. Các hộ kinh doanh cho rằng phương án bố trí quầy sạp không lắng nghe ý kiến của các hộ dân là không chính xác.
Được biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra tỉnh đã về làm việc với UBND huyện Lâm Hà liên quan tới đầu tư Chợ Đinh Văn cũ và mới. Hiện UBND huyện đang đợi phía Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ra thông báo kết luận giải quyết đơn khiếu nại của các tiểu thương Chợ Đinh Văn cũ để giải quyết dứt điểm việc giải tỏa mặt bằng chợ. Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lâm Hà, UBND huyện đã thống nhất chủ trương sắp tới sẽ tổ chức bốc thăm lô, quầy lần thứ 2 đối với các hộ kinh doanh còn lại, sau đó sẽ hoàn tất các thủ tục đóng cửa Chợ Đinh Văn cũ do đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn,…
Liên quan tới vấn đề cấp, bán thẻ quầy của huyện Lâm Hà thời điểm đó đúng hay không, trong buổi làm việc cuối năm 2020 với các địa phương về nội dung chỉ đạo phát triển, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn, một lãnh đạo UBND tỉnh nhận định: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng quầy sạp cho tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đinh Văn không được pháp luật quy định.
C.PHONG