Tăng cường quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị

04:08, 20/08/2021

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh tuy đã được cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã từng bước đi vào nền nếp...

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh tuy đã được cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã từng bước đi vào nền nếp; ý thức trách nhiệm của người dân, các cơ quan, tổ chức cũng có nhiều chuyển biến, song vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục. 
 
Quang cảnh ngoại ô thành phố Đà Lạt
Quang cảnh ngoại ô thành phố Đà Lạt
 
NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ
 
Mặc dù công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị có nhiều chuyển biến, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng và trật tự đô thị, xây dựng công trình không phép, trái phép, sai quy hoạch, xây dựng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, phân lô đất nông nghiệp để bán nền trái quy định, tự xây dựng đường giao thông. Cùng đó là việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hợp lý, không đảm bảo vệ sinh môi trường; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe, quảng cáo, rao vặt tùy tiện, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Việc cấp phép, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; nhiều công trình vi phạm chưa được chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không nghiêm, thiếu kiên quyết, thiếu tính răn đe đã phá vỡ quy hoạch và gây bức xúc trong dư luận. 
 
Nguyên nhân chủ yếu đã được các cấp lãnh đạo, các ngành, địa phương chỉ rõ là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có lúc, có nơi còn buông lỏng; tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm phát hiện, xử lý chưa kịp thời, triệt để; việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm chưa nghiêm túc; các quy định của tỉnh về chiều cao công trình chưa phù hợp với thực tiễn đời sống, gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp và người dân trong xây dựng công trình. Công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt, kịp thời và chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ và xử lý theo thẩm quyền.
 
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên, còn có những nguyên nhân khách quan đó là do tốc độ xây dựng, đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu nhà ở của người dân lớn, nhất là đối với người lao động có thu nhập thấp tại các đô thị, dẫn đến hình thành các khu dân cư tự phát, chợ tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ. Một bộ phận người dân nhận thức pháp luật về trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn hạn chế và đặt nặng lợi ích, sự thuận tiện của cá nhân.
 
NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ 
 
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như ngăn chặn, khắc phục và xử lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy mới đây cũng đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải kiên quyết và tăng cường hơn nữa công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chú trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và trật tự đô thị, trong đó tập trung vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, rõ nội dung công việc, rõ trách nhiệm trong điều hành của lãnh đạo các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp ủy và chính quyền địa phương, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy phải trực tiếp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch phát triển đô thị, phát triển đất ở, khu dân cư và công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ý thức chấp hành các quy định về quản lý đô thị. Khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai và quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp đó phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền địa phương cấp trên.
 
Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát về quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn, đảm bảo nguyên tắc tất cả các công trình xây dựng, các tuyến đường giao thông phải được cơ quan có trách nhiệm ở địa phương kiểm tra, giám sát thường xuyên theo quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị với nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý trật tự xây dựng... 
 
Song song đó, thúc đẩy, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị, sử dụng hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiếp tục xây dựng, phát triển đô thị đảm bảo bản sắc, văn minh và hiện đại. Đặc biệt, củng cố tổ chức, bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông và triển khai thực hiện quy hoạch phải hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương.
 
NGUYỄN NGHĨA