Còn nhớ một đêm giữa tháng 6/2017, trong bóng tối đặc quánh chỉ nghe tiếng côn trùng rả rích sau trận mưa chiều, ngồi trên căn nhà sàn quyện mùi khói bếp trong ánh đèn tù mù phát ra từ chiếc bóng đèn nhỏ xíu, già làng Điểu K'Mốt đã thở dài với những người khách lạ. Ông ao ước rằng mình sẽ được nhìn thấy ánh điện thắp sáng cả thôn trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Còn nhớ một đêm giữa tháng 6/2017, trong bóng tối đặc quánh chỉ nghe tiếng côn trùng rả rích sau trận mưa chiều, ngồi trên căn nhà sàn quyện mùi khói bếp trong ánh đèn tù mù phát ra từ chiếc bóng đèn nhỏ xíu, già làng Điểu K’Mốt đã thở dài với những người khách lạ. Ông ao ước rằng mình sẽ được nhìn thấy ánh điện thắp sáng cả thôn trước khi nhắm mắt xuôi tay.
|
Người dân Thôn 3 đã bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng điều kém hiệu quả sang cây sầu riêng |
BỪNG SÁNG ÁNH ĐIỆN
Thật vui, vì sau hơn 4 năm trở lại vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên, già K’Mốt vẫn khỏe mạnh, là hiền minh của buôn làng, và ánh điện thì đã thắp sáng khắp Thôn 3, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên. “Thắp sáng” trong cả suy nghĩ, nhận thức của bà con đồng bào người S’Tiêng nơi đây.
Sau những mòn mỏi đợi chờ vắt qua hơn 30 năm, Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là cái tết đầu tiên mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên được hưởng điện lưới quốc gia. Niềm vui năm mới trọn vẹn khi ánh đèn dầu và mấy bóng đèn điện phát từ máy mô tơ bắc ở suối đã được thay bằng ánh đèn rực sáng từ trong nhà ra tới ngoài đường.
“Ngày Thôn 3 chính thức có điện đúng nghĩa là một ngày hội lớn của người dân”- Trưởng thôn Điểu K’Đốt chia sẻ. Cùng với câu chuyện của ông Điểu K’Trang (SN 1960) hiến 3.000 m2 đất xây trường vào năm 2012 hay anh Điểu K’Dố (SN 1982) hiến gần 1.000 m2 đất để xây trạm xá vào năm 2013, Thôn 3 đã có đầy đủ điện, đường, trường, trạm - từ sự chăm lo của Nhà nước và đồng thuận của lòng dân. Bà con S’Tiêng nay chẳng còn lo gì ngoài tập trung làm ăn, chăm lo cuộc sống, phát triển kinh tế.
Thôn 3 nằm trên một vùng đất bằng phẳng như lòng chảo, được bao bọc bởi bốn bề rừng núi. Con đường nhỏ đổ bê tông dẫn từ thôn Vĩnh Ninh đến Thôn 3 nằm yên bình dưới tán điều. Những ngôi nhà lần lượt hiện ra, không ít trong số đó được xây dựng khang trang, lát gạch hoa mát rượi. “Chỉ có 12 gia đình mới tách hộ là chưa xây được nhà, còn lại đều xây nhà kiên cố. Toàn Thôn 3 nay không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo”- anh Điểu K’Đốt thông tin.
Đã không còn là những đêm ngủ sớm sau bữa cơm chiều, từ ngày có điện lưới chiếu sáng, Thôn 3 bừng sáng ánh điện mỗi khi đêm về. 45 nóc nhà của bà con đồng bào trong các xóm đều có đèn chiếu sáng. Ti vi, quạt máy, nồi cơm điện trở nên phổ biến.
NIỀM TIN VÀO MỘT NGÀY MAI TƯƠI SÁNG
Hơn 10 năm chịu cảnh không có điện kể từ lúc lấy vợ, chuyển vào Thôn 3 sinh sống, anh Đàm Văn Tiến (SN 1985) bảo rằng không vui sao được khi điện lưới về. Nhà cửa đã xây xong từ trước đó, anh nhanh chóng mua thêm các thiết bị điện để cuộc sống tiện nghi hơn. Ánh điện về cũng là lúc đứa con đầu lòng của anh bước vào lớp Một, đón những bài học đầu đời. Bây giờ, những buổi tối kèm con học dưới ánh sáng đèn điện càng khiến anh thêm niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.
Sẽ không ai cảm nhận niềm vui có điện rõ hơn những người đã gắn bó với Thôn 3 từ những ngày gian khó. Hơn 20 năm phụ trách phân trạm y tế thôn, từ lúc chưa có đường dẫn từ thôn ra xã cho đến bây giờ, anh Hồ Văn Phát (SN 1971) chia sẻ, anh vẫn luôn nghĩ ngày Thôn 3 bừng sáng ánh điện là một giấc mơ, cho đến khi giấc mơ ấy thành hiện thực. Anh tâm sự: “Bây giờ, phân trạm có trang thiết bị, có cơ số thuốc tương đối ổn định, lại có điện nên việc khám bệnh ban đầu cho người dân trong Thôn 3, rồi cả Thôn 4 hay thôn Vĩnh Ninh đều thuận tiện hơn”.
Trước đây, bà con Thôn 3 sống chủ yếu nhờ cây điều. Bây giờ, người S’Tiêng nơi đây đã biết trồng thêm cà phê, sầu riêng, bưởi da xanh, mắc ca,... nhờ được hướng dẫn của cán bộ xã, huyện và xem thêm các chương trình trên ti vi. Nhà nào có đất thì trồng trọt, ai không có đất thì đi làm thuê chứ không chịu nghỉ ở nhà. Hiện, 43/45 hộ trong Thôn 3 đều tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, với tổng diện tích trên 1.360 ha. Mỗi ngày, 4 hộ cùng nhau đi tuần rừng, canh gác, kiểm tra, làm chốt luôn trong rừng để ở lại buổi đêm. Ai để mất rừng thì ngay lập tức bị ra khỏi tổ cộng đồng bảo vệ rừng. “Bà con rất có trách nhiệm, vì mình sống giữa rừng, dựa vào rừng nên bảo vệ rừng như bảo vệ nhà mình” - anh Điểu K’Đốt chia sẻ.
Đã hơn 70 mùa nương rẫy, già làng Điểu K’Mốt vẫn ít khi ở nhà, bởi ông suốt ngày đi vườn, đi rẫy. Không còn ở trên nhà sàn như hồi năm 2017, ông bà chuyển xuống ở trong ngôi nhà xây kiên cố cạnh đó. Ông chăm lo đổi mới, làm ăn kinh tế để làm gương cho bà con trong thôn, tuyên truyền cho bà con biết được pháp luật của Nhà nước, vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ để biết đọc, biết viết. Thông qua công tác vận động, trẻ em trong thôn không còn bỏ học giữa chừng, không có người sinh con thứ 3, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ.
Trưởng thôn Điểu K’Đốt nói: “Trông chờ mãi sao được, khi mà xem tivi, thấy nhiều nơi còn khổ hơn mình. Trẻ con phải đi bộ, lội suối, băng đèo xa thật xa để tới lớp, còn ở đây trường tiểu học ngay trong thôn. Ở Tây Bắc người ta còn gieo được hạt ngô trên núi đá, đất ở mình màu mỡ, cớ gì bà con không gieo trồng, chăn nuôi. Tôi nói vậy, rồi bà con thấy có lý, là nghe theo và làm theo”.
Đã gắn bó với Thôn 3 từ những ngày là Bí thư Đoàn xã, thực hiện công trình thanh niên mở đường mòn dẫn từ trung tâm xã vào thôn năm 2005, đến khi làm Chủ tịch Hội Nông dân và bây giờ là Phó Bí thư Đảng ủy xã, anh Long Văn Thụ vẫn chân chất, mộc mạc và tha thiết với niềm thương mến dành cho những người dân ở thôn khó khăn nhất của xã Phước Cát 2. Niềm vui thể hiện qua giọng nói, anh phấn khởi chia sẻ rằng, điều quan trọng nhất bây giờ là bà con nay không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Cuộc sống của người dân nơi đây đang nhanh chóng đổi thay từng ngày. “Nói hết khó khăn thì không hẳn, nhưng cuộc sống của bà con đã phát triển, phấn khởi hơn rất nhiều. Hiện, xã Phước Cát 2 vẫn đang và sẽ lồng ghép thực hiện các chương trình đầu tư phát triển vùng Thôn 3, Thôn 4 nhanh và bền vững; thâm canh, cải tạo vườn điều và xen canh tăng năng suất để phát triển kinh tế” - Phó Bí thư Đảng ủy xã thông tin thêm.
VIỆT QUỲNH