Những năm qua, huyện Đức Trọng luôn quan tâm thực hiện chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn với những chương trình, dự án hiệu quả, thiết thực.
Những năm qua, huyện Đức Trọng luôn quan tâm thực hiện chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn với những chương trình, dự án hiệu quả, thiết thực.
|
Trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn xã Đa Quyn |
Huyện Đức Trọng có diện tích tự nhiên là 90.180 ha, dân số 180.206 người (năm 2020), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 62.985 người, chiếm tỉ lệ 33,4% dân số toàn huyện, với 20 dân tộc thiểu số cùng sinh sống xen kẽ trên địa bàn các xã, thị trấn Liên Nghĩa, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng.
Theo UBND huyện Đức Trọng, giai đoạn 2016 - 2020, huyện có xã Đa Quyn là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định số 900 ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; 6 thôn (Tân Hạ, Tơmrang, Chơ Rung, Toa Cát thuộc xã Đa Quyn và Klong Bong, Cha Rang Hao thuộc xã Tà Năng) là thôn ĐBKK theo Quyết định số 582 ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 ngày 18/6/2021 của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách xã, thôn ĐBKK khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì Đức Trọng không còn xã ĐBKK, chỉ còn 5 thôn ĐBKK (thôn Ma Bó, Chơ Rung, Toa Cát xã Đa Quyn và thôn Klong Bong, Cha Rang Hao xã Tà Năng).
Những năm qua, việc thực hiện chính sách đối với xã Đa Quyn - xã ĐBKK, luôn được địa phương quan tâm thực hiện, với nhiều dự án, công trình khác nhau, như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, mô hình giảm nghèo và chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn xã có 587 hộ thụ hưởng, với kinh phí là 6.179 triệu đồng; xây dựng 18 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng số tiền 21.302 triệu đồng. Hàng năm, huyện còn thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh DTTS sinh sống tại vùng khó khăn, gia đình có bố mẹ bị khuyết tật, mất sức lao động, cũng như trợ cấp cho học sinh, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh...
Từ năm 2016 - 2020, UBND xã Đa Quyn cũng đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện mở 6 lớp đào tạo nghề cho 190 lao động nông thôn chủ yếu là đồng bào DTTS, ngoài ra còn có gần 70 học viên theo học các lớp sơ cấp và các lớp lái xe; từ đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã. Mặt khác, hằng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm phát huy nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn lao động vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo nguồn thu nhập cho người lao động, cho gia đình, góp phần giảm nghèo, nâng cao cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và tăng cường an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Trong 5 năm qua đã tuyên truyền, vận động hơn 150 lao động được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài xã.
Hàng năm, UBND xã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng nhận giao khoán rừng cho người dân, với 1.402 lượt hộ nhận khoán bảo vệ rừng, tổng diện tích giao khoán hơn 25.000 ha, tổng kinh phí đã chi trả hơn 10 tỷ đồng. Cùng đó, 100% hộ DTTS đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ 35 căn nhà cho 35 đối tượng thuộc hộ nghèo với hơn 1,8 tỉ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo đạt hơn 124,6 triệu đồng/248 lượt hộ.
Song song với đó, các chính sách đối với 6 thôn đặc biệt khó khăn (các thôn Klong Bong, Cha Rang Hao - xã Tà Năng và các thôn Tân Hạ, Tơmrang, Chơ Rung, Toa Cát - xã Đa Quyn) cũng được quan tâm, chú trọng. Đã có 527 hộ được thụ hưởng, với kinh phí hơn 5.222 triệu đồng, từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, mô hình giảm nghèo và chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn xã. Xây dựng được 19 công trình đường giao thông nông thôn với tổng số tiền 17.689 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay trên địa bàn 6 thôn đặc biệt khó khăn mở được 2 lớp đào tạo nghề cho 50 học viên; hàng năm có khoảng 100 lao động được tạo việc làm mới. Cũng trong giai đoạn từ 2016 đến nay, tại 6 thôn này có 3 lao động đi xuất khẩu lao động, góp phần tăng thu nhập. Ngoài ra, đã xây dựng 17 căn nhà cho hộ nghèo và sửa chữa 1 căn cho gia đình người có công với số tiền là 870 triệu đồng. Đồng thời, các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ y tế, chính sách giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ giáo dục... cũng được quan tâm thực hiện thiết thực, hiệu quả.
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, nhưng có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách đã giúp đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn xã, thôn ĐBKK vùng DTTS của huyện Đức Trọng được nâng cao đáng kể. Kinh tế, xã hội tại các xã, thôn ĐBKK vùng DTTS nói riêng và trên toàn huyện nói chung ngày một phát triển. Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện. Hệ thống y tế, giáo dục và công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả tích cực, an ninh trật tự được bảo đảm, góp phần đưa xã Đa Quyn và xã Tà Năng đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ vậy, qua 5 năm thực hiện, số hộ nghèo của xã Đa Quyn đã giảm 87% từ 341 hộ (năm 2016) xuống còn 41 hộ (năm 2020); số hộ nghèo tại 2 thôn ĐBKK của xã Tà Năng giảm 71% từ 46 hộ (năm 2016) xuống còn 13 hộ (năm 2020).
NHẬT MINH