Đạ R'sal những ngày này, tại Chốt kiểm soát dịch số 4 xã Đạ R'sal, huyện Đam Rông nằm trên Quốc lộ 27 nối liền giữa huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk...
Đạ R’sal những ngày này, tại Chốt kiểm soát dịch số 4 xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông nằm trên Quốc lộ 27 nối liền giữa huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng vẫn ngày đêm chong đèn, bám chốt - nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. Hơn 2 tháng nay, họ cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ với mong muốn trở thành “lá chắn thép”, ngăn dịch ngay từ vòng ngoài, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho Nhân dân.
|
Ngoài thực hiện nhiệm vụ, lực lượng ở đây luôn hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi cần |
TẬP TRUNG CAO ĐỘ, CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ
Những ngày đầu tháng 8, trời nắng như đổ lửa khi nhiệt độ ngoài kia luôn ở mức cao, nhất là buổi trưa nhiệt độ bốc lên từ mặt đường nhựa có lúc vượt ngưỡng 38,39 độ C, thế nhưng lực lượng chống dịch tại Chốt kiểm soát dịch số 4 vẫn cần mẫn với công việc kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vào ra địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Ở cửa ngõ phía Bắc Lâm Đồng, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện qua lại, đòi hỏi mỗi thành viên trong chốt trực phải căng mình thực hiện công việc. Ngày cũng như đêm, cường độ làm việc trong chốt là rất lớn. Với tinh thần trách nhiệm, lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây luôn trong tâm thế sẵn sàng, đảm bảo phương tiện lưu thông qua chốt được thông suốt cũng như hạn chế tập trung đông người và tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp nào “lọt” chốt khi chưa thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch.
Do chốt đặt tại tuyến đường giáp ranh nên phương tiện đi lại khá đông, để kiểm soát dịch chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn, tại các chốt, lực lượng đều kiểm tra kĩ càng, thậm chí xe có thùng hay cốp lực lượng đều yêu cầu mở để kiểm tra. “Đa phần các lái xe đều tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp gian lận, chống đối. Tính từ thời điểm lập chốt đến nay, có 3 trường hợp có hành vi cản trở và 5 trường hợp trốn trong thùng xe hoặc bơi sông để qua chốt. Đối với những trường hợp này, chốt đã lập biên bản xử lý theo đúng quy định”, Đại úy Nguyễn Đức Hoàng, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Đam Rông, Chốt trưởng Chốt kiểm soát dịch số 4 cho biết.
TẠM GÁC VIỆC RIÊNG
Gác lại công việc riêng của cá nhân và gia đình, hơn 2 tháng nay mọi người chưa trở về nhà. Vất vả là thế, nhưng ở đó, họ vẫn luôn giữ cho nhau thứ tình cảm đặc biệt, tình đồng đội, đồng chí thân thương, sẻ chia, động viên nhau vững vàng bám chốt.
Đại úy Hoàng tâm sự: “Trong lực lượng chống dịch ở đây, cũng có nhiều trường hợp đặc biệt lắm em ạ! Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người có một câu chuyện riêng. Nhiều trường hợp có lý do đặc biệt, khi đề xuất và được cấp trên tạo điều kiện để được trở về nhưng anh em đều quyết định ở lại vì nhiệm vụ chung”.
Với câu chuyện của Trung úy Nguyễn Đăng Bắc, chắc hẳn sẽ không còn lạ lẫm với lực lượng cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Bởi, nhận nhiệm vụ tại Chốt số 4 từ những ngày đầu thành lập, cũng là từng ấy thời gian anh chưa một lần về nhà thăm đứa con nhỏ mới chỉ 15 tháng tuổi đã phải mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh.
Vẻ ngoài rắn rỏi là thế, nhưng mỗi lần chứng kiến cơn đau giày vò con mỗi ngày, anh Bắc chẳng thể nào kìm nén được. Anh Bắc kể, có lần, con trở bệnh nặng phải lên Đà Lạt để điều trị, nghe tin con đau, anh cũng bồn chồn không yên, nhưng biết làm sao khi nhiệm vụ vẫn còn đó. “Hơn 20 ngày con nằm viện, mình cũng không thể cận kề bên con, chỉ có thể gọi về, nhìn con qua điện thoại, thấy con đau mà mình bất lực không thể làm gì được”, nói đến đây, giọng anh cũng trở nên khàn đi, đôi mắt cũng đỏ hoe từ lúc nào.
Lấy lại bình tĩnh, anh nói tiếp, biết được hoàn cảnh của gia đình, cấp trên cũng đã tạo điều kiện thay đổi nhiệm vụ để anh dành nhiều thời gian chăm sóc đứa con bé bỏng, nhưng rồi bản thân quyết định ở lại bám chốt bởi những lúc ấy, Trung úy Bắc biết rằng nếu bây giờ trở về, bản thân phải cách ly 14 ngày, cơ quan phải điều động người khác, điều đó vừa mất thêm một người cách ly vừa phải tăng cường thêm một người thay thế nhiệm vụ của mình. “Tuy thương con, nhưng không vì bản thân mà làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đồng đội được. Hơn bao giờ hết, ngay thời điểm này, mỗi người đều phải tự có ý thức cho riêng mình. Bây giờ, niềm vui lớn nhất là khi gọi về thấy con vẫn vui vẻ, khỏe mạnh vậy là an tâm rồi”, anh Bắc vui vẻ nói.
Là một trong ba nhân viên y tế nữ của lực lượng trực Chốt kiểm soát dịch số 4, chị Nguyễn Thị Hoa được điều động sang chốt Đắk Măng để làm nhiệm vụ. Cũng như mọi người, đã nhiều ngày nay chị Hoa chưa về nhà để gặp hai đứa con nhỏ. Hai vợ chồng đều làm trong ngành Y nên việc trông nom con cái bây giờ chỉ trông chờ vào ông bà ngoại.
Chị Hoa bảo rằng, từ ngày chị tham gia làm nhiệm vụ tại chốt, đứa con 3 tuổi của chị đành gửi cho ông bà ngoại ở Lâm Hà chăm sóc, còn đứa con 9 tuổi lâu lâu chồng chị đi trực, do không ai trông nom nên cũng đành mang con đi cùng. “Có lẽ đây là lần xa nhau đầu tiên lâu nhất từ khi tôi lập gia đình tới nay. Nhớ con lắm nhưng vì nhiệm vụ nên đành nén lại em à! Anh em trực chốt thì ai cũng vất vả như nhau nhưng chúng tôi luôn dặn lòng, phải cố gắng vì nhiệm vụ, chung tay với cả nước chống dịch”, chị Hoa nói.
Đồng hành cùng với các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia trực chốt với tinh thần tự nguyện, nhiệt tình đóng góp sức trẻ trong công tác phòng, chống dịch. Anh Bon Krong Y Huy - Phó Bí thư đoàn xã Đạ R’sal chia sẻ: “Các đoàn viên tham gia tại chốt kiểm soát dịch đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, một số cũng có hoàn cảnh khó khăn, là trụ cột chính trong gia đình nhưng khi địa phương cần, mọi người đều nhiệt tình tham gia, mong muốn đóng góp phần nào để đẩy lùi dịch bệnh”.
Dẫu biết rằng trong những ngày nắng mưa bất chợt của vùng đất Nam Tây Nguyên, lưu lượng phương tiện giao thông qua lại chốt khá đông, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng là áp lực lớn đối với lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn. Tuy nhiên, với quyết tâm kiểm soát nguồn lây, đem lại sự bình yên cho quê hương, lực lượng nơi đây vẫn ngày đêm bám chốt, kiểm soát chặt người và phương tiện đi vào tỉnh Lâm Đồng một cách hiệu quả.
N.QUỲNH - T.HIỀN