Tôi cùng lịch tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng với mấy trăm con người đến từ các quốc gia...
Tôi cùng lịch tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng với mấy trăm con người đến từ các quốc gia. Người trong cuộc, chứng kiến những ứng xử trong công việc từ đội ngũ ngành Y Lâm Đồng đối với các bạn ngoại quốc, lòng tôi dâng lên cảm xúc đặc biệt, sự gần gũi và thiện tâm… Câu hát về quê miền Trung của cố nhạc sĩ Trần Hoàn chòng chành lay hồn tôi: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”…
|
Tiêm vaccine cho những người nước ngoài tại Đà Lạt |
Thành phố Đà Lạt vốn nhiều thâm trầm, những ngày ảnh hưởng của dịch dã càng chầm chậm lại. Nhưng có điều này, không đổi thay, đó là tấm chân tình của chủ nhân, lòng người hiền hòa, thân thiện và mến khách. Nó thẳm sâu, ẩn tiềm, nếu chỉ thoảng qua, không giao tiếp, khách du khó lòng cảm nhận được…
* * *
Và hai ngày, đội ngũ y tế Lâm Đồng phục vụ tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 cho bạn bè năm châu bốn biển thật rõ giá trị ấy. Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Thuận cho tôi biết, đợt tiêm thứ 11 này, Sở Y tế đã phân 662 mũi để tiêm cho 662 người nước ngoài theo danh sách của các huyện, thành phố đăng ký. Họ là những công dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Hà Lan, Đức, Singapore… Họ đang là cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan lãnh sự quán; là những doanh nhân, những người làm tại các doanh nghiệp…
Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Bệnh viện, BS- CK II Phạm Vũ Thanh cho tôi biết, Bệnh viện huy động những người trực tiếp phục vụ tiêm vaccine các đợt đều là người có chuyên môn tốt nhất, ví dụ khám sàng lọc là trưởng, phó các khoa Nội A, Nội B, khoa Lao-Bệnh phổi,…; còn tiêm là trưởng, phó các khoa chuyên môn về hồi sức, về cấp cứu,…; những người theo dõi sau tiêm là đội ngũ điều dưỡng. Mỗi đợt tiêm huy động hơn 30 người. Tuy nhiên, đối với đợt tiêm cho người nước ngoài, rào cản là ngôn ngữ, do đó Bệnh viện đã chủ động lên kế hoạch từ đầu, tập huấn thêm về giao tiếp, một mặt điều động những người nói tiếng Anh tốt, mặt khác có sự hỗ trợ của ngành Nội vụ thành phố Đà Lạt và Công an. “Tính an toàn luôn đặt lên hàng đầu và sau đó là tiêm được cho nhiều người càng tốt”, BS Thanh nói. Buổi trưa, đội ngũ phục vụ tiêm vaccine thay nhau ăn trưa và duy trì tiêm không nghỉ. Kết thúc sau 2 ngày tiêm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã tiêm được gần 400 người nước ngoài, 100% đều được tiêm vaccine AstraZeneca, số còn lại sẽ được tiêm tại bệnh viện ở thành phố Bảo Lộc. BS Thanh chia sẻ thêm: “Đối với người nước ngoài, mình phải giải thích cho họ hiểu rõ hơn về vaccine như thế nào vì họ rất quan tâm đến sức khỏe, họ hỏi rất kỹ. Mặt khác, biểu mẫu của mình bằng tiếng Việt nên các nhân viên dịch sang tiếng Anh để họ nắm bắt được một cách cơ bản trước và sau khi tiêm. Chúng tôi cũng được biết, trong số họ có những người sống một mình nên vấn đề theo dõi sức khỏe của họ sau tiêm càng hết sức chú trọng. Kết quả, mọi người sau tiêm đều ổn định…”.
* * *
Hội trường Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng được sử dụng làm nơi tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Như mỗi lần trước, khu vực tiêm được phân luồng, phân vùng cụ thể theo một chiều. Trên sân khấu là các bàn tiêm, phía dưới sát sân khấu là bàn khám tầm soát và bàn nộp giấy. Hội trường cũng được chia đôi, những hàng ghế bên phải là người ngồi chờ để tiêm và bên trái là người đã tiêm ngồi để cán bộ y tế theo dõi sức khỏe… Tôi cũng thấy Giám đốc Bệnh viện, BS CKII Lê Văn Tiến có mặt tại hội trường. Anh lui tới quán xuyến tất cả các bộ phận vừa là kiểm tra vừa là động viên các đồng nghiệp của mình...
Ở bên ngoài cửa cũng tuân thủ các quy trình như vậy, dọc hành lang, nhân viên y tế đặt ghế đúng vị trí theo vạch đỏ đã đánh dấu với khoảng cách cách nhau 2 mét. Mọi nhân viên y tế đều kín mít trong trang phục bảo hộ. Tất cả mọi khâu được đội ngũ y tế thực hiện một cách trình tự, chu tất, an toàn và khoa học. Dọc hành lang, các nhân viên y tế xếp các ghế ngồi cho người ngồi đúng vị trí. Một nhân viên nói nhanh nhưng nhẹ nhàng với người phụ nữ, hình như là phụ trách của đoàn người nước ngoài đến tiêm khi họ xúm lại: “Chị hướng dẫn mọi người không tụ tập và ngồi đúng khoảng cách theo ghế dùm ngay tý nhé”. Mọi người thứ tự xích dần đến gần chiếc bàn khai báo theo quy định. Ở đó, nhân viên y tế hướng dẫn tận tình và hỗ trợ người tiêm khai báo. Khi nhân viên y tế ở cửa hội trường xướng tên thì từng người vào và có ngay nhân viên y tế khác hướng dẫn và đi theo lên chỉ tận từng hàng ghế ngồi chờ tiêm. Có một tình huống thật thú vị đến với tôi. Khi chuẩn bị vào ghế ngồi chờ, một nhân viên y tế nói: “Chú có nói tiếng Việt được không?”. “Nói được. Mình Việt gốc mà”, tôi bật cười và trả lời. Ngồi một lúc, tôi được nhân viên y tế khác “mời chú lên bàn số 2”. Đây là bàn khám tầm soát và tiếp tục cập nhật nhập thông tin vào máy tính. Lên bàn tiêm, tôi kể lại với một nữ bác sĩ câu chuyện lúc nãy, cô vừa thao tác vừa chia sẻ: “Từ sáng tới giờ, tụi cháu nói tiếng Anh cho trẹo miệng, gặp được chú không phải giải thích vui gì đâu a”…
Sau khi tiêm xong, tất cả lại được các nhân viên y tế hướng dẫn đến tận nơi và chỉ cho mỗi người ngồi đúng ghế cách nhau để đảm bảo an toàn phòng dịch. Nhân viên y tế đi lại quan sát từng người sau tiêm để có biểu hiện bất thường là xử lý kịp thời. Tôi đang ngồi, ông Richard Pearl, người Anh, được điều dưỡng dẫn đến mời ngồi vào hàng ghế sau. Ông nói được một ít tiếng Việt: “Ok. Tôi ngồi đây đến lúc nào thì được đi ra bên ngoài ?”. Cô điều dưỡng giải thích: “Ít nhất là 30 phút, sức khỏe của ông bình thường thì được ra ngoài”. “Xin cảm ơn!”, Pearl nói… Phía góc bàn trả giấy sau thời gian theo dõi người tiêm an toàn, nhân viên y tế nói qua loa từng đợt: “míttơ Ji Buc…, míttơ Hihujiang…, míttơ Wuan ju, míttơ Pi tơ, Mis Wenhu Choi...”... Tôi cũng kịp nghe một nhân viên y tế nói từ phía ngoài cửa hội trường: “Chưa bao giờ mệt như hôm nay”…
Việc phục vụ hàng trăm người nước ngoài, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều nền văn hóa của nhiều quốc gia, không thể không mệt. Ông Masahiro Nakajima, quốc tịch Nhật Bản lập nghiệp với nghề nông trại dâu tây ở thành phố Đà Lạt 6 năm nay bày tỏ rất vui khi được tiêm vaccine: “Tôi nghĩ chính quyền Việt Nam đang làm rất tốt, Việt Nam cũng như Nhật Bản, chúng tôi tiêm vaccine và số lượng người bị nhiễm càng ngày càng giảm. Đó thực sự là một tin tốt”. Còn ông Roert Alan Waserman, quốc tịch Mỹ cảm nhận: “Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh, mặc dù tình hình rất khó khăn trong những tháng vừa rồi. Nhưng họ đang cố gắng để tiêm chủng cho tất cả mọi người, nên tôi mong rằng tình hình sẽ tốt hơn. Tôi đã cảm thấy nghi ngại do đa số vaccine được chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh nên tôi nghĩ sẽ rất lâu vaccine mới được chuyển tới Đà Lạt, nhưng tôi rất ngạc nhiên là bỗng dưng họ nói chúng tôi có thể tiêm vaccine (cười). Tại đây, việc tổ chức tiêm chủng rất bài bản. Mọi người ở đây rất tận tâm, là một trải nghiệm thú vị cho tôi”…
* * *
Câu nói thường nhật những tháng dịch bệnh COVID-19 hoành hành toàn cầu, “nắm tay nhau cùng đi tới” thật hết sức ý nghĩa. Không ai không thầm tri ân những người tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ ngành y. Nơi cao nguyên Đà Lạt này, hơn một lần, trong tôi, thêm niềm tự hào về họ. Họ để lại dấu ấn văn hóa Đà Lạt, hiền hòa, thân thiện, mến khách và tận tâm phục vụ… Việt Nam với chính sách ngoại giao vaccine đã và đang rất thành công. Bạn bè năm châu nhiệt tình giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam. Và nơi đây, Việt Nam tận tâm với bạn bè muôn phương như là sự đáp lễ trước sau của giá trị truyền thống, đạo làm Người của dân tộc Việt. Mong lắm, dịch bệnh COVID-19 được đẩy lùi hoàn toàn trên thế giới. Những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu được lùi về với cuộc sống bình yên…
Ghi chép: MINH ĐẠO