Cảnh báo tình trạng xâm lấn hành lang bảo vệ hồ Pró

02:10, 21/10/2021

Với sức chứa trên 3,2 triệu m3 nước, hồ thủy lợi Pró phục vụ sản xuất cho khoảng 700 ha lúa, rau màu nhưng đang đứng trước nguy cơ mất an toàn hồ chứa...

Với sức chứa trên 3,2 triệu m3 nước, hồ thủy lợi Pró phục vụ sản xuất cho khoảng 700 ha lúa, rau màu nhưng đang đứng trước nguy cơ mất an toàn hồ chứa. Nguyên nhân do người dân san ủi, lấn chiếm hành lang an toàn để canh tác, khai thác khoáng sản phía thượng nguồn, gây nhiều tác động tiêu cực…
 
Canh tác nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ chứa nước Pró
Canh tác nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ chứa nước Pró
 
Theo phản ánh của người dân, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, có mặt tại khu vực hồ Pró, một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh nằm trên địa bàn xã Pró (huyện Đơn Dương), chúng tôi chứng kiến tốc độ “nông nghiệp hóa” nơi đây ngày càng diễn ra chóng mặt. Tại đây, ngoài diện tích canh tác rau, màu hiện hữu mang tính “lịch sử” - người dân canh tác trước khi đơn vị chủ quản cắm mốc phân định hành lang bảo vệ công trình hồ đập, tình trạng san ủi đất, khai thác đá không phép đang diễn ra giữa ban ngày, chưa kể nhiều diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp và nhà ở cũng đã “mọc” quanh hồ. 
 
Men theo đường xe máy cày chở đá về hướng thượng nguồn của hồ thủy lợi Pró, chúng tôi phát hiện nhiều diện tích đất nằm cách hồ không xa đã được người dân san ủi, tạo mặt bằng, trong đó có nơi rộng cả ngàn mét vuông. Bên cạnh là một “đại công trường” khai thác đá khá nhộn nhịp. Một trong những thợ đá có mặt tại đây cho biết, khu vực đang khai thác đá này là của gia đình ông Đ.V.T, có xin phép cơ quan chức năng san lấp mặt bằng, trong quá trình san ủi phát hiện có hòn đá to nên khai thác tận thu, sử dụng chứ không bán. Tuy nhiên, tại cuốn sổ ghi chép của những người thợ đá cho thấy việc mua bán, vận chuyển đá khắp vùng, trong đó ghi rõ số tiền người dân mua đá còn nợ. 
 
Đáng chú ý, tình trạng khai thác, vận chuyển đá tại khu vực trên đi qua đường đập của công trình thủy lợi hồ Pró đã làm tăng nguy cơ mất an toàn cho công trình. Bởi, theo xác định của cơ quan chức năng và đơn vị chủ quản, đập hồ thủy lợi Pró đang xuống cấp, con đường chạy trên thân đập đã bong tróc, ổ gà, ổ voi do trước đây xe tải hạng nặng ra vào tự do. Cùng với đó, tình trạng bồi lắng, đổ đất lấn chiếm lòng hồ xảy ra khiến hành lang an toàn của hồ chứa bị đe dọa. Tất cả những tác động này đã xảy ra trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái tích cực để chấn chỉnh, thậm chí chỉ xử lý qua loa, chiếu lệ.
 
Về nguyên nhân, người dân nơi đây cho biết, khu vực này có tiềm năng lớn về du lịch dã ngoại, trải nghiệm. Từ năm 2019 đến nay, nhiều người từ nơi khác đến đây mua gom những diện tích đất nông nghiệp quanh hồ để xây dựng trang trại, đầu tư du lịch canh nông. Một khi du lịch nội vùng phát triển chắc chắn sẽ tạo cơ hội để địa phương phát triển các ngành kinh tế khác. Vì thế, việc phát triển du lịch canh nông cần được khuyến khích xứng tầm. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, không phải vì thế mà công tác quản lý nhà nước trong khu vực bị buông lỏng, để mặc một số cá nhân xâm hại, tự do lấn chiếm đất lòng hồ, hành lang bảo vệ hồ đập, uy hiếp an toàn bờ đập của công trình thủy lợi hồ Pró, gây nguy hiểm cho tính mạng hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ du.
 
Theo ông Đỗ Phú Hòa, cán bộ Trạm Quản lý - Khai thác thủy lợi Đơn Dương, người trực tiếp quản lý hồ thủy lợi Pró, mỗi khi phát hiện có trường hợp xâm hại hồ đập thì đơn vị đều lập biên bản, đề nghị chính quyền xã Pró xử lý. Nhưng phần lớn vụ việc đều để kéo dài, xử lý qua loa khiến tình trạng xâm hại, lấn chiếm hồ trở nên mất kiểm soát. Và, cho đến thời điểm này, có khoảng 35 hộ dân có đất sản xuất nằm trong hành lang an toàn bảo vệ hồ thủy lợi. “Hiện nay, đất đai ngày càng lên giá, các vi phạm thường xuyên xảy ra. Nếu không kiên quyết xử lý một cách rốt ráo sẽ khó cho việc quản lý và bảo vệ công trình” - ông Hòa bộc trực.
 
Điển hình cho việc xử lý qua loa, thiếu kiên quyết của chính quyền xã Pró là trường hợp lấn chiếm đất lòng hồ thủy lợi Pró xảy ra ngày 11/4/2021. Khi phát hiện ông N.X.H (trú tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương), đưa máy múc vào san ủi, lấn chiếm đất trong phạm vi lòng hồ thủy lợi, Trạm Quản lý - Khai thác thủy lợi Đơn Dương đã ngăn chặn, yêu cầu UBND xã Pró lập biên bản, xử lý vi phạm. Nhưng cho đến nay, ngoài đóng phạt 200 ngàn đồng, đối tượng vi phạm vẫn chưa thực hiện khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng diện tích lấn chiếm.
 
Theo Trạm Quản lý - Khai thác thủy lợi huyện Đơn Dương, đơn vị đã nhiều lần có công văn kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ ngăn chặn các loại phương tiện hạng nặng đi lại trên mặt đập. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm các hành vi xâm hại hồ đập, lấn chiếm hành lang an toàn. Bởi nếu để tình trạng này tiếp tục tái diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận hành và nguy cơ mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa tới.
 
Liên quan vụ việc, ngày 11/10/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 7192 về việc kiểm tra phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND huyện Đơn Dương và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ phạm vi ranh giới công trình thủy lợi hồ Pró. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đơn Dương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra việc khai thác đá quanh hồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước Pró, báo cáo kết quả UBND tỉnh trước ngày 20/10/2021.
 
THỤY TRANG