Từ trung tâm TP Đà Lạt, đi theo Tỉnh lộ 722 hơn 60 km, chúng tôi đặt chân đến xã Đưng K'Nớ. Đập vào mắt là những cánh rừng ngút ngàn ẩn hiện trong lớp sương mù huyền ảo...
Từ trung tâm TP Đà Lạt, đi theo Tỉnh lộ 722 hơn 60 km, chúng tôi đặt chân đến xã Đưng K’Nớ. Đập vào mắt là những cánh rừng ngút ngàn ẩn hiện trong lớp sương mù huyền ảo. Dọc đường vào trung tâm xã, những cánh rừng già bạt ngàn đã chở che, bao bọc cuộc sống cho hàng trăm hộ đồng bào Cơ Ho, Cil nơi đây.
|
Cán bộ Trạm QLBVR Đưng K’Nớ thực hiện tuần tra bảo vệ rừng tại Tiểu khu 39 |
• GIAN NAN MỘT CHUYẾN TUẦN RỪNG
7h30 sáng, chúng tôi có mặt tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Đưng K’Nớ để cùng các cán bộ và người dân tham gia một chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng. Vừa đến, Trạm trưởng Nguyễn Thanh Đường vồn vã mời chúng tôi tháo đồ khỏi xe, rồi giục chúng tôi chuẩn bị hành trang đi rừng sớm.
Hôm nay, địa điểm tuần ra rừng mà chúng tôi hướng đến là những cánh rừng già tại các Tiểu khu 39; 42; 63. Nằm dưới lớp sương mù che phủ, Tiểu khu 39 tưởng chừng chỉ cách trung tâm xã vài km nhưng kỳ thực phải đi xe máy đến chục km, cuốc bộ thêm vài km đường rừng, mất ngót một ngày cả đi lẫn về.
Ở Trạm QLBVR Đưng K’Nớ, Trưởng trạm Nguyễn Thanh Đường năm nay anh đã ngoài 50 tuổi với hơn 20 năm gắn bó với nghiệp giữ rừng. Là người lớn tuổi nhất, thế nhưng xuyên suốt cả chuyến tuần rừng, anh luôn là người đi đầu. Trong khi chúng tôi thường xuyên phải dừng lại, thở không ra hơi thì anh vẫn cười nói vui vẻ, hai tay phát dọn những cây dại ngã ra giữa lối đi.
Dừng lại bên một rừng cây cổ thụ có đường kính trên 1 m, cao tầm 30 m, anh Đường tự hào khoe: “Cây này là bình thường, trong khu rừng này còn có rất nhiều cây to 2 - 3 người ôm, cao 35 - 40 m, tuổi đời đến cả trăm năm”. Nói rồi anh Đường lại tiếp tục đi sâu vào rừng. Dù ngoài ngũ tuần nhưng bước chân anh vẫn thoăn thoắt, những triền núi dốc ngược được anh “chinh phục” một cách nhẹ nhàng. “Quen rồi chú à, mấy năm nay anh em chúng tôi ngày nào cũng thay nhau đi tuần rừng, từ các lối mòn, khe nước và những gốc cây lớn nhỏ ở khu rừng này anh em đều nhớ hết” - anh Đường nói.
Ở xã Đưng K’Nớ, việc tuần tra được luân phiên nhau, ngày nào cũng có từ 2 - 3 tổ đi tuần xuyên rừng để kiểm tra xem có ai vào chặt phá, cây bị gãy đổ để xử lý kịp thời. “Buổi sáng tầm 7 - 8 giờ xuất phát kiểm tra một vòng khu rừng đến tầm 11 giờ về. Trưa ăn cơm nghỉ ngơi xong, đầu giờ chiều lại đi tiếp đến cuối ngày. Còn những hôm gặp mưa anh em phải ở lại trong rừng, tìm chỗ cao ráo của ngọn núi để lập lán tạm qua đêm, chịu cảnh muỗi, vắt rừng đốt” - anh Đường tâm sự.
Càng tiến sâu vào rừng, mật độ cây càng dày đặc, to lớn. Dưới những tán cây, những đàn chim rừng ríu rít cất tiếng hót gọi bầy. Cảm giác bình yên bao trùm khiến chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rất vui, quên hết mọi mệt mỏi.
• CHUNG TAY GIỮ RỪNG
Trong khi ở không ít nơi trong tỉnh, nhiều diện tích giao khoán rừng cộng đồng bị xâm hại thì tại xã Đưng K’Nớ, rừng vẫn xanh hút tầm mắt, phủ kín các ngọn núi, triền đồi.
Để có được màu xanh, sự bình yên cho Đưng K’Nớ, các cán bộ Trạm QLBVR Đưng K’Nớ luôn giữ vững tâm thế, cống hiến hết mình bảo vệ mỗi cánh rừng. Đồng hành giữ rừng cùng các cán bộ lâm nghiệp là 321 hộ dân địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân, mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ gần 28 ha với giá 500.000 đồng/ha/năm. Trong số diện tích giao khoán, có 1 nghìn ha đất rừng sản xuất, còn lại trên 8 nghìn ha là rừng phòng hộ xung yếu.
Ông Bon Niêng Ha Lam, Tổ trưởng Tổ nhận khoán số 30 là một trong những người được cán bộ, người dân hết lòng tin tưởng. Theo ông Ha Lam, nhờ tham gia nhận khoán giữ rừng, cuộc sống của không riêng gì ông mà hàng trăm hộ dân khác trong xã cũng dần trở nên no đủ. Ngoài công việc nương rẫy, người Đưng K’Nớ cũng tự sắp xếp thời gian để cùng cán bộ đi tuần tra.
“Riêng bản thân mình, mặc dù mình quản lý rừng rộng đến gần 30 ha nhưng mấy năm rồi, không một cây nào bị chặt hạ. Nếu bây giờ cán bộ khoán thêm rừng tôi vẫn nhận” - ông Ha Lam nói.
Đến và gắn bó với nghề kiểm lâm như một cái duyên, nhưng mỗi cán bộ ở Trạm QLBVR Đưng K’Nớ lại có một câu chuyện riêng, tôi luyện công việc bằng mồ hôi, nước mắt. Hoàng Văn Bang, chàng trai sinh năm 1989 là một cán bộ bảo vệ rừng trẻ, luôn háo hức với mỗi lần nhận nhiệm vụ, nhất là mỗi lần cùng đồng nghiệp tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng.
Từ quê hương Thanh Hóa vào tỉnh Lâm Đồng năm 2011, năm 2012 anh Bang được nhận vào công tác ở Đưng K’Nớ. Hiện, anh Bang được giao quản lý và bảo vệ 2.000 ha rừng. Trong 9 năm làm nhiệm vụ, công tác tuần tra rừng phải nói là vất vả nhất, lại chủ yếu tiếp xúc vùng bà con dân tộc thiểu số khiến áp lực càng đè nặng lên đôi vai của anh em. Cuộc sống kinh tế của 2 vợ chồng anh cũng không dư dả gì, hai vợ chồng anh đang sống ở khu tập thể của Trường Tiểu học Đưng K’Nớ, nơi vợ anh công tác.
“Sống trong rừng, quen với việc không có sóng viễn thông, không có điện…, cuộc sống quẩn quanh bên vách núi, cây cối, chim chóc, song đổi lại tình anh em, đồng nghiệp lại thôi thúc chúng tôi cố gắng nhiều hơn” - anh Bang chia sẻ.
Ở xã Đưng K’Nớ, độ che phủ của rừng lên đến 90% - cao nhất huyện Lạc Dương. Trong khi đó, Trạm QLBVR Đưng K’Nớ chỉ có 7 thành viên, đảm nhận nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 10 tiểu khu với diện tích lên tới khoảng 9.424 ha. Trung bình, mỗi cán bộ lâm nghiệp phải quản lý, bảo vệ hơn 1.500 ha rừng.
“Mặc dù, không phải tất cả người dân Đưng K’Nớ nào cũng đều đồng lòng bảo vệ rừng già. Cũng có người, vì làm nhà, thiếu gỗ vẫn lẻn vào rừng chặt gỗ. Thế nhưng, bây giờ đã khác xưa. Bà con đã ý thức được tầm quan trọng của rừng trong hệ sinh thái nên không phá hoại. Hơn nữa, bảo vệ rừng giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống nên ai cũng chung sức, đồng lòng”, anh Đường chia sẻ.
HOÀNG SA