Đưng K'Nớ: Đa dạng sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số

06:10, 07/10/2021

Trước đây, người dân xã Đưng K'Nớ (huyện Lạc Dương) khá chật vật trong việc tìm kiếm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập...

Trước đây, người dân xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) khá chật vật trong việc tìm kiếm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập. Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; thời gian gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã đã có nhiều mô hình, cách thức mới trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. 
 
Nông dân Đưng K’Nớ vui mừng thu hoạch vụ chuối Laba đầu tiên
Nông dân Đưng K’Nớ vui mừng thu hoạch vụ chuối Laba đầu tiên
 
Đưng K’Nớ là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương với 526 hộ, 2.326 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ trên 90%. Đời sống bà con chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng các loại cây trồng hằng năm như lúa, ngô, đậu, rau… và những cây trồng lâu năm như cà phê, cây ăn quả. Chăn nuôi tập trung chủ yếu vào đàn bò, dê, heo, gia cầm. Chính vì vậy, đời sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào mùa vụ, hầu hết mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào vụ thu hoạch cà phê. Trước tình hình đó, để đa dạng sinh kế, tạo công ăn việc làm thường xuyên và nguồn thu nhập ổn định, UBND xã Đưng K’Nớ đang xúc tiến hình thành một hợp tác xã trồng chuối Laba, hiện nay đã có 7 thành viên tham gia với diện tích 125 ha.
 
Ông Bon Niêng Ha Dong - Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết: Qua khảo sát về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, 7 hộ dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống chuối Laba. Đến nay là thời điểm thu hoạch đầu tiên, kết quả cho năng suất và chất lượng tốt. Hy vọng rằng với mô hình trồng chuối Laba này thì một thời gian ngắn nữa thôi sẽ có đông đảo bà con đồng bào DTTS tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, tạo được công ăn việc làm, hình thành được một vùng trồng chuối tập trung của địa phương. 
 
Để đa dạng sinh kế cho bà con, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động người dân chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả với diện tích 144 ha, trồng xen 5 ha cây mắc ca, 0,3 ha cây dược liệu, 3 ha giống hoa các loại… Trong 9 tháng đầu năm 2021, thực hiện cấp phát giống cà phê Arabica cho 23 hộ dân với số lượng 10.000 cây. 
 
Cùng với việc đa dạng sinh kế cho người dân bằng các loại cây trồng mới thì chăn nuôi cũng dần được xã Đưng K’Nớ quan tâm. Một điểm mới ở địa phương chính là trong vòng vài tháng trở lại đây tại thôn Đưng Trang đã hình thành được diện tích nuôi cá tầm khoảng 1.000 m2. Là một thôn đặc biệt khó khăn và nằm cách xa trung tâm xã, mô hình nuôi cá nước lạnh đã và đang mở ra một tiềm năng, hướng đi mới cho các hộ dân nơi đây.
 
Tháng 3 năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ (70%) của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, anh Liêng Hót Ha Chú đã đầu tư chuồng trại nuôi 5 con heo rừng lai. Đến nay, một con đã sinh sản lứa đầu tiên, các con còn lại vẫn được anh tiếp tục chăm sóc để phục vụ cho nhu cầu sinh sản. Anh Liêng Hót Ha Chú chia sẻ rằng, địa phương rất phù hợp để nuôi giống heo rừng lai này, thức ăn của chúng rất dễ kiếm như lá chuối rừng, bã rượu; bột ngô, cám lúa. Nhiều hộ dân xung quanh đã đến xem mô hình của mình và họ cũng có ý định nuôi để cải thiện thêm thu nhập, tận dụng thức ăn có sẵn. Hiện tại cả xã có 5 mô hình nuôi heo rừng lai.  
 
Không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS ở địa phương bằng các loại cây trồng, giống vật nuôi mới; xã Đưng K’Nớ đã và đang khuyến khích bà con làm tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Hiện tại tổng diện tích giao khoán là trên 12.169 ha/437 hộ dân, 2 tập thể. Hàng quý, Ban Lâm nghiệp xã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng, kiểm lâm địa bàn đánh giá kết quả giao khoán, tình hình vi phạm và tiến hành nghiệm thu giao khoán QLBVR để cấp phát tiền cho các hộ gia đình nhận khoán. Đây cũng là một sinh kế giúp bà con đồng bào DTTS ở địa phương có thêm thu nhập, cải thiện dần cuộc sống.
 
Theo lãnh đạo UBND xã Đưng K’Nớ, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện việc đa dạng hóa sinh kế cho bà con đồng bào DTTS, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động các nông hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực lao động, sản xuất. Trên cơ sở thành công bước đầu của các mô hình về trồng chuối Laba, nuôi cá tầm, nuôi heo rừng lai… sẽ tiếp tục nhân rộng đến các hộ dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo từng năm; tạo sinh kế lâu dài cho bà con, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS.
 
ĐỨC TÚ