Hỗ trợ chủ thể OCOP trong đại dịch

06:10, 25/10/2021

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Lâm Đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gặp không ít khó khăn từ khâu sản xuất...

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Lâm Đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gặp không ít khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ, các chủ thể đang cần những giải pháp đồng hành hỗ trợ đồng bộ, kịp thời từ phía các cơ quan, đơn vị chuyên trách của Nhà nước. 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính đến ngày 30/9/2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá, phân hạng 131 sản phẩm OCOP. Trong đó, gồm hạng 5 sao (7 sản phẩm), 4 sao (66 sản phẩm) và 3 sao (58 sản phẩm). 
 
Số lượng chủ thể có sản phẩm xếp hạng OCOP nhiều nhất là doanh nghiệp (43 chủ thể), ít nhất là tổ hợp tác (1 chủ thể); còn lại hợp tác xã (19 chủ thể), cơ sở và hộ cá thể (12 chủ thể). 
 
Tính chung có 75 chủ thể tham gia 5 nhóm sản phẩm OCOP như: thực phẩm (62 sản phẩm), đồ uống (45 sản phẩm), thảo dược (21 sản phẩm), trang trí, nội thất (2 sản phẩm); vải, may mặc (1 sản phẩm). 
 
Đến nay, Chương trình OCOP Lâm Đồng đã hỗ trợ 32 chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cấp công nghệ, máy móc, chứng nhận sản xuất VietGAP, thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng thương hiệu Themacanut đạt OCOP 5 sao…
 
Đồng thời, tổ chức 10 đợt xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hà Nội; khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Festival Hoa Đà Lạt và Tuần lễ Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng tại Bảo Lộc; các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Nam Định, Bến Tre, Quảng Ninh…
 
Ngoài ra, Chương trình OCOP Lâm Đồng đã kết nối 10 chủ thể đăng ký gần 20 sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Lazada, Tiki…
 
Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19, hàng hóa lưu thông chi phí cao, thị trường thu hẹp, dẫn đến các chủ thể OCOP Lâm Đồng trong năm 2021 chỉ sản xuất khối lượng hàng hóa với tỷ lệ 20 - 40%, tương ứng doanh thu bằng 30 - 50% so với các năm trước đó. 
 
Để hỗ trợ các chủ thể OCOP tháo gỡ những khó khăn vừa nêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây dựng 5 điểm bán hàng OCOP tại các vùng du lịch Đà Lạt, Di Linh và Đạ Huoai. Bên cạnh đó, sở này tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án về phát triển kinh tế tập thể, ngành nghề nông thôn, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… gắn với Chương trình OCOP để hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp sản phẩm, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì, phân phối hợp lý, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng số lượng 168 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 - 5 sao…
 
VĂN VIỆT