Đại diện Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết đang tập trung nhân lực, phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố sạt trượt rác tại bãi chứa rác thải của nhà máy do mưa lớn kéo dài…
Đại diện Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết đang tập trung nhân lực, phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố sạt trượt rác tại bãi chứa rác thải của nhà máy do mưa lớn kéo dài…
|
Hiện trường sự cố sạt lở đất, trượt rác |
Ngày 26/10, ông Cao Trần Quốc Trí - Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt (gọi tắt là Nhà máy xử lý rác Đà Lạt thuộc Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh), cho biết đơn vị đang khẩn trương cho khắc phục sự cố sạt trượt đất và rác thải chôn lấp trước đây tại bãi chứa tạm của nhà máy do mưa lớn kéo dài. Cũng theo ông Trí, trước đó vào các ngày 12 - 17/10, tại khu vực nhà máy xảy ra mưa lớn trên diện rộng, cùng thời điểm nhà máy đang đưa xe cơ giới đào bãi chứa rác chôn lấp tạm 2 năm trước để lấy rác xử lý theo quy trình thì xảy ra sự cố sạt lở đất, trượt rác chảy tràn xuống suối cạn.
Ghi nhận hiện trường cho thấy tại khu vực tiếp giáp với Nhà máy xử lý rác Đà Lạt đã xảy ra việc sạt lở đất và trượt rác trên diện tích khoảng gần 100 m2. Hiện trường sạt trượt rác có độ dốc lớn, kéo dài từ triền đồi cao chảy tràn xuống lòng suối cạn, gây thiệt hại một số diện tích cà phê của hai hộ dân Đ.V.M và Đ.V.T (trú tại xã Xuân Trường) bên dưới. Theo biên bản ghi nhận hiện trường của cơ quan chức năng, có khoảng 50 tấn rác đã tràn xuống suối, làm dòng chảy bị chặn lại, đất và rác bị sạt lở tại vị trí trên.
Tại buổi làm việc, các bên liên quan và hộ dân có diện tích canh tác bị ảnh hưởng đã đưa ra các biện pháp khắc phục tạm thời, có sự thỏa thuận giữa các bên dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định. Trong đó, đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố sạt lở đề nghị Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh sớm khắc phục hậu quả do sự cố gây ra; thống kê và bồi thường thiệt hại cho người dân.
Về phía Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh cũng cam kết sẽ có các biện pháp khắc phục hậu quả. Hiện đơn vị quản lý nhà máy đã tiến hành giăng lưới thép B40 để thu rác, không để chảy theo dòng suối phát tán ra khu vực sản xuất rộng lớn ở phía hạ du. Cùng với đó, có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đưa phương tiện, máy móc cơ giới vào hiện trường để khắc phục, xử lý nhanh và kịp thời điểm sạt lở do mưa kéo dài gây ra.
Theo ông Cao Trần Quốc Trí, đây là lượng rác cũ do đơn vị trước kia vận hành nhà máy nhưng thiếu dây chuyền xử lý dẫn đến rác ứ đọng, đã chôn lấp tạm thời với khối lượng khoảng 40.000 tấn. Việc này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt hành chính và yêu cầu nhà máy xử lý theo quy trình. Trong khi đơn vị đang thực hiện việc xử lý này thì xảy ra sự cố. Hiện nhà máy đang mở đường xuống thung lũng, một khi thời tiết thuận lợi (nắng ráo) sẽ huy động thêm máy móc, xe cơ giới thu gom, vận chuyển số rác tại điểm sạt lở lên nhà máy để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, Nhà máy xử lý rác Đà Lạt đã lắp đặt xong 3 dây chuyền xử lý, mỗi ngày có thể xử lý trên 250 tấn rác, đây là nơi duy nhất xử lý rác thải cho TP Đà Lạt và một phần của huyện Lạc Dương.
Liên quan đến Dự án Nhà máy xử lý rác Đà Lạt, trước đó đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến kiểm tra thực tế hoạt động của nhà máy này. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh quản lý, vận hành nhà máy xử lý rác đảm bảo xử lý hết khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận, không để tồn đọng rác tại nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên tổ chức vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường khu vực nhà máy; áp dụng các giải pháp để hạn chế mùi hôi, côn trùng…, trong quá trình tiếp nhận, xử lý rác.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị phía doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; hỗ trợ chế độ độc hại cho công nhân, người lao động tại nhà máy. Về lâu dài, cần thay đổi công nghệ mới, hiện đại để xử lý rác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Đà Lạt và vùng phụ cận.
Để đảm bảo nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả, đồng chí Trần Văn Hiệp giao UBND TP Đà Lạt thường xuyên theo dõi, giám sát việc vận hành Nhà máy xử lý rác thải Đà Lạt, đảm bảo rác thải được vận chuyển, xử lý kịp thời, không để tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường.
THỤY TRANG