Khó khăn trong quản lý, khai thác cát tại Đam Rông

04:10, 05/10/2021

Dù có trữ lượng cát khá lớn nhưng huyện Đam Rông hiện chỉ có 1 doanh nghiệp được cấp quyền khai thác với số lượng hạn chế, trong khi nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp tăng cao đã đẩy giá cát tăng đáng kể.

Dù có trữ lượng cát khá lớn nhưng huyện Đam Rông hiện chỉ có 1 doanh nghiệp được cấp quyền khai thác với số lượng hạn chế, trong khi nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp tăng cao đã đẩy giá cát tăng đáng kể.
 
Một máy hút cát lậu trên sông Krông Nô, địa bàn xã Đạ R’Sal
Một máy hút cát lậu trên sông Krông Nô, địa bàn xã Đạ R’Sal
 
Hiện nay, phần lớn các điểm tập kết cát dọc sông Krông Nô chạy qua xã Đạ R’Sal, Đạ Tông, Rô Men,… thuộc địa bàn huyện Đam Rông đều trong tình trạng “cháy hàng”. Nguyên nhân khá đơn giản là ngoài việc các điểm khai thác cát nhỏ, lẻ này không có giấy phép khai thác cát thì thời gian qua, cơ quan chức năng địa phương siết chặt quản lý, xử phạt các cá nhân khai thác cát lậu khiến các điểm này gần như “án binh bất động”.
 
Còn trên tuyến Quốc lộ 27 từ trung tâm huyện Đam Rông về xã Đạ R’Sal hay dọc Tỉnh lộ DT 722 về các xã Đạ Tông, Đạ Long, một số bãi tập kết cát của các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đều trong tình trạng khan hiếm, số lượng cát tại chỗ không nhiều. 
 
Chúng tôi đi dọc sông Krông Nô chạy qua xã Đạ R’Sal và Đạ Tông dài hơn 15 km - con sông có số trữ lượng cát lớn nhất trên địa bàn huyện, nhưng không có một đơn vị nào khai thác, tập kết bãi cát lộ thiên. Tuy nhiên, tại một số vị trí tiếp giáp lòng sông địa bàn xã Đạ R’Sal chúng tôi vẫn ghi nhận có máy hút cát đang nằm dưới lòng sông, bên trên có đống cát nhỏ khoảng 5 tới 10 m3. Người dân tại đây cho hay, các điểm khai thác cát lậu này ban đêm thi thoảng vẫn hoạt động. Do sợ bị phát hiện, họ dùng máy hút cát trực tiếp lên xe tải, không tập kết cát thành đống lớn như trước. 
 
“Thời gian trước họ hút cát công khai, xe tải chở cát đi liên tục cả ban ngày. Giờ họ chỉ chở cát đi nhỏ lẻ vào ban đêm” - ông Nguyễn Văn Huy, một người dân sống gần sông Krông Nô, xã Đạ R’Sal cho biết. Cũng theo ông Huy, do tình hình khai thác cát bị cơ quan chức năng siết chặt hơn nên giá cát hiện nay cũng tăng liên tục. Hiện một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại địa phương mua cát có giấy phép bán lẻ cho người dân vào khoảng 150.000 tới trên 350.000 đồng/1 m3 tùy theo loại cát trộn bê tông, cát xây tô hay cát san lấp công trình. Trong khi đó, thời gian đầu năm 2021 và trong năm 2020, giá cát giảm khoảng gần 40% so với giá hiện nay.
 
Ông Kră Jăn Ha Siêng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, huyện Đam Rông xác nhận, thời gian đầu năm tới nay, địa bàn xã nhu cầu người dân, doanh nghiệp thi công công trình xây dựng cần mua cát ngày một tăng, nhưng gặp nhiều khó khăn về giá. Nguyên nhân giá cát đắt đỏ theo ông Ha Siêng do địa bàn xã Đạ Tông và các xã lân cận không có mỏ cát nào được phép khai thác, trong khi một số doanh nghiệp mua cát tại Lâm Hà, hoặc các địa phương khác chở về nên tính cộng giá thành vận chuyển khiến giá cát đội lên hơn. UBND xã Đạ Tông mới đây cũng vừa thu giữ một xe máy múc cỡ lớn khai thác cát lậu tại sông Krông Nô và lập hồ sơ gửi UBND huyện Đam Rông xử lý theo quy định. 
 
Theo UBND huyện Đam Rông, hiện nay trên địa bàn chỉ có một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát là Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt, khai thác khoáng sản, cát sỏi lộ thiên tại lòng suối xã Liêng Srônh nhưng trữ lượng tương đối nhỏ. Do nhu cầu về khoáng sản phục vụ xây dựng ngày một tăng cao, trong khi nguồn cung ứng tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu, nên đã xảy ra thực trạng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát diễn ra thường xuyên với quy mô nhỏ lẻ. 
 
Thống kê từ ngày 1/1 tới hết tháng 8/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đam Rông đã tiến hành 57 đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất, phát hiện 48 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác cát trái phép. Trong đó, 37 vụ đã thi hành xử phạt với số tiền trên 180 triệu đồng; 10 vụ đang xác minh, lập hồ sơ xử lý; 1 vụ chuyển UBND tỉnh ra quyết định xử phạt theo quy định.
 
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương, ông Nguyễn Duy Dân, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đam Rông cho biết: UBND huyện đã có văn bản tiếp tục kiến nghị lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu UBND tỉnh sớm phê duyệt 13 điểm mỏ (12 mỏ cát xây dựng, 1 mỏ đất san lấp) cục bộ trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tại địa phương. Ông Dân thông tin tại khu vực sông Krông Nô (giáp ranh địa bàn tỉnh Đắk Lắk) dù có trữ lượng cát lớn nhưng do UBND tỉnh chưa đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác nên theo quy định, không thể cấp phép khai thác cát tại khu vực trên cho các doanh nghiệp.
 
C.THÀNH - N.NGÀ