Nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới trong ngành Giáo dục

05:10, 26/10/2021

Đây là chủ đề của hội thảo do Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng vừa tổ chức trực tuyến trong toàn ngành Giáo dục tỉnh...

Đây là chủ đề của hội thảo do Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng vừa tổ chức trực tuyến trong toàn ngành Giáo dục tỉnh. Với số lượng nữ trên 70% trong hơn 22.300 cán bộ nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) thuộc 689 đơn vị trường học, vấn đề bình đẳng giới (BĐG) có nhiều ý nghĩa đối với trách nhiệm các cấp, các ngành, và tạo hiệu ứng lan tỏa việc nêu cao vị thế, vai trò của phụ nữ… 
 
Lãnh đạo ngành Giáo dục tặng hoa và quà cho các đại biểu nữ
Lãnh đạo ngành Giáo dục tặng hoa và quà cho các đại biểu nữ
 
•  CÒN KHOẢNG CÁCH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
 
BĐG trong giáo dục tại Điều 14, Luật BĐG năm 2006: “Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.
 
Bởi vậy, BĐG làm tăng chất lượng nguồn nhân lực trung bình của xã hội; có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai. Có 4 loại hình giáo dục không chính quy, chủ yếu dành cho người lớn, trong đó có phụ nữ. Các chương trình này đã tạo nhiều cơ hội học tập đối với phụ nữ hơn rất nhiều so với trước… Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn (CTCĐ) Trường THPT Lê Lợi, cô Đinh Thị Kim Phúc thẳng thắn nêu: Việc nhìn nhận vai trò của nữ giáo viên chưa đúng, nhiều hiệu trưởng không muốn nhận giáo viên là nữ vì sợ liên quan đến chế độ nghỉ sinh nở, con đau ốm ảnh hưởng đến việc giảng dạy, hoặc khi đề bạt, cử đi học còn e dè trong việc chọn nữ giáo viên. Trẻ em gái ít cơ hội được đến trường so với nam giới. Mặt chủ quan, nhiều chị em chưa thoát ra khỏi tâm lí tự ti, an phận, không cần phấn đấu, không chịu khó học tập để nâng cao trình độ, chưa nhận thức hết vai trò và chưa thay đổi cách nhìn mới về chính mình…
 
•  BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TRƯỜNG HỌC
 
Một trong những vấn đề thiết thực hiện nay là “Giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, BĐG và giới tính cho học sinh, sinh viên”. Phó CTCĐ ngành Giáo dục Trần Thị Kim Ngân đi sâu một số khía cạnh nguyên nhân, thực trạng và giải pháp. Theo cô Ngân, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong các nhà trường. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; kết nối thông qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111). Đó còn là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBNGNLĐ và học sinh, sinh viên; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật. Mặt khác, tích hợp nội dung các chương trình giáo dục; nâng cao năng lực của CBNGNLĐ và học sinh, sinh viên trong các hoạt động tổ chức giáo dục; phối hợp giữa trường học, gia đình và các cơ quan, ban, ngành của địa phương; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục.
 
•  BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG GIA ĐÌNH
 
Để thu hẹp khoảng cách trong BĐG, kiến thức xây dựng hạnh phúc gia đình, BĐG trong gia đình của nữ CBNGNLĐ có vai trò rất quan trọng. Đây là vấn đề được CTCĐ Trường Chuyên Thăng Long, cô giáo Trần Thị Thùy Trang đặt ra. Gia đình hạnh phúc là một gia đình hòa thuận, “no ấm, bình đẳng, tiến bộ”, là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Cô Trang cho rằng: “Người phụ nữ trong gia đình là người kết nối các thành viên lại với nhau; góp sức mình chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho mỗi thành viên; vun vén, sắp xếp, quản lý mọi việc trong gia đình; chăm chút đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp”. Vì vậy, “người phụ nữ phải không ngừng trau dồi học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hóa, có tri thức, có kỹ năng sống và khả năng biết tính toán, có sức khỏe tốt để tiếp cận, nắm bắt kịp thời kiến thức khoa học, kiến thức thực tiễn để phục vụ đời sống, phục vụ công việc”. Người phụ nữ trong gia đình hạnh phúc do đó vừa giữ vai trò làm vợ, làm mẹ, vừa đóng vai trò trụ cột cùng chồng tạo thu nhập cho gia đình. 
 
Hội thảo còn được trao đổi nhiều tham luận cụ thể từ thực tiễn đơn vị. Đó là “Những giải pháp đem lại hiệu quả trong công tác BĐG trường học” của CTCĐ Trường THPT Lộc An Lê Thị Hoài Thương; “Công tác nữ công với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của CTCĐ Trường THPT Lộc Phát Nguyễn Thị Kim Nhung; “Nữ cán bộ nhà giáo với đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục nội dung về giới, BĐG, giới tính, sức khỏe sinh sản” của cô Hoàng Thị Ngọc Hương, Ủy viên Ban Nữ công, Công đoàn ngành Giáo dục…
 
NHIỀU ĐIỂN HÌNH CỦA CÁC PHONG TRÀO
 
Vận dụng vào thực tiễn, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đã tổ chức phát động nhiều phong trào ý nghĩa và hiệu quả như: “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” lồng ghép với phong trào thi đua “Hai tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… Tổ chức các chuyên đề, hội thảo, hội thi có hiệu quả tích cực như: “Khỏe, đẹp trong nữ cán bộ nhà giáo”; “Trang phục áo dài truyền thống”; “Phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Phụ nữ với hạnh phúc gia đình”; “Nghệ thuật làm mẹ, làm vợ”; “Nữ CBNGNLĐ với phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… Nhiều tổ chức CĐCS tiêu biểu như các Trường THPT: Lộc An, Chu Văn An, Phan Bội Châu, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương, Đạ Huoai, Châu Á - Thái Bình Dương, Lê Quý Đôn… Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Ngô Văn Sơn cho biết: “Vai trò của đội ngũ CBNGNLĐ trong ngành ngày càng có nhiều tấm gương và tập thể điển hình trong các phong trào của ngành Giáo dục. Vai trò, những giá trị cùng nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam đang thực sự lan tỏa trong xã hội với rất nhiều ý nghĩa”.
 
Vâng, “Sứ mệnh của người phụ nữ không phải để cường hóa tinh thần nam tính, mà để thể hiện nữ tính; sứ mệnh của người phụ nữ không phải là duy trì thế giới nam tôn, mà là xây dựng thế giới con người bằng việc đưa yếu tố nữ tính của mình vào mọi hoạt động của nó” (Margaret Thatcher).
 
ĐẠO PHAN