Với việc nhiều tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16 vừa nới lỏng các biện pháp giãn cách và các biện pháp quản lý người dân nhằm tiến tới dần ổn định để phát triển kinh tế...
Với việc nhiều tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16 vừa nới lỏng các biện pháp giãn cách và các biện pháp quản lý người dân nhằm tiến tới dần ổn định để phát triển kinh tế, thì việc tăng cường quản lý các hoạt động vận chuyển liên tỉnh ra vào từ những địa phương vẫn đang có dịch càng trở nên cần thiết. Việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động vận tải này sẽ góp phần hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, trong khi tỷ lệ người dân của tỉnh được chích đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn còn thấp.
Xe tải chờ khai báo tại Chốt kiểm dịch số 1 |
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch, Sở Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã tiếp tục có hướng dẫn cụ thể nhằm tiếp tục quản lý lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh; các địa phương cũng đã có chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn trong công tác quản lý, kiểm soát, nhằm khống chế không để dịch bệnh COVID-19 lây lan thông qua hoạt động của các lái xe, phụ xe vận tải đường dài.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, việc lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa đường dài thường xuyên di chuyển vào vùng có dịch, đồng thời tiếp xúc nhiều người trong quá trình tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh trên các tuyến quốc lộ, chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nguy cơ cao bị nhiễm bệnh và làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ở địa phương. Việc tiếp tục duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch ra vào tỉnh trong điều kiện hiện nay trên các tuyến quốc lộ là cần thiết, để giám sát chặt chẽ người ngoài tỉnh vào địa phương lẫn người địa phương ở các địa phương khác trở về.
Phải ghi nhận rằng, thời gian qua, với việc triển khai nhiều biện pháp chặt chẽ và đồng bộ, sự làm việc tích cực, nghiêm túc của đội ngũ những người ở tuyến đầu, cùng với ý thức cao của người dân, Lâm Đồng đã và đang kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, phát huy những kết quả này chúng ta lại càng không thể chủ quan trong giai đoạn cả nước nới lỏng các biện pháp giãn cách như hiện nay. Việc tỉnh tiếp tục có những biện pháp siết chặt quản lý đối với các lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh là cần thiết, nhất là trong tình hình các tỉnh lân cận dịch bệnh vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng và tỷ lệ các lái xe, phụ xe của tỉnh vẫn chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin còn cao.
Theo thống kê của Sở GTVT, cho đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 282 ca dương tính COVID-19, trong đó có khoảng 80 ca dương tính là lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh và người có liên quan (F1, F2). Cũng theo nhận xét, đánh giá của Sở GTVT, suốt thời gian qua, mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa đường dài ra vào tỉnh, tuy nhiên, có thể thấy rằng, tình trạng lái xe, phụ xe có các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch ở địa bàn tỉnh vẫn xảy ra khá phổ biến. Cụ thể như lái xe sử dụng giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 giả; khai báo không trung thực, chính xác thông tin cá nhân, lịch trình, điểm xếp dỡ hàng hóa; lén lút chở người trên thùng xe tải hoặc giả danh là lái xe, phụ xe để đưa người vào tỉnh; không chấp hành quy định về xếp dỡ hàng hóa và lưu trú... Những vi phạm này đã có trường hợp gây hậu quả và làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT Lâm Đồng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện những ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, tỉnh yêu cầu toàn bộ các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Còn về vấn đề tổ chức kiểm tra tại các chốt như đã phân tích ở trên là cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng ùn tắc và không để hàng hóa, xe cộ bị ách tắc quá lâu, theo chủ trương của Chính phủ, hiện các tỉnh, thành phố phải sử dụng một phần mềm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 bằng phần mềm kiểm soát lái xe và người đi cùng trên xe ô tô vận tải hàng hóa với mã QR của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an, thay cho mã của ngành GTVT. Mỗi phương tiện sẽ có một mã QR cố định được tạo ra ở lần kê khai đầu tiên. Khi đổi xe khác, chỉ cần truy cập vào phần mềm để cập nhật lại thông tin về phương tiện và thông tin khác nếu có thay đổi, lấy mã QR đã in dán lên xe mới trước khi điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa. Trong thời gian triển khai thử nghiệm, đơn vị vận tải, người trên xe ô tô vận tải hàng hóa thực hiện kê khai thông tin trên phần mềm của Cục C06 tại địa chỉ: http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại địa chỉ http://vantair.drvn.gov.vn. Hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với xe ô tô vận tải hàng hóa, không áp dụng với xe ô tô chở người như xe con, xe khách, xe máy.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng thì hiện trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương đang thực hiện khá tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động xếp dỡ hàng hóa và lưu trú tập trung của đội ngũ lái, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh. Các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện nghiêm hướng dẫn và bố trí, sắp xếp bãi xếp dỡ hàng hóa dành riêng cho xe vào xếp hàng lên và xe dỡ hàng xuống, đảm bảo các điều kiện phòng dịch và tổ chức quản lý xe, lái xe phụ xe ra vào bằng hình thức check in, check out mã QR trên phần mềm y tế. Thành lập đội bốc xếp hàng hóa tại các điểm xếp dỡ giao, nhận hàng tại các địa điểm giao, nhận hàng tập trung. Các địa phương cũng đều có các điểm lưu trú tập trung cho lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh và thường xuyên tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký lưu trú cho lái xe, phụ xe. Tổ chức quản lý, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 đối với các lái xe, phụ xe. Đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực lưu trú. Bố trí chỗ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ cho lái xe, phụ xe trong khu vực.
NGUYỄN NGHĨA