Hội viên góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là một trong những mô hình nổi bật, có hiệu quả của Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh...
Hội viên góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là một trong những mô hình nổi bật, có hiệu quả của Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, việc được tiếp cận nguồn quỹ này được xem là “chìa khóa” thoát nghèo bền vững và giúp hội viên có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
|
Mô hình “Hội viên góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” đã giúp gia đình bà Đặng Thị Ba thoát nghèo và có mức thu nhập ổn định |
Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức hiện có 11 chi hội với 642 hội viên, trong đó, tỷ lệ hội viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn. Do vậy, Hội luôn trăn trở tìm mọi cách để làm thế nào có thể tháo gỡ khó khăn, giúp hội viên có việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xuất phát từ lý do đó, đầu năm 2015, mô hình “Hội viên góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” được thành lập với số vốn kêu gọi, vận động khoảng 140 triệu đồng.
Theo đó, mỗi hội viên tham gia sẽ đóng 500.000 đồng/năm và cứ đến đầu năm các hội viên trong tổ sẽ họp để đóng tiền và bốc thăm lấy vốn. Số tiền hội viên được vay mỗi lần từ 5 đến 50 triệu đồng không tính lãi hoặc với lãi suất rất thấp. Tuy nhiên, khi có hội viên khó khăn cần nguồn vốn trước, các hội viên khác sẽ chủ động nhường cho vay. Từ nguồn vốn này, hội viên đã sử dụng vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, buôn bán, chuyển đổi cây trồng…
Hằng năm, Hội sẽ tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu của từng hội viên về phát triển kinh tế. Sau đó đánh giá, phân loại hộ nghèo, ốm đau, cần hỗ trợ mua cây giống nhưng chưa có điều kiện… nhằm có tính xác thực và trích nguồn kinh phí để giúp đỡ hội viên được vay.
Phát huy được hiệu quả mô hình, tại Thôn 3, bà Đặng Thị Ba cách đây 4 năm vẫn còn là một trong những hội viên thuộc diện hộ nghèo, đời sống kinh tế còn nhiều bấp bênh. Bà Ba tâm sự: “Trước đây, nguồn kinh tế thu nhập trong gia đình chỉ dựa vào ít sào lúa. Sau này, nhờ số tiền Hội Chữ thập đỏ xã cho mượn tôi mạnh dạn mua giống bưởi da xanh về trồng thêm trong vườn. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, đến đầu năm 2019, tôi đã thoát nghèo và trả được hết số vốn vay cho Hội Chữ thập đỏ xã”.
Tương tự tại Thôn 4, bà Nguyễn Thị Sâm tham gia vào mô hình giúp nhau phát triển kinh tế từ năm 2016. Theo nhận định của bà Sâm, đây là mô hình hữu ích, số tiền được vay là vài triệu hoặc là vài chục triệu đồng đã giúp các hội viên trong thôn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Cũng như các hội viên còn gặp nhiều khó khăn, bà Sâm được vay 40 triệu đồng từ nguồn kinh phí mô hình hội viên giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Chữ thập đỏ xã. Sau khi vay vốn, bà Sâm mạnh dạn vay thêm bên gia đình và các nguồn khác đầu tư chuồng trại để nuôi heo và trồng các loại rau ngắn ngày. Từ 4 con heo ban đầu, đàn heo của bà sinh sôi, nảy nở, cứ thế xoay vòng nên mỗi lứa như thế bà cũng tích góp được số vốn nhất định.
“Năm 2018, tôi xin thoát nghèo và trả được số tiền đã vay của Hội để tạo điều kiện cho các hội viên khó khăn hơn mình vay vốn làm ăn. Sau khi trả xong, tôi còn một số vốn để đầu tư trồng 4 sào dâu và làm nhà kén. Đến nay vừa nuôi heo, trồng dâu nuôi tằm, tổng thu nhập bình quân trong gia đình cũng được gần 60 triệu đồng/năm”, bà Sâm nói.
Được Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Tẻh đánh giá là một trong những mô hình nổi bật và có hiệu quả nhất trong suốt 5 năm qua, đến nay, Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức tiếp tục nhân rộng, duy trì và phát triển mô hình với nguồn vốn tăng lên hơn 225 triệu đồng. Qua đó, đã giúp đỡ 75 trường hợp vay mượn, đặc biệt là từ nguồn kinh phí này đã có 5 hội viên trên địa bàn xã thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Đức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức cho hay: Mô hình của Hội được duy trì trong suốt 5 năm qua, chẳng những đem đến cho bà con cơ hội thoát nghèo mà còn giúp người dân phát huy được sức lao động lúc nhàn rỗi, từ đó mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc và hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo. Một điều đặc biệt hơn từ mô hình này là ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục và ngày một lan tỏa, qua đó nhằm trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn xã.
T.HIỀN