Tìm lời giải cho vấn đề sạt lở ở Đưng K'Nớ

06:10, 28/10/2021

Việc sạt lở kéo dài nhiều năm qua ngay sau trụ sở UBND xã, hàng chục hộ dân sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở cao là những vấn đề đặt ra hiện nay ở xã Đưng K'Nớ (huyện Lạc Dương)...

Việc sạt lở kéo dài nhiều năm qua ngay sau trụ sở UBND xã, hàng chục hộ dân sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở cao là những vấn đề đặt ra hiện nay ở xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương). Khi những vấn đề này được giải quyết, Đưng K’Nớ mới cơ bản đủ hành trang để chạm đích nông thôn mới.
 
Việc sạt lở, trượt đất xảy ra kéo dài ngay phía sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ
Việc sạt lở, trượt đất xảy ra kéo dài ngay phía sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ
 
•  SẠT LỞ THƯỜNG XUYÊN SAU TRUNG TÂM UBND XÃ
 
Sau những đợt mưa lớn kéo dài gần đây, phía sau Trung tâm UBND xã Đưng K’Nớ tiếp tục bị sạt lở. Lượng bùn đất lớn liên tục trượt xuống, vùi lấp sân bê tông sau khu nhà làm việc của UBND xã. Đồng thời, bùn đất còn theo các mương thoát nước tràn ra trước cổng UBND xã với khối lượng lớn, gây ách tắc giao thông trên đường Trường Sơn Đông. Đây không phải chuyện vừa mới diễn ra, mà vấn đề này đã kéo dài liên tục nhiều năm.
 
Năm 2019, UBND huyện Lạc Dương đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình: Chống sạt lở trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện làm chủ đầu tư. Mục tiêu đặt ra là khắc phục tình trạng sạt lở sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nội dung xử lý sạt lở gồm tháo dỡ kè rọ đá hiện hữu, xây dựng các mương thoát nước kết cấu bê tông đá và sửa chữa sân sau nhà làm việc. Ngoài ra, dự án này còn bao gồm cả việc sửa chữa một số hạng mục tại khu nhà làm việc của trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ. Tổng mức đầu tư trên 1,1 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn xây dựng cơ bản ngân sách huyện năm 2019.
 
Ông Nguyễn Xuân Quang - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lạc Dương cho biết: “Đã có nhiều phương án được đưa ra, song đây là phương án hợp lý, an toàn và tiết kiệm”.
 
Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, còn nhiều bất cập nảy sinh trong vấn đề này bởi lượng bùn đất vẫn liên tục trôi xuống mỗi khi mưa, và số lượng càng tăng lên vào mùa mưa bão. UBND xã cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục sạt lở, như: xây mương thoát nước, thực hiện nạo vét bùn đất. Tuy nhiên, tình hình sạt lở đang ngày càng nghiêm trọng, bùn đất thường xuyên tràn xuống khu vực phía sau trụ sở, nhất là sau các trận mưa. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Xuân Quang cho hay: Do đây là khu vực có khe tụ thủy, đất sét pha, độ kết dính thấp, nhiều đá mồ côi… nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Được biết, sắp tới Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lạc Dương sẽ tiến hành xây dựng các hố ga tại khu vực mương thoát nước để giảm lượng bùn đất đổ ra đường Trường Sơn Đông.
 
Một trong những lý do mà huyện Lạc Dương chọn phương án chống sạt lở năm 2019 là vì mục đích tiết kiệm, phù hợp điều kiện và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, những năm qua, cán bộ UBND xã Đưng K’Nớ liên tục phải bỏ ngày công lao động để dọn dẹp bùn đất. Riêng năm 2021, kinh phí huyện Lạc Dương cấp cho xã Đưng K’Nớ để xử lý vấn đề này đã trên 300 triệu đồng. Con số này chắc chắn sẽ tăng cao nhiều nếu không có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp xử lý tạm thời. Và con số này chắc chắn sẽ tăng cao nếu không có phương án xử lý căn cơ. Như vậy, mục tiêu tiết kiệm được đặt ra ban đầu đã hoàn toàn không được đáp ứng.
 
Mặc khác, kết quả khảo sát thực địa khu vực núi phía sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ cho thấy, phía trên rừng có hiện tượng sụt lún khoảng 50 m đến 70 m, xuất hiện đường rạn nứt có chiều dài khoảng 100 m, rộng từ 0,5 đến 1 m, theo hướng vòng cung. Nhiều vị trí đã có hiện tượng khối đất bị lún, trượt xuống thấp khoảng 0,5m. Do đó, nguy cơ sạt lở rất cao, ảnh hưởng đến tài sản của Nhà nước, tính mạng của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang đang làm việc tại trụ sở UBND xã. Xã Đưng K’Nớ đề nghị UBND huyện Lạc Dương có phương án khắc phục khẩn cấp tình trạng trên, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Và mục tiêu an toàn được đặt ra khi thực hiện công trình năm 2019 cũng không đạt được. 
 
Để giải quyết vấn đề sạt lở phía sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương cần tạo điều kiện để có sự vào cuộc của các đơn vị chuyên môn. Sụt đất có nhiều nguyên nhân liên quan đến cung trượt, địa tầng, địa chất… Với mỗi nguyên nhân khác nhau, đơn vị chuyên môn sẽ có các giải pháp xử lý phù hợp. 
 
•  XỬ LÝ NGUY CƠ SẠT LỞ TRONG CÁC KHU DÂN CƯ
 
Đưng K’Nớ về đích nông thôn mới, đồng nghĩa với việc huyện Lạc Dương giải được cơ bản các “bài toán” để “chạm” vào danh hiệu huyện nông thôn mới. Nếu như các vấn đề liên quan đến sản xuất và thu nhập cần phát huy nội lực trong Nhân dân Đưng K’Nớ chưa thực sự đạt được như kỳ vọng thì các vấn đề liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng có thể thực hiện được từ các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định việc “Tập trung mọi nguồn lực để đưa xã Đưng K’Nớ về đích nông thôn mới”. Đó là cơ sở để địa phương này tiến hành xử lý triệt để việc sạt lở phía sau trụ sở UBND xã và các khu dân cư có nguy cơ sạt lở ở Đưng K’Nớ. 
 
Đưng K’Nớ là địa bàn vùng xa thuộc huyện Lạc Dương. Đây là địa bàn có gần 95% dân số là đồng bào DTTS. Theo các cơ quan chức năng, địa chất tại địa phương này chủ yếu là đất sét pha cát, độ dốc cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Theo thống kê mới nhất của UBND xã Đưng K’Nớ, sau những trận mưa vừa qua có 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiệt hại về nhà ở gồm các hộ ông Moon Ha Su; Kon Sa Ha Mha; Liêng Hót Ha Poh (thôn Lán Tranh); 2 hộ gia đình thiệt hại về công trình phụ sạt lở ta luy âm, gồm hộ Liêng Hót K Măng, Rơ Ông Ha Brèo, thôn K’Nớ 2. Ước giá trị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, về công trình cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn từ Thôn 2 xuống thôn Đưng Trang: Bị rửa trôi, xói mòn và sạt lở 2 điểm. Trên đường Trường Sơn Đông sạt lở 1 điểm lớn khối lượng đất, đá khoảng 100 m gần Giáo xứ Đưng K’Nớ, chiều dài khoảng 20 m, chiều cao từ 10 - 12 m; ngoài ra, còn sạt lở các điểm nhỏ khối lượng đất, đá làm vùi lấp các mương gây xói mòn mặt đường.
 
Ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết: Hiện trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân có nhu cầu về đất ở. Trong đó, có hơn 50 hộ sinh sống tại các vùng nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân này không thuộc đối tượng được bố trí tái định cư tại Khu dân cư K’Nớ 5 nên vẫn chưa có quỹ đất để giải quyết nhu cầu của các hộ dân trên. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con, chính quyền địa phương đang vận động người dân di chuyển ra khỏi khu vực sạt lở khi xảy ra trời mưa lớn kéo dài. UBND xã cũng kiến nghị lãnh đạo huyện Lạc Dương và các sở, ngành liên quan phối hợp với địa phương có các giải pháp phòng, chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người dân.
 
Hiện chính quyền xã Đưng K’Nớ đã khuyến cáo các hộ dân chủ động thực hiện những giải pháp chằng chống, gia cố lại những khu vực có nguy cơ sạt cao. Đồng thời, sẵn sàng các phương án di dời tới nhà người thân ở khu vực an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản trong thời tiết mưa kéo dài.
 
Việc xử lý các vấn đề liên quan đến sạt lở là cần thiết để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp khắc phục những vấn đề ở hiện tại để Đưng K’Nớ phát triển, cần có giải pháp cho việc quy hoạch, bố trí dân cư phù hợp, ổn định, lâu dài. Công tác quy hoạch định cư cần lưu ý hơn đến các vấn đề thiên tai, trong đó có sạt lở, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thiên nhiên ngày càng bất thường.
 
Sụt lở đất là một trong những hiện tượng xảy ra trong tự nhiên. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này diễn ra tại các điểm dân cư đang sinh sống, các trụ sở, cơ quan liên tục trong thời gian dài thì có thể sẽ xảy ra những thiệt hại về người và của. Việc nhận định đánh giá tình hình là điều cần làm để hiện tượng tự nhiên không trở thành vấn đề mang tính xã hội.
 
NGỌC NGÀ - HOÀNG SA