Bước chuyển mình bên dòng Đa Nhim

06:11, 03/11/2021

Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đơn Dương năm 2021 vẫn tiếp tục có những dấu ấn đáng ghi nhận...

Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đơn Dương năm 2021 vẫn tiếp tục có những dấu ấn đáng ghi nhận trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
 
Khu vực trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương
Khu vực trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương
 
•  KHÁT VỌNG ĐỔI THAY
 
Chừng hơn mười lăm năm trước, Đơn Dương được liệt vào danh sách huyện nghèo, hộ nghèo chiếm hơn 30% dân số. Luồng gió mát lành nông thôn mới thổi về, hơn mười năm bắt tay kiến tạo đã giúp cho người dân quen với gốc rơm, cuống rạ, sấp mặt trên những luống rau ngoài trời nơi đây cảm nhận rõ ràng hơn sự ấm no, đủ đầy. “Đời sống người dân Đơn Dương giờ không khác thị thành là mấy, nhà cao tầng, xe hơi đã xuất hiện nhiều ở các thôn, buôn; người già chăm lo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; con em chăm lo học hành… Giờ về buôn làng vui lắm”, đứng trên cầu Ka Đô nhìn về miền xanh thăm thẳm dọc đôi bờ Đa Nhim, chị Tou Prong Nai Khoan, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đơn Dương, say sưa kể.
 
Cũng giống bao người con dân tộc Chu Ru sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, già làng Tou Prong Zdung, nguyên Chủ tịch UBND xã Ka Đô, chưa bao giờ quên những ký ức gắn với dòng sông huyền thoại. Già nói, xưa, bà con nơi đây chỉ biết trồng bắp, trồng lúa một vụ sống qua ngày, cái đói mùa giáp hạt đeo bám triền miên. “Mới hơn chục năm thôi, giờ ra đồng, ra đường bà con đều cảm thấy sung sướng. Cây lúa, cây bắp đã dần được thay thế bằng cây rau, hoa công nghệ cao. Nhiều người ở các buôn làng còn ngồi ở nhà tưới vườn, châm chất dinh dưỡng cho cây qua điện thoại, hiện đại lắm”, già Zdung chia sẻ. 
 
Đang điều khiển hệ thống tưới trong trang trại trồng rau công nghệ cao của gia đình, nông dân thế hệ mới Quách Đại, chủ Pax Farm, xã Ka Đô, bày tỏ: “Thế hệ mình được hưởng thành quả của huyện nông thôn mới. Xưa, không có việc thì về cuốc đất. Nhưng nay thì khác, cuốc đất phải có tri thức, có sự đầu tư. Giới trẻ bây giờ khác nhiều, mạnh dạn làm cái mới, để xây dựng thế hệ nông dân kiểu mới, làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình. Với Đơn Dương, cuộc sống ấm no, hạnh phúc giờ không là huyền thoại”, Quách Đại khảng khái. 
 
Ka Đô đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cung đường về trung tâm xã Nam sông, Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Văn Quang kể cho chúng tôi những câu chuyện trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Ka Đô có chín thôn, trong đó có năm thôn đồng bào dân tộc thiểu số, dân số gần 13 nghìn người. Trước đây, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới, sức sống mới đã tràn về trên những ngõ làng, xã giờ không còn hộ nghèo.
 
Theo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cắt nghĩa, Đa Nhim là nước mắt. Nước mắt của sơn nữ trong mối tình huyền thoại xứ cao nguyên Lang Biang, được truyền tụng từ bao đời nay quanh bếp lửa của người Chu Ru, Cơ Ho bản địa. Giờ đây, dòng lệ huyền sử ấy vẫn chảy cạn lòng qua hai mùa mưa nắng, phủ tràn đôi bờ Bắc - Nam huyện nông thôn mới Đơn Dương. Đứng trên triền núi cao, Quốc lộ 27 uốn lượn, chạy dọc theo dòng Đa Nhim xanh mát. Những ngôi nhà lớn được bao bọc với những vườn rau, khung cảnh như tranh. Có lẽ, tất cả phù sa nơi con sông ấy đã dành trọn bồn địa Đơn Dương. 
 
Đến xã Lạc Lâm, cạnh Quốc lộ 27 và dòng Đa Nhim, chúng tôi cảm nhận sự rộn ràng của nhịp sống mới. San sát nhà cao tầng, nhà hàng, cửa hiệu; bên lưu vực dòng sông ấy là những vườn rau công nghệ cao, những nông phu thư thái thăm vườn; những lữ khách đang say sưa chụp ảnh giữa vườn cà chua mùa trĩu quả… Trong nhà kính, nhà nông Bùi Ngọc Cung đang bấm nút tưới vườn. Ông Cung được xem là thế hệ nhà nông hiện đại, từng nhiều lần được địa phương chọn, tạo điều kiện cho “du học” tìm hiểu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. “Xưa, làm nông nghiệp dãi dầu lắm, đủ ăn là tốt lắm. Giờ thì khác, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nơi đây… Hiện mức sống ở đây không khác gì thành phố”, ông Cung bộc bạch.
 
 Ông Trương Quang Kiên, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, người con sinh ra trên mảnh đất này bảo rằng, nhờ ý chí, khát vọng của người dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành, có thể nói, Lạc Lâm giờ là “nửa thành thị, nửa nông thôn”; xã không còn hộ nghèo và đã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất rau, hoa công nghệ cao đem lại thu nhập, góp phần đưa kinh tế Đơn Dương phát triển mạnh mẽ
Ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất rau, hoa công nghệ cao đem lại thu nhập, góp phần đưa kinh tế Đơn Dương phát triển mạnh mẽ
 
THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI 75 TRIỆU ĐỒNG
 
Qua hơn mười năm gầy dựng huyện nông thôn mới thấm đẫm mặn ngọt mồ hôi, giờ là lúc Nhân dân Đơn Dương được hưởng những “quả ngọt”. Tiếng vó ngựa gõ lộc cộc trên đường bê tông nội đồng đã thay bằng tiếng ô tô; tổng diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao đạt hơn 11 nghìn ha, chiếm 94% diện tích đất canh tác rau, hoa toàn huyện; tổng đàn bò sữa hơn 16 nghìn con; ba vùng nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao; 5 đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; y tế, giáo dục, môi trường đều đạt chuẩn; an ninh - chính trị luôn được giữ vững… Vùng đất lành đã thu hút hơn 350 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, kinh doanh. 
 
Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Tùng cho biết, Đơn Dương từng liệt vào danh sách huyện nghèo của tỉnh. Giờ bộ mặt nông thôn và đô thị đổi thay rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 0,4%. “Trước đây, 30% dân số là hộ nghèo. Cây bắp, cây lúa gắn với đời nông phu bấp bênh năm tháng. Giờ hộ khá giả rất nhiều. Năm 2021, danh sách đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nối dài lên hơn 12 nghìn gia đình”, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương phấn khởi.
 
Đơn Dương được công nhận đạt huyện nông thôn mới đầu tiên ở Tây Nguyên vào năm 2015. Theo Bí thư Huyện ủy Trương Văn Tùng, thành quả đó chính là “ý Đảng hợp lòng dân”, phát huy sức mạnh đoàn kết trong toàn huyện. Hôm nay, từ thị trấn D’ran đi dọc triền sông Đa Nhim, Đơn Dương đã khác, những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự chạy dọc các cung đường trải nhựa và những vườn rau, hoa công nghệ cao nối tiếp, xen cài... Có lẽ, nguồn “phù sa” ấy chính là trí tuệ, khát vọng của những thế hệ đã vun bồi trên mảnh đất này, nối tiếp nhau “gieo” xuống đôi bờ Đa Nhim sức sống mới. 
 
Ở Đơn Dương, rau và hoa là đặc sản, rau đã nuôi sống cư dân từ hàng chục năm trước. Giờ và còn mãi về sau, có lẽ đặc sản rau, hoa công nghệ cao và bò sữa Đơn Dương sẽ mang về sự sung túc cho hơn 107 nghìn cư dân phía phù sa Đa Nhim đắp bồi. 
 
Đơn Dương được Trung ương chọn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, giai đoạn 2019 - 2025. Huyện đề ra mục tiêu, đến năm 2025 có 95% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; giá trị sản xuất mỗi ha đạt từ 240 - 250 triệu đồng; tất cả tám xã đạt nông thôn mới nâng cao, hai thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng… “Sắp tới, chúng tôi sẽ lựa chọn, hỗ trợ các nhà nông tiêu biểu đi học tập ở nước ngoài về nông nghiệp thông minh để đáp ứng điều kiện hiện nay tại địa phương”, Bí thư Tùng chia sẻ.
 
VĂN BẢO - C.THÀNH