(LĐ online) - Trong căn nhà gỗ còn nhiều chắp vá, có một gian phòng được làm tạm bợ thành nơi điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn với đủ các loại thiết bị, thuốc men… Nơi đó, cả gia đình đang từng ngày đấu tranh giành lại sức khỏe cho cô con gái nhỏ.
(LĐ online) - Trong căn nhà gỗ còn nhiều chắp vá, có một gian phòng được làm tạm bợ thành nơi điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn với đủ các loại thiết bị, thuốc men… Nơi đó, cả gia đình đang từng ngày đấu tranh giành lại sức khỏe cho cô con gái nhỏ.
Giữa những đổi thay ngày một đi lên của vùng đất Đầm Ròn, có một gia đình cứ mang mãi một nét trầm buồn. Căn nhà thiếu đi tiếng học bài ê a, quanh nhà thiếu đi bóng dáng nhanh nhẹn, chạy nhảy khắp nơi của Mok Ka Yến (10 tuổi, thôn Liêng Krắc 2, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông) khi ngày ngày em và mẹ, cha đang phải chống chọi lại căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.
|
Hai mẹ con Ka Yến mỗi ngày động viên nhau cùng cố gắng |
Ở BỆNH VIỆN NHIỀU HƠN Ở NHÀ
“Ít thì cũng 1 tháng, nhiều thì cả nửa năm liền chỉ ở trong bệnh viện, đi từ khoa này đến khoa kia. Mình phần nhiều cũng ở hành lang bệnh viện, mỗi ngày đều xếp hàng chờ cơm của các tổ chức từ thiện. Bao nhiêu tiền của làm được dành hết vào thuốc men và những lần phẫu thuật của con rồi”, câu chuyện của chị Ka Nam – mẹ Ka Yến khiến người nghe không khỏi xót xa.
Giọng người phụ nữ Cil thi thoảng lạc đi, ánh mắt đẫm nước nhưng chẳng chảy thành dòng. Chị bảo giờ không còn khóc nữa, nước mắt chảy ngược vào trong để giữ tinh thần cho con, giúp con lạc quan vượt qua cơn đau bệnh mỗi ngày.
Từ lúc vừa sinh ra, các bác sĩ đã chẩn đoán Ka Yến bị u vùng hạ vị, sau đó là trào ngược bàng quang, thoát vị màng tủy… Sau 8 lần phẫu thuật lớn nhỏ, 2 năm trở lại đây Ka Yến phải sống chung với căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc bụng.
Mỗi lần thấy cơ thể nhỏ bé quặn lên vì đau, người mẹ chỉ biết quay mặt, giấu nước mắt trong lòng bởi chị biết, chị và chồng bây giờ là nguồn động viên duy nhất của con. Quãng đường Đam Rông – Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh chẳng biết hai mẹ con đã đi về bao nhiêu lần. “Thời gian ở bệnh viện của 2 mẹ con còn nhiều hơn ở nhà. Nhìn thấy người ta có cả vợ chồng chăm sóc con mà mình tủi thân lắm. Nhưng ông xã còn phải đi làm, rồi lo cho đứa con gái lớn nữa”, chị Ka Nam nghẹn ngào.
Gặp Ka Yến những ngày này, gương mặt em trở nên xanh xao hơn nhưng ánh mắt Ka Yến vẫn còn nguyên vẹn sự trong trẻo, thơ ngây. Em cứ hồn nhiên mà rành rọt kể tên và số lần phẫu thuật. Từ đôi môi nhỏ xinh vẫn cất lên giọng hát yêu đời, thi thoảng không tự chủ được mà nhảy chân sáo cho dù một cánh tay vẫn phải giữ cố định đoạn ống truyền dịch.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ka Yến phải điều trị ngoại trú tại nhà. Và từ một một người chưa học hết cấp I, chị Ka Nam bây giờ chẳng khác gì một điều dưỡng chuyên nghiệp. Hàng ngày, chị thay ống truyền dịch thẩm phân phúc mạc bụng cho con 4 lần. Chị cũng nhớ rõ tên từng loại thuốc đã dùng, cẩn thận ghi chép lại lịch điều trị của con gái cũng như thường xuyên cập nhật tình hình cho các bác sĩ khi ở xa. Chồng chị, anh Ndu Y Nhát đã phải đi xin hàng xóm cái này, mượn cái kia để tự tay chắp vá một căn phòng nhỏ kín gió, hạn chế đến mức thấp nhất nhiễm trùng, chỉ đặt vừa một chiếc giường đơn và chỗ đứng cho 1 người để thực hiện các thao tác ngắt/nối ống truyền dịch được an toàn.
“Có tiết kiệm lắm thì mỗi tháng, gia đình cũng phải chi trả từ 3 – 5 triệu tiền thuốc men, thiết bị y tế điều trị cho bé. Nên dù đã được mọi người và nhà nước giúp đỡ nhưng cũng chẳng đủ đâu vào đâu. Giờ chỉ mong có đủ tiền để con làm phẫu thuật và trị bệnh thôi”, chị Ka Nam cho hay.
|
Mỗi ngày chị Ka Nam chỉ có thể tranh thủ làm những công việc lặt vặt quanh nhà vì cứ cách 4 tiếng là phải thay ống truyền dịch cho Ka Yến một lần |
CON CHỈ MONG ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG
Từ ngày con ốm, hai vợ chồng chẳng dám ngơi nghỉ lấy một ngày dù cho cơ thể cũng có lúc trở nên mỏi mệt. Trước đây, cả anh và chị đều tham gia công tác xã hội ở địa phương. Chị Ka Nam là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Liêng Krắc 2, anh Y Nhát là Đội trưởng Đội xung kích an ninh thôn. Trong nhà vẫn còn treo tấm bằng khen của xã, huyện ghi nhận đóng góp của anh chị cho sự phát triển của một mảnh đất chôn rau cắt rốn.
Xuất phát từ hai bàn tay trắng, anh chị đã tự động viên nhau cố gắng để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Từng cây cà phê, mắc ca, dâu tằm dần dần xanh tốt và hứa hẹn những mùa màng bội thu. Thế nhưng, trớ trêu thay, căn bệnh bẩm sinh và những lần điều trị của Ka Yến đã làm cho gia đình dần kiệt quệ.
“Giờ chỉ mong có đủ tiền để cho con ăn uống đủ dinh dưỡng, thêm nữa thì có tiền trả nợ cho mọi người. Mình đã sống trong vòng tay yêu thương của xóm làng, của chính quyền địa phương nhiều quá rồi”, chị Ka Nam tính sơ sơ cũng đã nợ hơn 100 triệu đồng.
Dường như thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, Ka Yến chẳng đòi hỏi gì. Do thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà mà dù đã 10 tuổi, Ka Yến mới chỉ có tên trong danh sách học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Đạ M’rông. Và cũng từ đầu năm đến nay, em chưa một ngày được tới trường với bạn bè.
Thầy Ha Na – Giáo viên tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Đạ M’Rông cũng không khỏi xót xa khi nhắc đến cô học trò Ka Yến. Anh vẫn nhớ vóc dáng cô học trò nhỏ nhắn nhưng vô cùng năng động và đã bộc lộ năng khiếu văn nghệ ngay từ bé.
“Ka Yến là đứa bé thông minh. Dù những năm trước có phải nghỉ học thường xuyên để chữa bệnh nhưng mỗi lần lên lớp em đều tiếp thu rất nhanh, đạt kết quả tốt. Nhẽ ra ở độ tuổi ấy, các em được phép vô lo vô nghĩ, tận hưởng những điều tuyệt vời trong vòng tay gia đình, thầy cô vậy mà…”, thầy Ha Na chia sẻ.
Nắm bắt được hoàn cảnh của Ka Yến, nhà trường cũng đã vận động học sinh và phụ huynh cùng những tấm lòng thảo thơm của các nhà hảo tâm giúp chia sẻ một phần gánh nặng cho gia đình. Tuy số tiền ấy có thể chẳng đáng là bao so với chi phí phẫu thuật, điều trị của Ka Yến nhưng đó là tình cảm và là nguồn động viên tinh thần để gia đình em có thể có thêm động lực cố gắng trong quãng đường sắp tới.
“Giờ con chỉ mong được đi học thôi, con nhớ thầy cô và các bạn”, câu trả lời ấy được Ka Yến lặp lại nhiều lần mỗi khi có ai hỏi về mong muốn ở thời điểm hiện tại.
Đồng hành cùng con trong suốt những quãng đường, vượt qua mọi đau đớn đến hôm nay, vợ chồng chị Ka Nam vẫn chưa mảy may có một suy nghĩ bỏ cuộc. Bởi trong suy nghĩ của người mẹ quê nghèo khó vẫn là “còn nước còn tát, chỉ mong con vui khỏe cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc đời”.
|
Vì đã quá quen thuộc nên mọi thao tác truyền dịch cho con được chị Ka Nam tiến hành thuần thục |
Mọi sự đóng góp hỗ trợ cho gia đình em Ka Yến xin gởi về:
1. Chị Mok Ka Nam
SĐT liên hệ: 0384039844
Số tài khoản: 5493205416127, Chủ tài khoản MOK K NAM tại Agribank chi nhánh Đam Rông (Vui lòng ghi rõ nội dung: Hỗ trợ em Ka Yến)
2. Báo Lâm Đồng
Số 38 Quang Trung, Phường 9, TP Đà Lạt
SĐT liên hệ; 0977885454
Số tài khoản: 5400215006759 tại Agribank chi nhánh Lâm Đồng (Vui lòng ghi rõ nội dung: Hỗ trợ em Ka Yến)
|
HỒNG THẮM