Đề án 966 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 - 2020"...
Đề án 966 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 - 2020” triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
|
Mô hình trồng tre Mạnh tông của anh Đỗ Quang Hải (xã Đạ Lây) cho thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm |
Hội Nông dân các cấp trong huyện đã chủ động tham mưu ban hành các văn bản kịp thời triển khai thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp với các ban, ngành thực hiện các dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Sau 10 năm thực hiện Đề án, hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã đi vào nền nếp, cơ bản thực hiện tốt các nội dung Đề án.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển nguồn Quỹ cho Hội cơ sở. Tính đến 15/9/2021, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý đạt 5,029 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 2,5 tỷ đồng, nguồn tỉnh ủy thác 300 triệu đồng, nguồn ngân sách huyện 1,5 tỷ đồng, nguồn ủng hộ từ cán bộ, hội viên, nông dân 729 triệu đồng.
Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Thông qua nguồn vốn trên đã hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhiều hộ đã trở nên khá, giàu với các mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng sầu riêng, trồng cây ăn quả, trồng tre Mạnh tông, trang trại nuôi gà sạch. Các hộ này tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương. Có nhiều hội viên nhờ được vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất điều già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nhờ đó đã thoát nghèo; trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số như hộ anh K’Tuấn (xã Quốc Oai), anh K’Đô (xã An Nhơn), chị Ka Van (xã Mỹ Đức)…
Các cấp Hội đã chú trọng việc cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ. Qua đó, đã giúp hình thành nên các chi, tổ hội, tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, Hội Nông dân các cấp đã chủ động thành lập và phối hợp thành lập được 38 tổ hợp tác, 16 hợp tác xã và 17 chi hội nghề nghiệp. Các cấp Hội thường xuyên tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phương án làm ăn để người dân biết cách sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy tính hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tạo thêm kênh dẫn vốn đa dạng nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong huyện, các cấp Hội còn chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động phối hợp nhận ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn. Qua đó, giúp ngày càng nhiều hội viên, nông dân tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ của các chương trình phối hợp được ký kết giữa Hội Nông dân với các ngân hàng trên địa bàn huyện đạt hơn 109 tỷ đồng.
Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng đã góp phần thu hút 2.416 nông dân tham gia vào tổ chức hội, nâng tổng số hội viên toàn huyện hiện nay lên 7.192, chiếm 86,1% so với hộ nông nghiệp. Các cơ sở hội đã vận động 5.102 hộ hội viên, nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và hàng năm có trên 50% hộ được công nhận. Chất lượng hội viên và cơ sở Hội ngày càng được nâng lên, 100% cơ sở Hội hoạt động vững mạnh; trong đó, có 3/9 cơ sở Hội hoạt động vững mạnh xuất sắc.
Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân theo phương châm xã hội hóa, tranh thủ tối đa nguồn vốn vận động từ các tổ chức và cá nhân đóng góp. Phấn đấu 100% hội viên nông dân tham gia đóng góp với mức 5.000 đồng/hội viên/năm; Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân với nguồn vốn đạt 300 triệu đồng/năm. Mặt khác, chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gắn với thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp.
Có thể nói, hiệu quả của nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
CAO THỦY