Gian nan trên con đường liên xã

04:11, 30/11/2021

Tuyến đường dài khoảng hơn 10 km chạy từ thị trấn Nam Ban đến các xã Nam Hà và Mê Linh (huyện Lâm Hà) là đường liên xã nhưng bao năm nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng...

Tuyến đường dài khoảng hơn 10 km chạy từ thị trấn Nam Ban đến các xã Nam Hà và Mê Linh (huyện Lâm Hà) là đường liên xã nhưng bao năm nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng nên đã xuống cấp trầm trọng. Người dân nơi đây rất gian nan, vất vả khi qua lại trên con đường này. 
 
Mặt đường liên xã từ thị trấn Nam Ban đi xã Mê Linh đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho người dân di chuyển qua lại
Mặt đường liên xã từ thị trấn Nam Ban đi xã Mê Linh đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho người dân di chuyển qua lại
 
•  ĐƯỜNG ĐƯỢC HÌNH THÀNH TỪ NĂM 1976
 
Nắng bụi mù, mưa lầy lội, “ổ voi”, “sống trâu” chằng chịt, nhiều đoạn nước chảy thành rãnh trên tuyến đường liên xã này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, đời sống và phát triển kinh tế của người dân địa phương. Tuyến đường này có điểm đầu giao nhau với đường Lê Lợi (thông ra Tỉnh lộ 725 thuộc thị trấn Nam Ban) sau đó đi xuyên qua tổ dân phố Chi Lăng (Nam Ban), thôn Hoàn Kiếm II (xã Nam Hà), Thôn 8 (xã Mê Linh) và đến điểm cuối là hết thôn Buôn Chuối (xã Mê Linh). Chiều dài của tuyến đường khoảng hơn 10 km và bề ngang rộng khoảng 10 m (tính cả mương nước 2 bên). Tuyến đường này được hình thành từ năm 1976 khi thành lập Vùng Kinh tế mới Nam Ban. Trước đây, con đường chủ yếu phục vụ cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa ra vào Tiểu khu 4 của khu kinh tế mới. Sau đó, các khu dân cư dần hình thành, sinh sống đông đúc và tuyến đường này trở thành tuyến giao thông quan trọng xuyên qua 3 xã, thị trấn trong khu vực. Theo ước tính của người dân nơi đây, hiện nay có khoảng gần 600 hộ dân sinh sống và đi lại trên con đường này. Cùng với đó là hơn 1.000 ha đất sản xuất của người dân liên quan đến tuyến đường liên xã này. Với số lượng dân cư đông và diện tích đất sản xuất lớn nên hàng ngày con đường phải “oằn mình” để hàng trăm lượt xe cơ giới qua lại. Đặc biệt, trong đó có những xe có trọng tải lớn chở phân bón với bình quân hàng ngàn tấn mỗi năm và đến vụ thu hoạch lại có hàng chục ngàn tấn hàng hóa nông sản của người dân như cà phê, bơ, rau hoa… vận chuyển trên con đường này. Ngoài ra, trên tuyến đường liên xã này còn có 1 điểm trường mẫu giáo và một phân trường của Trường Tiểu học Nam Ban II tọa lạc với hơn 200 học sinh. Chính vì vậy, hàng ngày có hàng trăm lượt học sinh và phụ huynh phải chật vật khi đưa, đón con trên con đường đất đỏ này, nhất là vào mùa mưa bão. 
 
Ông Vũ Đình Nhiễu, tổ dân phố Chi Lăng, thị trấn Nam Ban cho biết, gia đình ông đã sinh sống, đi lại trên tuyến đường này mấy chục năm nay. Trước đây, cuộc sống khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển thì người dân vẫn đi lại bình thường. Tuy nhiên, hiện nay, với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng phục vụ dân sinh, nhiều tuyến đường đã được xây dựng nhưng không hiểu sao tuyến đường này vẫn nguyên hiện trạng cũ. “Có lẽ đây cũng là con đường liên xã xấu nhất tại địa phương. Và ai đã từng một lần đi qua trên con đường này mới thấu hiểu được nỗi gian nan vất vả của người dân chúng tôi thường ngày phải di chuyển trên mặt đường xấu này”, ông Vũ Đình Nhiễu chia sẻ thêm.
 
•  XUỐNG CẤP TRẦM TRỌNG
 
Theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi hình thành đến nay đã trên 45 năm, tuy nhiên tuyến đường liên xã này chỉ mới được rải đá cấp phối 1 lần cách đây khoảng hơn 10 năm. Do lưu lượng phương tiện qua lại nhiều cộng với việc không được duy tu, sửa chữa nên hiện nay con đường đã xuống cấp trầm trọng. Về mùa mưa, trên mặt đường nước chảy thành dòng như khe suối, ngập cục bộ từng đoạn dài, cùng với những vũng lầy, trơn trượt gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại. Có những lúc, trời mưa người dân đi xe máy phải quấn thêm dây xích vào bánh mới đi được, còn ô tô thì mắc lầy phải nhờ xe kéo mới có thể qua. Vào những vụ thu hoạch, gặp trời mưa, người dân rất vất vả trong việc vận chuyển nông sản trên con đường này hoặc bị thương lái giảm giá để bù vào phí vận chuyển. Còn mùa nắng, mỗi lần xe cộ qua lại, bụi bay mịt mù. Nhà cửa, cây cối của người dân hai bên đường bị phủ một lớp bụi đỏ. Nhiều người dân ở hai bên đường phải thường xuyên dùng nước tưới để hạn chế bụi bẩn bay vào nhà. 
 
Ông Nguyễn Văn Lợi ở thôn Hoàn Kiếm II, xã Nam Hà cho biết, do con đường xuống cấp trầm trọng nên không chỉ gây khó khăn cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa mà còn xẩy ra nhiều vụ tai nạn. Người dân sinh sống trên tuyến đường liên xã này cũng đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền và tại những buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để phản ánh, nhưng đến nay con đường vẫn chưa được triển khai xây dựng nên bà con rất nóng lòng chờ đợi. 
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà, tuyến đường giao thông liên xã từ thị trấn Nam Ban đi thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh đã được UBND tỉnh ban hành quyết định đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA. Hiện nay, dự án đã được phê duyệt chủ đầu tư, đã thẩm định xong và đang trong quá trình tiếp tục thực hiện đàm phán, ký kết để triển khai thực hiện theo lộ trình. Dự án xây dựng tuyến đường liên xã này có chiều dài khoảng 10,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi và dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2022.
 
DUY NGUYỄN