Công tác quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68 Quốc hội khóa XIII trong cả nước và tại Lâm Đồng...
Công tác quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68 Quốc hội khóa XIII trong cả nước và tại Lâm Đồng thời gian qua đã góp phần đưa hệ thống y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
|
ĐBQH K’Nhiễu tham gia thảo luận, đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm bao phủ BHYT đối với các đối tượng trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa |
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội khóa XIII về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”; Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68, trong đó một số kết quả nổi bật như: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt mức chỉ tiêu được giao, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao.
Y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng. Trong thời gian qua, đã có tổng số 460 trạm y tế xã được xây mới, cải tạo sửa chữa. Trong giai đoạn 2016 - 2020, số trạm y tế xã được đầu tư kiên cố tăng từ 6.831 trạm (69,2%) năm 2016 lên 7.295 trạm (77,9%) năm 2020. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm: năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng 83%, năm 2020 tỷ lệ này là 84,6%.
Hệ thống bác sỹ gia đình được quan tâm phát triển; đến nay cả nước đã có gần 500 phòng khám bác sỹ gia đình; công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm; các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế; tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế. Việc phát triển hệ thống y tế cơ sở và thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực; cơ chế tài chính chưa khuyến khích việc phát triển cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã. Do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (chưa có chi phí quản lý và chi phí khấu hao) nên chưa thể hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình; đào tạo bác sỹ gia đình còn hạn chế về quy mô, chương trình đào tạo, đặc biệt là vấn đề thực hành về y học gia đình. Nhân lực chuyên trách thanh tra ít và phải đảm nhiệm việc thanh tra trong nhiều lĩnh vực với số lượng đối tượng thanh tra lớn...
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68, đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình và các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Tham gia góp ý thảo luận về những vấn đề còn bất cập trong thực hiện Nghị quyết 68 tại Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội K’Nhiễu cho rằng: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì người dân đang sinh sống tại các xã không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, xã khu vực III tại Quyết định số 861 sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi trước khi có Quyết định 861 được nhà nước cấp kinh phí toàn bộ để mua BHYT cho người dân. Hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng có 65 xã không còn nằm trong danh sách xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, với khoảng trên 150.000 người sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Trong đó, người dân tộc thiểu số trên 120.000 người; người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên 30.000 người. Dẫn đến những đối tượng này không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc tạo ra những gánh nặng xã hội khi họ ốm đau bệnh tật, làm nảy sinh nguy cơ tái nghèo và ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu bao phủ BHYT, đặc biệt là tác động rất lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861.
Bên cạnh đó, cần quan tâm bao phủ BHYT đối với các đối tượng trẻ em, đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi chưa kịp thời do bà con đồng bào còn có tục lệ tảo hôn, bố mẹ trẻ chưa được cấp chứng minh thư/căn cước công dân, không có giấy đăng ký kết hôn và không có giấy chứng sinh do trẻ sinh tại nhà. Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu các biện pháp để sớm đảm bảo cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bao phủ BHYT, thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của công tác an sinh xã hội toàn dân.
NGUYỆT THU