UBND thành phố Đà Lạt vừa có văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã; Phòng Tư pháp thành phố tập trung chấn chỉnh công tác hòa giải cơ sở đối với các vụ việc tranh chấp đất đai trên địa bàn…
UBND thành phố Đà Lạt vừa có văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã; Phòng Tư pháp thành phố tập trung chấn chỉnh công tác hòa giải cơ sở đối với các vụ việc tranh chấp đất đai trên địa bàn…
|
Việc hòa giải sơ sài, dẫn tới đơn thư khiếu nại kéo dài |
Qua công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp đất đai trên địa bàn thành phố, cho thấy việc lập biên bản hòa giải cơ sở các vụ tranh chấp đất đai của một số phường, xã còn nhiều vi phạm, chưa thực hiện đúng quy định pháp luật. Cụ thể, biên bản hòa giải không tuân thủ về mặt hình thức (không ghi biên bản hòa giải); nội dung biên bản còn quá sơ sài, không ghi tóm tắt nội dung tranh chấp, không đúng quy định pháp luật.
Chưa kể, thành phần tham gia hòa giải không đúng, không đủ (không có sự tham dự của cán bộ địa chính; không có đại diện của người dân sinh sống lâu đời tại khu vực biết rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất). Trong đó, có phường, xã chỉ ghi thành phần tham dự: “Thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai…”, nhưng không ghi rõ những ai, chức vụ là không đúng quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Không những vậy, nhiều biên bản hòa giải không thể hiện rõ nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu). Hội đồng hòa giải chỉ ghi nhận ý kiến trình bày của các bên tranh chấp, không thể hiện ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, không có ý kiến đưa ra hòa giải đối với các bên tranh chấp là không đúng quy định. Và, biên bản cũng không ghi rõ nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận theo quy định tại Khoản 27, Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP; Khoản 2, Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan vụ việc, trước đó Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Lạt (Viện KSND thành phố Đà Lạt), có văn bản gửi lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong việc lập biên bản hòa giải cơ sở đối với các vụ việc tranh chấp đất đai. Văn bản của Viện KSND thành phố Đà Lạt nêu rõ: Qua công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của Tòa án về thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự trong lĩnh vực tranh chấp đất đai; nhận thấy, trong các hồ sơ tranh chấp quyền sử dụng đất do Tòa án thụ lý giải quyết, thể hiện biên bản hòa giải tại UBND cấp xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn một số vi phạm, chưa thực hiện đúng quy định pháp luật.
Điển hình, tại hồ sơ vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa nguyên đơn bà H.T.N (ngụ P1, thành phố Đà Lạt) với bị đơn là bà V.T.T.H (ngụ cùng phường), do TAND thành phố Đà Lạt thụ lý giải quyết theo Thông báo thụ lý vụ án số 357/2018/TLST-DS ngày 7/9/2018. Biên bản hòa giải đề ngày 18/6/2018 của UBND Phường 1, thành phố Đà Lạt, về mặt hình thức thể hiện “Biên bản hòa giải về việc hòa giải tranh chấp đất đai của hộ gia đình số 14 và 16 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1, thành phố Đà Lạt”, nhưng nội dung được lập rất sơ sài, chỉ thể hiện ý kiến của các đương sự về việc xây dựng công trình trái phép; không có nội dung nào liên quan đến tranh chấp đất đai. Mặt khác, nội dung của biên bản cũng không có ý kiến hòa giải của Hội đồng hòa giải là không đúng quy định.
Còn tại hồ sơ vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa nguyên đơn là ông H.V.T, bà N.T.H (ngụ Phường 5, thành phố Đà Lạt), với bị đơn là ông H.V.P (ngụ Phường 5, thành phố Đà Lạt), theo Thông báo thụ lý vụ án số 238/TB-TLVA ngày 15/10/2020. Trong đó, biên bản đề ngày 25/12/2019, của UBND Phường 5 về việc hòa giải tranh chấp đất đai giữa ông T và ông P. Tuy nhiên, thành phần tham dự không thể hiện có 2 hộ dân sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó để tham gia hòa giải. Nội dung biên bản thể hiện ý kiến trình bày của ông V.T.N và ông T.X.H nhưng không thể hiện 2 người này tham gia trong biên bản với tư cách gì trong vụ án là không đúng quy định của pháp luật.
Tương tự, ở hồ sơ vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa nguyên đơn là ông L.T.T (trú tại Phường 1, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) và bị đơn H.Đ.D (ngụ đường Bạch Đằng, Phường 7, thành phố Đà Lạt), theo Thông báo thụ lý vụ án số 238/TB-TLVA ngày 15/10/2020. Biên bản làm việc ngày 24/2/2021, tại UBND Phường 7 (thành phố Đà Lạt), cho thấy hình thức không phải là biên bản hòa giải. Thành phần tham gia tại biên bản này không có cán bộ địa chính phường, không có đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp. Nội dung trong biên bản trên chỉ ghi nhận các ý kiến của các đương sự; không thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu). Đồng thời, biên bản cũng không thể hiện ý kiến của thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, không ghi nhận những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận theo theo quy định…, dẫn đến vụ án chưa đủ điều kiện khởi kiện nên phải đình chỉ giải quyết vụ án.
Trước những hạn chế, tồn tại trên, UBND thành phố Đà Lạt cũng đã nghiêm khắc phê bình một số UBND các phường, xã đã hòa giải tranh chấp không đúng quy định của pháp luật, chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện văn bản pháp luật, dẫn đến các biên bản hòa giải không đúng về mặt hình thức, không đủ thành phần và không đảm bảo về mặt nội dung hòa giải theo quy định. Lãnh đạo, cán bộ công chức các phường, xã còn coi nhẹ công tác hòa giải cơ sở nên nội dung hòa giải sơ sài, qua loa, chiếu lệ; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã chỉ đạo quán triệt lãnh đạo, cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện công tác hòa giải; lập biên bản hòa giải về tranh chấp đất đai. Trước khi tổ chức hòa giải phải kiểm tra, xác minh hồ sơ, tìm hiểu rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp để có ý kiến, quan điểm hòa giải của Hội đồng hòa giải tranh chấp theo quy định; tránh tình trạng hòa giải sơ sài, hình thức, chỉ ghi nhận ý kiến phát biểu của các bên.
Theo đó, UBND thành phố Đà Lạt đã giao Phòng Tư pháp thành phố tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cùng các quy định pháp luật trong việc hòa giải cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức các xã, phường. Không để xảy ra tồn tại, sai phạm trong công tác hòa giải cơ sở như nội dung kiến nghị của Viện KSND thành phố Đà Lạt đã nêu.
THỤY TRANG