Năm 2021, trong bối cảnh cùng cả nước đang tiếp tục tập trung các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19...
Năm 2021, trong bối cảnh cùng cả nước đang tiếp tục tập trung các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống thi hành án dân sự của tỉnh vẫn khẩn trương, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức tổ chức công việc cho phù hợp với tình hình mới. Đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa xây dựng, thực hiện các biện pháp tổ chức thi hành án phù hợp, gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
|
Đại diện Cục Thi hành án Dân sự tỉnh báo cáo với Đoàn khảo sát Đoàn ĐBQH tỉnh về kết quả thi hành án dân sự |
Theo đó, tỷ lệ thi hành án được giao đạt 9.650 việc, tăng 551 việc so với cùng kỳ năm 2020, thi hành đạt trên 836 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, vượt chỉ tiêu ngành giao.
Đi đôi với việc phát triển kinh tế, lượng án phải thi hành hàng năm tăng cao, trong khi hệ thống thi hành án dân sự tỉnh trong 5 năm qua tinh giản 16 biên chế. Đặc biệt, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu thi hành án.
Số liệu báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vào đầu tháng 10/2021, đã giải quyết tổng số 16.139 việc, số thụ lý mới là 10.136 việc, tăng 127 việc so cùng kỳ năm 2020. Đã thi hành xong 9.650 việc, đạt tỷ lệ 79,63%, đạt 80% chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Trong đó, hoãn và tạm đình chỉ 290 việc.
Trong năm 2021 ngành đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và bảo đảm việc theo dõi thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nghiêm túc triển khai, quán triệt các nội dung quy định của Luật và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đến toàn thể công chức, chấp hành viên để áp dụng một cách thống nhất, đúng quy định các quy trình, thủ tục trong lập sổ theo dõi việc thi hành án hành chính, tiếp nhận bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án chuyển giao theo thẩm quyền. Phân công chấp hành viên trực tiếp giải quyết, tham mưu về thi hành án hành chính. Kết quả, thi hành xong 23 việc, chưa thi hành xong 2 việc.
Bên cạnh đó, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, kết quả đã thi hành xong 49/169 việc có điều kiện, cao hơn 18 việc so với năm 2020, thu được số tiền 288 tỷ 483 triệu đồng, và đình chỉ 40 tỷ 312 triệu đồng.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời của Tổng cục Thi hành án Dân sự, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự 2 cấp trong việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thể hiện sự chủ động, linh hoạt của lãnh đạo Cục trong việc chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để rà soát, báo cáo thống kê, nhận định các khó khăn, vướng mắc của từng vụ việc. Trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong bản án hình sự đối với phạm nhân tại các trại giam thuộc Bộ Công an: Tổng số việc thi hành 1.177 việc, đã giải quyết 624 việc. Tổng số tiền phải thu 114 tỷ 693 triệu đồng, đã thu 9 tỷ 863 triệu đồng.
Về tổ chức cưỡng chế thi hành án, toàn tỉnh đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 369 trường hợp, tăng 181 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả, 91 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, cưỡng chế thành công 215 trường hợp, cưỡng chế không thành công 9 trường hợp, 54 trường hợp chưa tổ chức cưỡng chế. Nhìn chung, việc cưỡng chế đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo luật định. Đồng thời, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện tốt, qua đó nhận được sự đồng thuận của xã hội, không để xảy ra điểm nóng làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Theo đánh giá của Đoàn khảo sát Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thi hành án dân sự và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Đoàn khảo sát thấy, đối với các vụ việc liên quan đến nợ tín dụng, ngân hàng kết quả chỉ đạt tỷ lệ 28,99% về việc và 32% về tiền là rất thấp, việc giải quyết kéo dài, chưa có cơ chế từ phía ngân hàng.
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Vũ Ngọc Thành cho biết: Nhìn chung, kết quả thi hành án ngày càng thực chất và bền vững, Cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh đã chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước; khoản nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết. Việc triển khai, thực hiện công tác giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt. Nhất là nhận thức của công chức, chấp hành viên đối với công tác bồi thường nhà nước đã được nâng lên, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đảm bảo các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành án ngày càng được coi trọng. Tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự từng bước được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
HÀ NGUYỆT