Để mất rừng, nhiều cán bộ kiểm lâm bị điều chuyển công tác

05:12, 22/12/2021

Để xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gây thiệt hại lớn về lâm sản, 3 Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương bị đề nghị điều chuyển công tác…

Để xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gây thiệt hại lớn về lâm sản, 3 Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương bị đề nghị điều chuyển công tác…
 
Rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Lâm Hà bị khai thác trái phép
Rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Lâm Hà bị khai thác trái phép
 
Kết quả thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 490 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 322 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm (chiếm 66%), diện tích rừng bị thiệt hại hơn 36 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại khoảng 2.000 m 3, so với cùng kỳ giảm 190 vụ (giảm 28%). 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, đến nay đã xử lý 449 vụ, trong đó xử lý hành chính 413 vụ, tịch thu trên 937 m 3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6,149 tỷ đồng. Số còn lại 36 vụ đã chuyển hồ sơ xử lý hình sự (27 vụ đã xác định được đối tượng, 9 vụ chưa xác định đối tượng). 
 
Các vụ phá rừng nổi cộm trong năm có khoảng 23 vụ vi phạm phức tạp, trong đó có 15 vụ đã xác định đối tượng và 8 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Cụ thể, tại địa bàn huyện Đam Rông xảy ra 13 vụ, Lâm Hà 4 vụ, Di Linh 2 vụ, TP Đà Lạt 2 vụ, Lạc Dương 1 vụ, Đức Trọng 1 vụ. Tuy nhiên, xét theo tính chất vụ việc, diện tích rừng và mức độ thiệt hại lâm sản, xác định 3 địa phương để xảy ra nhiều vi phạm gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng là huyện Đam Rông, Lạc Dương và Lâm Hà.
 
Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Đam Rông để xảy ra 72 vụ vi phạm lâm luật (trong đó có 36 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, số còn lại chưa xác định đối tượng vi phạm chiếm 50%); diện tích rừng bị phá là 10,011 ha; tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại trên 421 m 3. Trong đó, 2 hành vi khai thác rừng trái pháp luật và phá rừng trái phép xảy ra 46 vụ (trong đó có 23 vụ có chủ). Trong năm, địa phương đã xử lý 75 vụ (61 vụ hành chính, thu nộp ngân sách hơn 869 triệu đồng; còn lại chuyển xử lý hình sự 14 vụ, với 14 bị can). 
 
Dù vậy, trước đó, năm 2020, Đam Rông lại là một trong những địa phương có những kết quả quản lý bảo vệ rừng khá nổi bật, số vụ vi phạm giảm 60 vụ (giảm 435,45%), đồng thời diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng cũng giảm mạnh. Để đạt được kết quả này, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông đã có phần tích cực trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, bảo vệ rừng, nhất là công tác tuần tra, kiểm tra rừng, thường xuyên, liên tục; và tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điểm nổi bật, huyện đã trồng được gần 457 ngàn cây xanh các loại (đạt 136,4%).
 
Tương tự, trong năm 2021, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã để xảy ra 51 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (55 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 93%), diện tích phá rừng 4,3 ha; số lâm sản thiệt hại 455 m 3, trong số này hành vi phá rừng và khai thác lâm sản trái phép là 52 vụ. Đã xử lý 55 vụ, gồm: Xử lý hành chính 50 vụ, thu nộp ngân sách hơn 1.457,4 triệu đồng; và chuyển xử lý hình sự 5 vụ với 16 bị can.
 
Theo đánh giá, tuy để xảy ra nhiều vụ vi phạm lâm luật, nhưng trong năm, huyện Lạc Dương đã đạt được một số kết quả tích cực, như số vụ phá rừng giảm, và đa số các vụ vi phạm xảy ra đều kịp thời phát hiện được đối tượng vi phạm để xử lý. Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã lập hồ sơ, tham mưu cho chính quyền tổ chức giải tỏa được 91/97,5 ha diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
 
Trong khi đó, tại địa bàn huyện Lâm Hà, trong năm 2021, đã để xảy ra 41 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (có 26 vụ đã xác định được đối tượng), diện tích rừng bị phá 3,7 ha, tổng khối lượng lâm sản thiệt hại 212 m 3. Trong số này, hành vi phá rừng và khai thác lâm sản trái phép là 31 vụ, diện tích rừng bị phá là 3,75 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại là 199 m 3. Trong năm, địa phương đã xử lý 43 vụ (chuyển xử lý hình sự 6 vụ). So với cùng kỳ năm 2020, giảm 18 vụ (31%), số diện tích rừng bị phá cũng giảm 0,83 ha, tuy nhiên số vụ vi phạm nổi cộm tăng 1 vụ. Huyện cũng đã tổ chức giải tỏa được 16/23,5 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Và, đã trồng mới được gần 542 ngàn cây xanh các loại.
 
Từ việc rà roát, kiểm điểm, đánh giá trên, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, một số vụ nổi cộm, gây thiệt hại lớn về lâm sản đã xảy ra tại một số địa phương như Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương. Nguyên nhân chính do diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ lớn, nằm tiếp giáp nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, dân số phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn; nhu cầu đất sản xuất của người dân ngày càng tăng cao. 
 
Đặc biệt, các đối tượng vi phạm ngày càng hoạt động tinh vi, phức tạp như ken cây rừng, khoan cây đổ hóa chất làm cây chết nên rất khó phát hiện. Chưa kể lực lượng kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế so với diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý. 
 
Từ những kết quả trên, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh phê bình kiểm điểm, đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý chuyển công tác đối với 3 cán bộ là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, Lâm Hà và Lạc Dương. Đồng thời, xử lý kỷ luật trách nhiệm đối với 3 đồng chí Chủ tịch UBND kiêm trưởng ban nghiệp cấp xã đối với địa bàn có nhiều vụ vi phạm, có diện tích rừng bị phá lớn, lâm sản thiệt hại lớn, gồm các xã Phi Liêng, Đạ Long (huyện Đam Rông) và xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương).
 
THỤY TRANG