Để mùa vụ thu hoạch cà phê đảm bảo an toàn

06:12, 01/12/2021

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ mùa thu hoạch cà phê năm 2021 và đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp...

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ mùa thu hoạch cà phê năm 2021 và đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, giá cà phê tăng lên tiềm ẩn nguy cơ trộm cắp gây mất an ninh trật tự. Là 2 địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, các huyện Di Linh, Bảo Lâm đang triển khai nhiều biện pháp đảm bảo mục tiêu “kép” an toàn phòng, chống dịch và phòng, chống tệ nạn trộm cắp.
 
Lao động từ ngoài tỉnh đến huyện Bảo Lâm thu hái cà phê được quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19
Lao động từ ngoài tỉnh đến huyện Bảo Lâm thu hái cà phê được quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19
 
•  BỘN BỀ NỖI LO
 
Theo thống kê, huyện Di Linh đang có hơn 44.000 ha cà phê đến kỳ thu hoạch trong niên vụ 2021; con số này của huyện Bảo Lâm gần 37.000 ha. Với diện tích cà phê thu hoạch trong năm nay, theo ước tính, 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm đang cần khoảng 12.000 lao động để đáp ứng nhu cầu thu hái, vận chuyển và sơ chế cà phê đảm bảo kịp thời vụ.
 
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 “Tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng, chống dịch hiệu quả” tạo điều kiện thông thương đi lại giữa các tỉnh, thành phố. Từ đó, thời gian qua, người dân các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ đã tìm về Lâm Đồng thu hái cà phê. Điều này đã và đang góp phần giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết tình trạng khan hiếm lao động từ những ngày đầu vụ thu hoạch. Tuy nhiên, khi lao động từ ngoài tỉnh đến tìm việc cũng làm tăng cao nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Đây chính là nỗi lo mà chính quyền các cấp và người dân đang đối diện khi số ca mắc COVID-19 từ cuối tháng 10 đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục tăng. Trong đó, có rất nhiều ca nhiễm là lao động đến thu hái cà phê trên địa bàn các huyện Di Linh, Bảo Lâm và Lâm Hà.
 
Ông Lê Thành Vũ, ngụ tại Thôn 10 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) lo lắng: “Cũng như những năm trước, năm nay, 5 ha cà phê của gia đình tôi đang chín và bắt đầu thu hoạch. Hàng năm, tôi cần ít nhất 8 - 10 nhân công thu hái suốt 1 tháng mới xong. Trước đây, gia đình tôi có mối quen là ở tỉnh Phú Yên nên cứ đến vụ thu hoạch cà phê là họ lên thu hái. Thế nhưng, năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ chỉ lên được 4 người. Cà phê ngày một chín nhiều, gia đình tôi đang rất lo lắng thu không kịp sẽ bị rụng gây thất thoát”.
 
Ngoài ra, người trồng cà phê tại các địa phương cũng canh cánh nỗi lo mất trộm cà phê. Ông Nguyễn Tuấn Thông, ngụ xã Tân Thượng (huyện Di Linh), cho biết: “Năm nay giá cà phê tăng cao đã đạt mức từ 42 - 43 ngàn đồng/kg cà nhân. Mới đầu mùa, trên địa bàn xã chúng tôi đã xảy ra nhiều vụ hái trộm cà phê khiến bà con rất lo lắng. Gia đình tôi có 4 ha cà phê ở 3 rẫy khác nhau, giờ không những thiếu nhân công thu hái mà còn thiếu cả người trông coi. Mấy ngày nay, tôi tranh thủ chạy tới, chạy lui để canh vườn nhưng vẫn rất lo lắng bị mất trộm”.
 
•  SIẾT CHẶT QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
 
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng và chính quyền 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm, từ đầu tháng 11 đến nay, lượng người từ ngoài tỉnh đi đến địa phương thu hái cà phê tương đối nhiều. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, huyện Di Linh đang có hơn 3.000 lao động là người ngoài tỉnh đến thu hái cà phê. Trong khi đó, số lao động ngoài tỉnh đến huyện Bảo Lâm là trên 2.000 người. 
 
Theo ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, để đảm bảo có đủ lao động thu hoạch cà phê đúng mùa vụ, chắc chắn phải cần đến một lượng lớn lao động từ ngoài tỉnh vào địa phương. “Nhằm quản lý chặt chẽ số nhân công ngoài tỉnh đến địa phương thu hái cà phê, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo, hướng dẫn người dân có đơn đăng ký số lượng nhân công cần thuê. Từ đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng có trách nhiệm hướng dẫn các quy định, biện pháp phòng, chống dịch để người dân thực hiện. Khi lao động từ ngoài tỉnh vào địa bàn huyện sẽ được xét nghiệm nhanh COVID-19; bố trí nơi ở tập trung, theo dõi sức khỏe, giám sát chặt chẽ, hạn chế giao tiếp với chủ vườn và nhân công địa phương” - ông Vũ Đức Nhuần cho biết thêm.
 
Tương tự Di Linh, huyện Bảo Lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 khi đến thu hái cà phê. Theo ghi nhận, người dân huyện Bảo Lâm đã chủ động dựng lán trại ngay tại vườn cà phê để đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho nhân công ngoài tỉnh đến thu hái. Lực lượng công an, dân quân, các tổ tự quản, tổ COVID cộng đồng thường xuyên tuần tra, quản lý, giám sát lao động thu hái cà phê tại các vườn rẫy để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm phòng, chống dịch. Đặc biệt, Công an huyện Bảo Lâm còn chủ động khai thác triệt để hệ thống camera an ninh với gần 500 mắt camera phủ khắp các xã, thị trấn để phòng, chống trộm, đảm bảo an ninh trật tự mùa vụ.
 
Chính sự triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã góp phần giúp người dân, người lao động nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19.
 
Ông Quảng Ngọc Cát, đến từ huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đang thu hái cà phê tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) cho hay: “Từ đầu tháng 11, tôi cùng 9 người khác là anh em họ hàng đến huyện Bảo Lâm thu hái cà phê. Tất cả chúng tôi đều đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, nhưng khi đến Lâm Đồng được chủ hộ đăng ký tạm trú với chính quyền, lấy mẫu xét nghiệm nhanh và được chủ hộ bố trí nơi ở tại vườn, mỗi người tự ý thức hạn chế tiếp xúc với chủ vườn và lao động địa phương. Chúng tôi lên hái cà phê và dự tính đến giáp Tết Nguyên đán mới về lại Ninh Thuận nên ai nấy luôn nêu cao ý thức phòng, chống dịch, tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người”.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhi - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, trước bối cảnh dịch COVID -19 đang diễn biến phức tạp, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường quản lý lao động thu hái, vận chuyển cà phê trên địa bàn. Trong đó, công an là lực lượng nòng cốt được giao trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chặt người lao động và các phương tiện từ ngoài tỉnh vào địa phương thu hoạch, vận chuyển nông sản, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch của Trung ương và của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, hướng tới mục tiêu đảm bảo không phát sinh nguồn lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong quá trình thu hái, đóng gói, sơ chế và vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch cà phê.
 
KHÁNH PHÚC