Để nâng cao hiệu quả hồ chứa thủy lợi

06:12, 03/12/2021

Để nâng cao hiệu quả hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngoài nhiệm vụ chính là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt...

Để nâng cao hiệu quả hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngoài nhiệm vụ chính là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, còn có thêm các nhiệm vụ đặc thù khác như khai thác du lịch, tạo cảnh quan, phát điện, nuôi trồng thủy sản...
 
Một hồ chứa nước thủy lợi nhỏ đã chủ động nguồn tưới tiêu cho hàng trăm héc ta cây trồng vào mùa khô ở thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà
Một hồ chứa nước thủy lợi nhỏ đã chủ động nguồn tưới tiêu cho hàng trăm héc ta cây trồng vào mùa khô ở thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 432 công trình thủy lợi đang hoạt động cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác. Trong đó, có 222 hồ chứa thủy lợi gồm 34 công trình lớn, 60 công trình vừa và 128 công trình nhỏ. Cụ thể, gồm dung tích từ 10 triệu m 3 trở lên (8 công trình), từ 3 đến 10 triệu m 3 (6 công trình), từ 1 đến 3 triệu m 3 (18 công trình), dưới 1 triệu m 3 (190 công trình). Các địa phương phân bố nhiều công trình hồ chứa thủy lợi nhất là tại các huyện Lâm Hà (36 hồ), Di Linh (35 hồ), Đức Trọng (32 hồ), Bảo Lâm (23 hồ) và thành phố Đà Lạt (29 hồ). Số lượng hồ chứa còn lại ở các huyện Đơn Dương 15 (hồ), Đam Rông (10 hồ), Đạ Tẻh (9 hồ), Cát Tiên (8 hồ).
 
Đánh giá chung cho biết, nhiệm vụ chủ yếu của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích canh tác đã được tăng so với thiết kế khoảng 30%. Đặc biệt, đối với tỉnh Lâm Đồng, vào mùa mưa sẽ tận dụng nước tưới tự nhiên dồi dào, nên phần lớn công trình hồ chứa thủy lợi chủ yếu tập trung phục vụ tưới tiêu vào mùa khô. Đến nay tổng diện tích cây trồng trong tỉnh được chủ động nguồn nước tưới từ công trình hồ chứa thủy lợi khoảng 32.200 ha. Một số công trình hồ chứa lớn có thêm nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt gồm: Đan Kia, Tuyền Lâm, Đạ Tẻh với công suất đấu nối vào các nhà máy nước khoảng 85.000 m 3/ngày đêm; ngoài ra có không ít công trình hồ chứa có thêm các nhiệm vụ đặc thù khác như kinh doanh du lịch, tạo cảnh quan, phát điện như hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, Đan Kia, Đạ Tẻh… 
 
“Thống kê cho thấy, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng dung tích ứng với mực nước dâng bình thường khoảng 242 triệu m 3, trong đó hồ chứa loại lớn có tổng dung tích khoảng 180 triệu m 3, hồ chứa loại vừa có tổng dung tích khoảng 50 triệu m 3, hồ chứa loại nhỏ có tổng dung tích khoảng 12 triệu m 3. Lâm Đồng có 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nên sau mùa mưa hàng năm (khoảng cuối tháng 10) thì phần lớn các hồ chứa được tích lượng nước đầy đủ phục vụ cho mùa khô năm sau. Vì vậy đã góp phần tích cực hạn chế tác động của hạn hán và phục vụ tốt cho các hoạt động khai thác mặt nước hồ” - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm. Và sở này cũng nhận định, đến nay, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đảm bảo tốt khả năng cấp nước như nhiệm vụ thiết kế cho sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ cho các hoạt động dân sinh, kinh tế khác. Hiện chỉ một số nhỏ công trình bị bồi lắng nhiều hoặc hư hỏng nặng (chiếm khoảng 20%) dẫn tới không đảm bảo khả năng tích trữ đầy đủ nước phục vụ các hoạt động sản xuất. 
 
Đáng kể tổng diện tích mặt nước của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay khoảng 3.555 ha, trong đó đối với các hồ chứa lớn khoảng 2.880 ha, hồ chứa vừa khoảng 455 ha và hồ chứa nhỏ khoảng 220 ha. Hiện trong phạm vi bảo vệ của công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 42 giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản bằng hình thức quảng canh hoặc lồng bè, chủ yếu tập trung vào việc nuôi trồng với các loại cá truyền thống như: trắm, chép, mè, diêu hồng… Diện tích thuê mặt nước chiếm khoảng 20% tổng diện tích toàn bộ mặt nước hồ chứa công trình thủy lợi trên địa bàn. 
 
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, những kết quả khai thác công trình hồ chứa thủy lợi nêu trên vẫn còn hạn chế so với tiềm năng hiện có. Bởi vậy, trong thời gian tới, cần tạo cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, người dân trong việc đầu tư khai thác các mục tiêu khác của hồ chứa thủy lợi như phát điện, điện mặt trời, du lịch…, nhất là đối với các công trình hồ chứa có diện tích mặt nước lớn và dung tích từ 1 triệu m 3 trở lên. 
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ khoảng 601,6 tỷ đồng kinh phí để thực hiện nâng cấp, sửa chữa đối với 47 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ cao mất an toàn, qua đó nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn trong thời gian tới.
 
VĂN VIỆT