Giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp...
Giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp. Đây chính là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, dân sự liên quan tới văn hóa, góp phần giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, khoa học và đúng theo qui định của pháp luật.
Để phù hợp với luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Giám định tư pháp ngày 10/6/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ban hành Thông tư số 04-2021/ TT-BVHTTDL, trong đó quy định rõ một số nội dung về giám định trong lĩnh vực văn hóa.
Phạm vi giám định trong lĩnh vực văn hóa bao gồm: giám định tư pháp đối với các di vật, cổ vật; giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa; giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan và giám định tư pháp về nội dung khác thuộc phạm vi quản lý về văn hóa theo quy định của pháp luật.
Ở Lâm Đồng, trong thời gian qua, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ, giúp cho các đơn bị chấp pháp như Công an, Tòa án điều tra, xét xử, giải quyết nhiều vụ án quan trọng trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể là giám định đối với các sản phẩm văn hóa như tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc, băng đĩa, phim ảnh,… Đó là những tang vật trong các vụ án cần xác định rõ về nội dung có trong sạch và đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không; hay đó là những sản phẩm văn hóa không lành mạnh như: văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực, phản động,… Cùng với đó là việc giám định để xác định giá trị của các di vật, cổ vật bị đánh cắp trong các di tích đình, chùa, miếu mạo và trong các vụ buôn bán trái phép cổ vật trên địa bàn thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Từ đó, chỉ ra những chứng cứ khoa học giúp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh trong việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính và vụ án dân sự, đảm bảo phán quyết khách quan, chính xác, đúng qui định của pháp luật. Đồng thời, giúp tham vấn chuyên môn, chỉ ra những sai phạm để điều chỉnh xử lý đối với các đơn vị đang quản lý, khai thác di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong công tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực văn hóa, thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: đôi khi vẫn gặp những trường hợp đơn vị, cá nhân trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp không xem xét kỹ lưỡng nội dung chuyên môn cần đề nghị nên gửi sai địa chỉ các đơn vị và giám định viên chuyên môn cần yêu cầu giám định. Một bất cập khác liên quan tới quyền lợi của các giám định viên tư pháp đó là chi phí thù lao cho người thực hiện giám định. Theo Điều 6, Luật Giám định tư pháp quy định: “Người trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi trả giám định tư pháp và theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm công tác giám định,…”.
Nhưng trên thực tế, hoạt động giám định được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tính chất nghiệp vụ rất phức tạp; chi phí phục vụ giám định trong mỗi lĩnh vực cũng khác nhau. Thậm chí cùng một lĩnh vực, mỗi vụ việc cũng có sự khác biệt lớn (tùy thuộc vào tính phức tạp và khối lượng công việc phải xử lý giám định trong từng vụ việc). Trong giám định lĩnh vực văn hóa cũng vậy. Thời gian qua, đã xảy ra một số trường hợp các giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương sau khi hoàn thành nhiệm vụ mà không nhận được thù lao; hoặc có thì chưa được rõ ràng, thỏa đáng và bị phụ thuộc vào đơn vị và người trưng cầu giám định (nhiều vụ đơn giản, nhưng cũng có những vụ phức tạp phải đầu tư tâm sức, thời gian nhiều).
Vì vậy, để công tác giám định tư pháp nói chung và trong lĩnh vực văn hóa nói riêng ngày càng sát thực và hiệu quả cao hơn nữa, đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần có văn bản, thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn trong từng lĩnh vực giám định. Dựa trên cơ sở đặc thù chuyên môn và khối lượng công việc mà các giám định viên phải xử lý để đưa ra khung thù lao chi trả xác đáng cho từng mảng riêng, cụ thể như: giám định cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh, băng đĩa,… Có như vậy thì mới đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các giám định viên để động viên họ yên tâm cống hiến và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đối với các đơn vị, cá nhân trưng cầu, và có yêu cầu giám định thì cần xem xét kỹ nội dung cần giám định để đề nghị đúng đơn vị, giám định viên tư pháp có chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực cần giám định để có độ tin cậy cao về tính xác thực, chất lượng cũng như nội dung theo yêu cầu. Đảm bảo tính khách quan, khoa học, chứng cứ pháp lý để xét xử đúng người đúng tội, cũng như trong quá trình thực thi công lý để bảo vệ quyền và lợi chính đáng của mọi công dân.
ĐOÀN BÍCH NGỌ