Thông qua nhiều giải pháp, ngành chức năng tỉnh đang nỗ lực ổn định các điểm về lại làng cũ của nhiều gia đình dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Thông qua nhiều giải pháp, ngành chức năng tỉnh đang nỗ lực ổn định các điểm về lại làng cũ của nhiều gia đình dân tộc thiểu số trong tỉnh.
|
Con đường bê tông giao thông nông thôn rộng rãi chạy dọc theo các buôn Cổng Trời, Hang Hớt tại xã Mê Linh, Lâm Hà, hai bên đường là các dãy nhà dân với vườn cà phê xanh tốt |
•
VỀ LÀNG CŨ
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh lâu nay nổi cộm nhiều điểm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số xin về lại làng cũ.
Tại Tiểu khu 26, 27 Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, từ năm 2018 đã có 21 hộ dân người K’Ho ở Thôn 4, xã Đạ Long, Đam Rông quay về làng cũ. Những hộ dân còn làm đơn xin lại đất ruộng, nhận khoán bảo vệ rừng tại 2 tiểu khu này.
Tuy nhiên, khu vực này hiện nằm trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nên không được ngành chức năng chấp thuận. Các ban, ngành của 2 huyện Lạc Dương, Đam Rông đã phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà kiên trì tổ chức đối thoại, vận động các hộ dân này trở về địa phương. Trong tháng 4/2021, cả 2 huyện đã phối hợp với Vườn Quốc gia giải tỏa khu vực, đưa toàn bộ các hộ dân quay về lại địa phương. Đến nay, dù khu vực này đã ổn định, ngành chức năng huyện và tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận nguyện vọng của những hộ dân này, kịp thời đề xuất với tỉnh để có hướng giải quyết.
Một điểm về làng cũ khác là tại Tiểu khu 28, thuộc Ban Quản lý rừng Đa Nhim. Tại đây có khoảng 88 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Thôn 3, xã Đạ Long đang sản xuất trên diện tích khoảng 140 ha, trong đó có khoảng 70 ha đã được đưa ra khỏi đất lâm nghiệp. Một cuộc kiểm tra gần đây của ngành chức năng cho biết nơi đây có 34 căn nhà ván, chủ yếu là nhà nhỏ dùng để làm vườn, một số gia đình ở ghép với nhau, một số hộ không cư trú thường xuyên nơi đây mà đi - về xã Đạ Long. Theo nhiều người dân nơi đây cho biết hầu hết diện tích đất mặt đường chạy dọc theo đường Đông Trường Sơn người dân đã bán cho người khác vào mua.
Nguyện vọng của người dân tại đây, theo Ban Dân tộc tỉnh, xin được lập thôn mới để tạo điều kiện cho bà con ở lại, thuận lợi trong việc sinh hoạt làm ăn, canh tác. Qua kiểm tra thực tế, điều kiện sống sản xuất của các hộ dân tại đây rất khó khăn, thiếu nước sạch, điện, đường đi lại rất khó, nên Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị cần sớm có sự đầu tư của Nhà nước vào đây để bà con yên tâm sản xuất, định canh lâu dài tại khu vực này; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn việc mua bán sang nhượng trái phép đất đai trong khu vực.
Cũng tại Tiểu khu 111 A của xã Lát, Lạc Dương còn có một nhóm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Cổng Trời, xã Mê Linh, Lâm Hà muốn về làng cũ, trong thời gian gần đây đã đến cư ngụ, đề nghị chính quyền cấp đất sản xuất.
Qua kiểm tra của ngành chức năng, tại đây hiện có trên 20 căn chòi tạm bợ dưới tán rừng, mái tôn, vách nứa, căng vải bạt. Những hộ dân này dùng nước sinh hoạt từ suối, đêm thắp sáng bằng điện từ thủy điện tự chế kéo từ suối lên. Các gia đình này hằng ngày làm thuê cho một doanh nghiệp trong vùng, không phá rừng, không gây mất an ninh nơi cư trú. Tuy nhiên, cuộc sống của các hộ không ổn định, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhất là trong mùa mưa bão.
Nhằm ngăn chặn việc quay về làng cũ, trong đó có các hộ dân tại đây, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra diện tích rừng dự kiến thu hồi để bố trí đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất tại huyện Lâm Hà, trong đó có việc thu hồi khoảng 25 ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 263A ở thôn Cổng Trời để giao cho dân. Chính quyền các cấp của Lâm Hà và Lạc Dương cũng tăng cường vận động, thuyết phục các gia đình trên sớm quay về thôn Cổng Trời để ổn định cuộc sống.
•
CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN ĐỊNH CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, gần đây, hằng năm tỉnh đã bố trí nguồn lực lớn để đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Như Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 chẳng hạn, dự kiến có gần 593 tỷ đồng đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số của Lâm Đồng cho 2 năm 2021 và 2022, trong đó năm 2021 trên 132,4 tỷ đồng và năm 2022 trên 460,4 tỷ đồng.
Việc đầu tư hạ tầng cùng các dự án bố trí dân cư trong vùng dân tộc thiểu số với hệ thống điện, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế và các công trình thiết yếu như hồ chứa nước, giếng khoan cấp nước sinh hoạt… lâu nay đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định dân cư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương.
Trong năm 2022 sắp đến, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành trong tỉnh rà soát, thống kê, đánh giá đúng thực trạng tình trạng thiếu đất, nhà ở và đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong vùng dân tộc thiểu số; số hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số tại các địa phương để tham mưu tỉnh có phương án giải quyết phù hợp.
Ban Dân tộc tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành trong tỉnh cần bố trí hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất cho những trường hợp khó khăn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp ở những nơi đã có chủ trương phê duyệt của cấp có thẩm quyền để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng đối tượng được phê duyệt.
Các địa phương cũng cần chú ý nâng cấp, sửa chữa và tổ chức quản lý có hiệu quả các công trình nước sạch tập trung hiện có, đồng thời khảo sát xây dựng những công trình mới ở những nơi có điều kiện, đảm bảo đến năm 2025, đạt mục tiêu 95% hộ gia đình dân tộc thiểu số được dùng nước sạch hợp vệ sinh.
Ban Dân tộc cũng đề nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư sắp xếp lại các điểm dân cư tập trung trong vùng dân tộc thiểu số, thực hiện di dời các hộ dân đang sinh sống trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trong vườn quốc gia, vùng thiên tai nguy hiểm. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là đến năm 2030 không còn hộ dân nào sinh sống ở những nơi này. Đồng thời, tỉnh cũng cần tập trung bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng dân tộc thiểu số đã được phê duyệt.
VIẾT TRỌNG