Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng, có tính quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng...
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng, có tính quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Đơn Dương luôn nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đoàn kiểm tra của BTV Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo huyện Đơn Dương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở |
Trong xây dựng nông thôn mới, người dân nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng bởi họ chính là người trực tiếp thực hiện, trực tiếp hưởng lợi. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã góp phần phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều này được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nghiêm túc thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trước hết đó là việc đảm bảo triển khai tốt 11 nội dung cần phải công khai cho Nhân dân biết. Hình thức công khai được niêm yết tại UBND các xã, thị trấn và tại nhà sinh hoạt cộng đồng ở từng thôn, tổ dân phố, thông báo trên hệ thống truyền thanh tại cơ sở... Nhiều nội dung, quy định về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước được chính quyền tổ chức họp dân và thông báo rộng rãi. Các nội dung quy định dân được bàn và quyết định trực tiếp như: Việc huy động Nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn, tổ dân phố; các công trình phúc lợi công cộng vốn do Nhà nước và Nhân dân đóng góp; các quy định, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh... Các nội dung Nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định như: Việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã được thực hiện tốt thông qua cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố. Chính bầu không khí dân chủ, công khai, minh bạch từ cấp cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được đảm bảo đúng quy trình đã không để phát sinh khiếu kiện, bức xúc trong người dân. Không chỉ nhận được sự quan tâm mà còn nhận được sự chung tay, góp sức ủng hộ cả về nhân lực, vật lực của người dân, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường...
Bên cạnh đó, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, thị trấn tiếp tục được củng cố tổ chức, tạo điều kiện hoạt động. Kết quả, Ban thanh tra nhân dân tổ chức giám sát, kiểm tra được 105 vụ việc ở các địa bàn cơ sở. Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát được 163 công trình dự án đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn với các nguồn vốn do Nhân dân đóng góp, vốn Nhà nước và Nhân dân cùng làm và một số công trình 100% vốn Nhà nước đầu tư. Công tác hòa giải cơ sở được quan tâm phối hợp thực hiện có hiệu quả, toàn huyện có 104 tổ hòa giải với 623 hòa giải viên, trong thời gian qua đã tiếp nhận 314 vụ việc, tiến hành hòa giải thành 228 vụ, hòa giải không thành 86 vụ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 72,6%.
Từ năm 2016 đến năm 2021, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với đại biểu là hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, có hơn 158 đại biểu tham dự. Qua hoạt động đối thoại góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh. UBND huyện duy trì hoạt động của tổ thanh tra công vụ nhằm thường xuyên kiểm tra chế độ công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành giờ giấc làm việc tại các cơ quan, đơn vị và thái độ trong thực hiện công vụ.
Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã được tập trung thực hiện theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”; tỷ lệ hài lòng của người dân hàng năm đều đạt trên 90%. Các thủ tục hành chính đã được bộ phận một cửa của các xã, thị trấn và huyện công khai đầy đủ, quy trình thủ tục hành chính rõ ràng, đảm bảo các quy định, điều kiện thực hiện. Hàng năm, tại UBND huyện tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn trên 99%; cấp xã tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100%.
Có thể nói, những kết quả khả quan trong việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện Đơn Dương là yếu tố không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện thành công chương trình NTM. Qua đó, đã phát huy vai trò chủ động, tích cực và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp để xây dựng Đơn Dương trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên; đồng thời tiếp tục tập trung mọi nguồn lực xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
NGỌC BÍCH