Thấp thỏm với hoa tết

05:12, 15/12/2021

Diện tích xuống giống hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2022 giảm khoảng 30% so với mọi năm, bên cạnh đó nhà vườn còn thấp thỏm về giá trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Diện tích xuống giống hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2022 giảm khoảng 30% so với mọi năm, bên cạnh đó nhà vườn còn thấp thỏm về giá trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
 
Gia đình ông Đặng Cư (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) chăm sóc 1 sào hoa cúc chùm phục vụ thị trường Tết năm 2022
Gia đình ông Đặng Cư (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) chăm sóc 1 sào hoa cúc chùm phục vụ thị trường Tết năm 2022
 
Thời điểm này, tại các làng hoa Xuân Thọ, Thái Phiên, Hà Đông, Đa Thiện, Phường 11,... (TP Đà Lạt), người dân đã xuống giống được khoảng trên dưới 1 tháng đối với các loại hoa tết chủ lực như lily, cát tường, cúc, cẩm chướng, đồng tiền, hồng chậu, mắt ngọc,… Tuy nhiên, lo lắng, thấp thỏm là tâm lý chung của nhiều bà con nông dân khi vật giá đầu tư trồng, chăm sóc hoa tiếp tục tăng cao, trong khi chưa ai đoán trước tình hình dịch bệnh COVID-19, yếu tố quyết định việc mua sắm vào thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới.
 
Ông Đặng Cư (61 tuổi, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt), nhà nông có thâm niên trồng hoa gần 20 năm cho hay, hiện một số loại hoa đang có giá khá tốt, như cúc trùm giá 18.000 - 20.000 đồng 1 bình/5 cây, cúc lưới 10 cây 38.000 - 40.000 đồng. Nếu trừ các chi phí, nhân công, giống, phân bón theo ông Cư người dân hiện lời khoảng 150 triệu đồng/1 sào. Tuy nhiên, giá trên dự báo kéo dài không lâu. Trước đó, từ tháng 2 tới tháng 8 năm nay, do dịch COVID-19 khiến giá cúc bán giá rất rẻ, người dân thua lỗ nặng. 
 
“Mùa hoa tết là mùa bội thu, nhưng năm nay dịch diễn biến quá phức tạp, thú thật rất khó để dự báo chính xác. Như mọi năm tôi có gần 1 ha đất đều xuống giống hoa cúc, cẩm chướng, mắt ngọc, nhưng năm nay chọn phương án an toàn, tôi chỉ xuống 1 sào hoa cúc chùm bán đúng dịp Tết Nguyên đán, còn lại là trồng rau sạch, lơ baby, cải thảo với phương án lời ít còn hơn là lỗ nặng” - ông Cư nhận định.
 
Cũng theo ông Cư, bà con xã Xuân Thọ, đặc biệt là các thôn Lộc Quý, Xuân Thành, Đa Lộc, Đa Quý,... năm nay thường chọn những loại hoa giống rẻ, dễ trồng như cúc, cẩm chướng, cát tường, các loại hoa này ổn định về giá hơn các loại hoa khác khi vừa chưng và cúng được trong dịp Tết cổ truyền.
 
Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, xác nhận năm nay bà con trong xã do e ngại dịch kéo dài nên thống kê sơ bộ toàn xã đã giảm 150 ha diện tích gieo trồng so với năm 2021. Cụ thể, xã có 110 ha phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022, trong đó chủ đạo hoa cúc chiếm 70%, còn lại cẩm chướng 15%, các loại hoa salem, đồng tiền, mắt ngọc, lily,... 15%. Ngoài ra, các loại rau, củ có 1.050 ha, bà con đa số trồng rải đều, riêng thị trường tết xuống giống khoảng 400 ha rau các loại. 
 
Tại làng hoa Vạn Thành, nơi chiếm khoảng 70% diện tích hoa hồng toàn TP Đà Lạt, UBND Phường 5 cho biết nhiều hộ cũng đã xuống giống các loại hoa tết nhưng cũng giảm khoảng 30% so với Tết Nguyên đán năm 2021. Bên cạnh đó, vụ tết năm nay bà con không mặn mà đầu tư thử nghiệm giống mới mà tiếp tục với các giống truyền thống, có thế mạnh. Còn tại làng hoa Thái Phiên (Phường 12), các năm hoa lily được trồng khu vực này với số lượng lớn nhất thành phố, nhưng năm nay phải giảm mạnh chỉ còn khoảng gần 70% diện tích. Người dân cho hay hoa lily chi phí đầu tư về giống cao nên giá bán cao hơn các loại hoa khác. Do đó, trong trường hợp không đoán được sức mua nên hầu hết nhà vườn không dám mạo hiểm trồng số lượng lớn, chỉ trồng cầm chừng hoặc không xuống giống hoa, hoặc chuyển đổi trồng cúc, rau ngắn ngày để tránh bỏ đất trống.
 
Phòng Kinh tế TP Đà Lạt thông tin, tổng diện tích trồng hoa các loại phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2022 của thành phố khoảng gần 750 ha. Trong đó, diện tích hoa cúc là 260 ha, hoa hồng 95 ha, lay ơn 5 ha, hoa lily 30 ha, cẩm chướng - salem 200 ha, các loại hoa khác chiếm khoảng 85 ha. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm nay diện tích gieo trồng, chăm sóc hoa tết các loại chỉ bằng 70% so với những năm trước, nguyên nhân do dịch bệnh kéo dài và khả năng cung ứng giống không đáp ứng đủ và tâm lý người dân sợ dịch bệnh kéo dài không dám đặt mua nhiều cây, củ giống để gieo trồng. 
 
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận trong lúc sản xuất hoa tết bị xáo trộn, nhu cầu tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khó dự báo thì hoa từ Trung Quốc là mối lo với người trồng hoa. Lý do ngành sản xuất hoa Trung Quốc đã phục hồi 4 tháng trước và tổ chức được đường vận chuyển hoa qua đến Hà Nội, các tỉnh phía Nam.
 
Trước những khó khăn hiện tại, ngay từ khoảng đầu tháng 9, nhiều bà con, doanh nghiệp trồng hoa tại Đà Lạt và trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt hơn trong tìm lối ra. Đó là đưa các loại hoa như: cẩm tú cầu, diên vĩ, oải hương, hoa bâng khuâng, hoa lan Nam Phi, hoa hạnh phúc, hoa loa kèn... vào chậu bán với giá từ 80.000 - 250.000 đồng/chậu. Thậm chí, nhiều chủ vườn cũng đưa hoa có giá trị như lan hồ điệp, địa lan, đào và các chậu cảnh - bonsai,… đóng chậu nhỏ để bán cho người dân trưng tết, sử dụng được lâu dài thay vì bán cắt cành số lượng lớn. Ngoài ra, các chủ vườn cũng đang ráo riết áp dụng nhiều biện pháp để phân nhỏ đợt nở hoa của lan hồ điệp, địa lan,… tránh hoa nở ồ ạt dẫn đến bán tháo trong dịp tết nếu thị trường thu mua ảm đạm, không khởi sắc.
 
C.PHONG