Từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ về liên quan đến chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên có hiệu lực...
Từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ về liên quan đến chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (GV) có hiệu lực. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề nghị các Sở GD-ĐT cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV. Liên quan đến chức danh nghề nghiệp, ngày 7/12, Sở GD-ĐT cũng có văn bản báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri gửi Thường trực HĐND tỉnh.
•
CHỈ YÊU CẦU MỖI GIÁO VIÊN 1 CHỨNG CHỈ
Khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương đối với GV mầm non và phổ thông, chỉ yêu cầu mỗi GV có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, nội dung công văn của Bộ GD-ĐT gửi các Sở GD-ĐT. Theo đó, Bộ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập. Đồng thời, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các Sở tham mưu UBND tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục.
•
VỀ XÉT THĂNG HẠNG GIÁO VIÊN
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập (hiệu lực từ ngày 15/1/2022). Thông tư áp dụng đối với viên chức làm quản lý, giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, phổ thông trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục) đã được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp GV, đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. GV dự bị đại học được áp dụng thông tư này để tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sau khi được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp GV dự bị đại học cho đến khi có quy định riêng của cơ quan có thẩm quyền quản lý...
Nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đối với xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, GV đăng ký dự xét thăng hạng phải có đủ hồ sơ và minh chứng theo quy định. Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan, thì minh chứng là biên bản đánh giá, nhận xét về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó, có xác nhận của người đứng đầu cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý, sử dụng giáo viên và theo phân cấp quản lý của địa phương. Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, minh chứng là bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.
•
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN THI HOẶC XÉT THĂNG HẠNG
Về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, GV được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức...
Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp GV mầm non, tiểu học, THCS, THPT phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV do Bộ GD&ĐT ban hành.
Trường hợp GV đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7, Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. GV dự bị đại học khi áp dụng thông tư này để dự xét thăng hạng phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở hạng đăng ký dự xét theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV dự bị đại học do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
•
ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN
Người được xác định trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có đủ hồ sơ kèm các minh chứng theo quy định. Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I, điểm chấm hồ sơ phải đạt 100 điểm và điểm kiểm tra, sát hạch phải đạt từ 15 điểm trở lên. Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, điểm chấm hồ sơ phải đạt 100 điểm. Trường hợp số lượng hồ sơ xét thăng hạng nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao, đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I, lấy điểm kiểm tra, sát hạch theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, sẽ sử dụng quy định về nhiệm vụ của hạng II để làm căn cứ xét thăng hạng. Lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 6 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
(Thông tư 34/2021 của Bộ GDĐT thay thế các Thông tư số 20/2017 và số 28/2017 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời bãi bỏ Thông tư số 29/2017).
Sở GDĐT trả lời cử tri: Ngày 7/12, Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng có Văn bản số 2263 báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri gửi Thường trực HĐND tỉnh về nội dung liên quan đến hệ số lương và chức danh nghề nghiệp GV phổ thông. Theo Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định, GV THCS, THPT được hưởng cùng bảng lương như nhau. Cụ thể, GV hạng III áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; GV hạng II áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; GV hạng I áp dụng hệ số lương của viên chức nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. “Việc GV THPT có nguyện vọng chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp GV THCS (theo vị trí việc làm) cũng không thay đổi về chế độ tiền lương”; và “Khi chuyển tiếp và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp GV thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Do đó không có quy định GV THPT hạng III (V.07.05.15) chuyển sang chức danh GV THCS hạng II (V.07.04.31)”, Văn bản Sở GD-ĐT trả lời. |
MINH ĐẠO