Với nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đến nay, hệ thống giao thông của huyện Ðạ Huoai đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong cả hai mùa mưa, nắng.
|
Quang cảnh trung tâm huyện Ðạ Huoai nhìn từ trên cao. |
Trước năm 2010, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa đường giao thông nông thôn của huyện chỉ đạt 28,6% (103.68 km/360.17 km). Nhưng đến cuối năm 2021, với nhiều chính sách được triển khai thực hiện, từ nhiều nguồn vốn khác nhau ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, toàn huyện hiện đã có khoảng 161,27 km đường nhựa hoá, bê tông hóa và cứng hóa, đạt 73,5%. Đáng chú ý là huyện đã thực hiện đầu tư nâng cấp và mở mới được 161,27 km đường các loại, trong đó mở mới được hơn 24,04 km và nâng cấp 137,2 km. Về chất lượng, mặt đường nhựa, láng nhựa 70,98 km; bê tông xi măng 60,12 km và mặt đường cấp phối đá dăm hơn 1 km, nâng tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa, láng nhựa, bê tông xi măng chiếm gần 73,5% hệ thống giao thông nông thôn trên toàn huyện. So với năm 2010, tỷ lệ nhựa hóa, bê tống hóa, cứng hóa tăng 44,9% và cho đến nay, đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong cả hai mùa trong năm.
Về cầu cống, theo số liệu của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đạ Huoai, huyện đã được quan tâm đầu tư cứng hóa, kiên cố, đảm bảo việc vận chuyển của người dân. Trong 10 năm qua, đã đầu tư được 10 công trình cầu, trong đó có 4 công trình cầu treo; 4 cầu bê tông cốt thép và 2 cống hộp vĩnh cửu, đảm bảo giao thông thông suốt kể cả mùa mưa lũ.
Các tuyến đường liên xã thời gian qua cũng đã thực hiện đầu tư nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp IV có chiều rộng nền đường 7,5 mét và mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5 mét, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, ở Đạ Huoai, phong trào làm đường nông thôn mới được phát động mạnh mẽ và người dân rất ủng hộ. Nhờ vậy, đến nay, hệ thống đường sá của Đạ Huoai khang trang, sạch đẹp, đi lại dễ dàng, thuận tiện, điều này cũng từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Đạ Huoai. Đến năm 2021, huyện Đạ Huoai đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Không dừng ở những kết quả này, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và đầu tư hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông cũng như thuận lợi hơn cho việc kết nối, vận chuyển giao thương hàng hóa, nông sản; tới đây, huyện cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án về giao thông.
Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đạ Huoai, hiện nay, mức đóng góp đối ứng của Nhân dân thực hiện đầu tư xây dựng đường giao thông theo chương trình nông thôn mới quy định tại Quyết định 2580/QĐ-UBND ngày 7/11/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng quá cao so với khả năng đóng góp của Nhân dân. Cụ thể, Nhân dân vừa đóng góp kinh phí để xây dựng nền vừa đóng góp 30% kinh phí mua vật liệu chính làm mặt đường. Trong khi đó, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chính vì vậy huyện rất mong UBND tỉnh xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ về lại Quyết định 1429/QĐ-UBND của tỉnh trước đây (ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa đối với các xã bằng 70% giá trị công trình; đối với thị trấn bằng 60% giá trị công trình. Giá trị công trình không bao gồm chi phí hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc).
Tương tự, đối với hệ thống đường nội đồng, mức đối ứng làm đường nội đồng theo quy định tại Nghị quyết 74/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 quy định “hỗ trợ tối đa 50% tổng giá trị công trình, còn lại Nhân dân thực hiện đối ứng để thi công công trình”. Mức đối ứng này cũng quá cao đối với người dân do thu nhập trên một đơn vị diện tích tại địa bàn huyện tương đối thấp, vẫn còn số lượng khá lớn người nông dân có thu nhập chủ yếu là thu nhập từ cây điều. Do vậy, việc huy động đóng góp của người dân không có tính khả thi. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện bày tỏ mong muốn được quan tâm, hạ mức đóng góp đối ứng của người dân xuống còn tỷ lệ 70/30, nghĩa là Nhà nước 70% và Nhân dân 30%.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin