Rất nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng bị chậm tiến độ vì công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng chậm do chưa bố trí được quỹ đất dành cho tái định cư.
|
Thi công tại công trình Sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt - một công trình trọng điểm của Lâm Đồng. |
•
HÀNG NGHÌN HỘ DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG
Theo ông Lê Văn Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường - Phát triển quỹ đất Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm) - thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng trong quá trình triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh lâu nay.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, đồng thời cũng góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân, ổn định nhanh cuộc sống của những gia đình bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo, nhất là tình trạng khiếu nại đông người tại các dự án khi thu hồi đất.
Trong năm 2021vừa qua, Trung tâm được giao gần 20 công trình, dự án thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Có thể kể tên các công trình dự án này như: các hạng mục xây dựng đường tránh ngập, nạo vét kênh sau tràn xả lũ của Dự án hồ chứa nước Đạ Sị - Cát Tiên; Dự án đường gom cao tốc Liên Khương - Prenn; Dự án hồ chứa nước Đông Thanh - Lâm Hà; Dự án đường vành đai Đà Lạt… Cùng đó, Trung tâm cũng đang thực hiện rất nhiều các dự án khác đang được tiến hành lâu nay trong tỉnh như: Dự án Khu dân cư số 5, số 6, Dự án Khu dân cư - Tái định cư Phạm Hồng Thái, Đà Lạt. Những dự án này, khi triển khai đã ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân trong tỉnh.
•
CÒN ĐÓ NHIỀU KHÓ KHĂN
Theo ông Tạo, Trung tâm với chức năng của mình, trong thời gian qua, đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương để vận động, đối thoại với dân. Cùng đó, các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất cũng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thực tế hơn nên được đại đa số người dân có đất trong vùng dự án đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, như ông Tạo cho biết, trong một hội nghị của ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng gần đây, vẫn còn rất nhiều khó khăn tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của tỉnh hiện nay.
Cụ thể, một số dự án chủ đầu tư do chưa bố trí kịp thời kinh phí để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất, đã gây ảnh hưởng đến công tác vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cho dự án; nhiều dự án kéo dài dẫn đến phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị và khiếu nại của dân. Do việc xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho các dự án còn hạn chế, đa số không có sẵn quỹ đất tái định cư để bố trí đất tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất nên đã gây không ít khó khăn trong việc việc vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Cùng đó, việc thẩm định phê duyệt hệ số giá đất cụ thể để bồi thường hỗ trợ cho từng dự án còn chậm, qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ lập phương án bồi thường trong khi giá đất thị trường thay đổi rất nhanh nên có sự chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thực tế, dẫn đến việc phát sinh đơn thư khiếu nại. Các qui định về đơn giá xây dựng công trình vật kiến trúc trên đất của tỉnh còn chậm điều chỉnh để phù hợp với thị trường; cơ sở dữ liệu về hồ sơ địa chính của tỉnh chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất.
Và một vấn đề quan trọng, cũng theo ông Tạo, đó là việc thực hiện cơ chế tạo quỹ đất tái định cư, huy động các nguồn vốn xây dựng các khu dân cư có hạ tầng đồng bộ đi cùng để bố trí chỗ ở mới cho người có đất thu hồi còn rất nhiều hạn chế.
Trong thực tế, những năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, chỉ đạo cụ thể cho các cơ quan chức năng trong tỉnh rà soát qui hoạch, phát triển quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư, đồng thời cũng dành quỹ đất cho tái định cư để xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm bố trí cho người dân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở.
Tuy nhiên, việc triển khai những khu dân cư tái định cư này, theo ông Tạo, gặp rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân do vốn đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều dự án quy hoạch khu dân cư nhà đầu tư phải ứng tiền để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở thì lại không có quỹ đất tái định cư có sẵn để bố trí, chỉ được bố trí tái định cư ngay tại dự án trong khi các dự án này phải chờ giải phóng mặt bằng xong mới đầu tư hạ tầng tại một phần diện tích được quy hoạch là đất tái định cư trong dự án rồi mới bố trí được các hộ dân tái định cư.
Với những vướng mắc trên, do không còn chỗ ở, người bị thu hồi đất buộc phải giao đất, nhận tiền hỗ trợ đi thuê nhà ở. Thậm chí, có những dự án quá kéo dài, như Dự án Khu dân cư - Tái định cư Phạm Hồng Thái tại Đà Lạt chẳng hạn, người dân nơi đây đã phải đi thuê nhà ở gần 10 năm mới được nhận đất tái định cư. Điều này đã gây bức xúc không ít cho người bị thu hồi đất, khó khăn cho các hộ dân này ổn định cuộc sống lẫn việc vận động dân bàn giao mặt bằng.
•
CẦN CÓ QUỸ ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ
Lâm Đồng trong nhiều năm nay vẫn đang nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trên thực tế do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chưa chuẩn bị sẵn các khu tái định cư để phục vụ cho các dự án, nên tiến độ đầu tư chưa đạt như mong muốn.
Chính vì vậy, theo ông Tạo, việc phát triển quỹ đất để tạo ra các khu “đất sạch” cho đầu tư, trong đó có đất dành cho tái định cư là hết sức cần thiết. Cần quy hoạch và đầu tư xây dựng quỹ đất tái định cư có sẵn này, để bố trí kịp thời giao cho người dân bị thu hồi là đối tượng phải bố trí tái định cư khi khởi động các dự án. Với chủ đầu tư, khi chấp thuận phạm vi ranh giới đất, ông Tạo đề nghị cần khảo sát tính toán kỹ và chính xác ranh giới giải phóng mặt bằng để không phải thu hồi bổ sung, nhằm hạn chế tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho người dân.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin