Hỗ trợ vốn cho nông dân và kiểm soát giá phân bón

05:01, 20/01/2022
Đó là khẳng định của ông Thân Văn Sửu - Chủ tịch Chi hội Sản vật Tây Nguyên (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng) về nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong ngành nghề sản xuất các sản phẩm từ chè và cà phê.
 
Vùng chè nguyên liệu của Công ty TNHH Phong Giang
Vùng chè nguyên liệu của Công ty TNHH Phong Giang
 
•  DOANH NGHIỆP GẶP RẤT NHIỀU KHÓ KHĂN VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ VỐN
 
Chi hội Sản vật Tây Nguyên có nhiều thành viên là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trà và cà phê. Trong đó, Công ty TNHH Phong Giang có sản phẩm trà xanh chủ yếu xuất khẩu sang khu vực Trung Đông (Pakistan, Afghanistan)... Nhưng từ ngày 15/8/2021, lực lượng Taliban kiểm soát được thủ đô Kabul, chính thức trở lại nắm quyền tại Afghanistan; ngoài những bất ổn về chính trị và khó khăn về kinh tế, thì các chính sách ngoại giao, thương mại của Afghanistan cũng bị ảnh hưởng, xuất nhập khẩu hầu như phải thực hiện qua đối tác thứ ba. 
 
Sản phẩm của Công ty Phong Giang không xuất khẩu được do chuỗi logistics bị đứt gãy vì không có tàu chuyên chở, giá vận chuyển tăng lên 10 lần. Phong Giang cũng như nhiều doanh nghiệp có sản lượng trà xuất khẩu sang Afghanistan bị tồn đọng rất lớn. Ngoài ra, do chính quyền mới chưa kiểm soát được tình hình, nên lạm phát tăng, giá đô la tại Afghanistan giảm, đối tác gặp khó khăn… Rủi ro lớn, nên nhiều doanh nghiệp không dám xuất khẩu, lỗ và thiệt hại là đương nhiên, nhưng ở mức độ nào thì tùy vào năng lực xoay trở của doanh nghiệp.
 
Ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Chè tỉnh Lâm Đồng, tổng hợp những khó khăn của ngành chè: Trong thu mua nguyên liệu chè búp tươi thì không có nhân công thu hái; thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu đi Afghanistan - chiếm đến 60% sản lượng trà xuất khẩu, thay đổi chính phủ khiến rủi ro cho ngành chè rất cao; giá vận tải cao gấp 5-6 lần mà không có tàu, dẫn đến nguy cơ đứt gãy thị trường và hàng tồn kho lớn, hàng hóa xuống cấp, vốn tồn đọng… Dịch bệnh bên ta và chiến tranh ở Afghanistan khiến hàng hóa khan hiếm ở thị trường tiêu thụ mà lại đọng hàng, đọng vốn ở thị trường sản xuất… 
 
•  CẦN HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI NÔNG DÂN
 
Giải pháp trước mắt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trà là phải tích cực xúc tiến tiêu thụ nội địa để đỡ được phần nào chi phí trả lương cho công nhân; song song đó là việc tăng cường tìm kiếm các thị trường khác để xuất khẩu. Ông Sửu khẳng định: “Thay vì đóng cửa hay ngồi chờ thời cơ đến thì các doanh nghiệp đã rất nỗ lực, nhưng dù là giải pháp nào thì đều phải có thời gian và vốn mới làm được...”. Hàng tồn kho rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã thế chấp tài sản là nhà cửa, đất đai, kho bãi, xe cộ… để cầm cự và giữ mối tiêu thụ hàng với nông dân (trả tiền ngay khi thu mua chè nguyên liệu)…
 
Tuy nhiên, nếu tình hình kéo dài một đến hai năm, người nông dân khó mà trụ được. Vấn đề lớn hiện nay nông dân đang phải đối mặt là giá hàng nguyên liệu giảm, nhưng giá phân bón lại tăng cao. Cà phê mỗi năm một mùa thu hoạch, nhưng chè nguyên liệu thì muộn nhất từ 20-30 ngày phải thu. Nếu không được thu mua, người dân không có tiền trang trải cuộc sống và mua phân bón chăm sóc cây chè, thì họ có thể chặt cây chè để trồng cây khác hoặc bán đất là thực tế đang diễn ra tại Lâm Đồng.
 
Những hộ giữ cây chè hiện nay, đa số là cần thu nhập thường xuyên để lo cho con cái học hành. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, nhất là nông dân sản xuất chè và cà phê, bằng cách cho họ vay tiền mua phân bón, hoặc cung cấp lượng phân bón phù hợp với diện tích trồng trọt của họ. 
 
Nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định, chính sách kiểm soát giá phân bón hoặc hỗ trợ phân bón trực tiếp cho người nông dân sản xuất chè và cà phê hiện nay là cần thiết, nếu không sẽ là nguy cơ lớn cho đầu ra của sản phẩm. Đó là, giá thu mua nguyên liệu thấp thì người nông dân không có tiền tái đầu tư chăm sóc, cộng với giá phân bón tăng cao người nông dân sẽ bón phân cầm chừng hoặc dùng phân bón kém chất lượng, dẫn đến sản lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu sụt giảm, không thể cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng khiến giá nguyên liệu cũng giảm sút,… 
 
CHẤT LƯỢNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU BẢO ĐẢM CHO UY TÍN THƯƠNG HIỆU
 
Chè và cà phê là những cây trồng thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam, vì sản phẩm không những đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Nhiều năm nay, người tiêu dùng còn có xu hướng kết hợp trà hay cà phê với những loại nguyên liệu khác như nước trái cây, ca cao, nhân sâm... để thu hút người tiêu dùng.
 
Nhưng, cái vòng luẩn quẩn của người nông dân dẫn đến một hệ quả là nguồn nguyên liệu kém chất lượng, doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa... Cứ loay hoay mãi như vậy thì chuỗi sản xuất đứt gãy, chỉ một - hai năm tới, cả nông dân và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khó tồn tại trong ngành hàng của mình, ảnh hưởng tới nền kinh tế và tạo gánh nặng cho an sinh xã hội…
 
Vậy, giải pháp căn cơ là gì? Nhà nước ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cần có chính sách hỗ trợ ngay cho người nông dân, kiểm soát giá phân bón ổn định, có thể bằng cách giảm thuế nhập khẩu phân bón, hoặc cung cấp phân bón trực tiếp cho nông dân, để người nông dân yên tâm sản xuất. Quan trọng nhất là giữ được chất lượng chè, sản phẩm của doanh nghiệp không bị biến đổi, doanh nghiệp giữ được thương hiệu và uy tín với bạn hàng thì mới vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
LÊ HOA