Ít năm trở lại đây, do yêu cầu công việc, một năm có khi tôi đến thành phố này vài ba lần. Ngay cả năm 2020, trong đại dịch COVID-19, tôi vẫn có nhiều chuyến đi tới Lâm Đồng, Đà Lạt. Những chuyến đi như gây nghiện, như đã là một phần không thể thiếu trong lịch trình di chuyển, nhiều khi không chỉ vì công việc... Vậy mà đã hơn một năm tôi chưa trở lại Đà Lạt. Cũng bởi vậy, có một nỗi nhớ trong tôi về thành phố như một lẽ tự nhiên.
|
Ảnh: Chính Thành |
Hơn năm xa Đà Lạt, những thông tin về thành phố cao nguyên thơ mộng luôn khiến tôi quan tâm tìm kiếm, âu cũng là một cách để vợi bớt nỗi nhớ. Đôi khi, trong làn sóng tin tức ào ạt mỗi ngày, bên những tin vui cũng không tránh khỏi những điều làm mình băn khoăn, trăn trở, vô hình trung lại khiến nỗi nhớ như dày thêm. Chẳng hạn như những ngày cuối năm 2021 này là câu chuyện UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin này làm nhớ lại cách nay ít năm, tôi từng được bạn đồng nghiệp Lâm Đồng chia sẻ tin vui. Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt sẽ mở rộng gấp 8,5 lần, bao gồm diện tích huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương và một phần huyện Lâm Hà, những vùng đất có nét tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng với Đà Lạt hiện tại. Như vậy, trong tương lai Đà Lạt sẽ là thành phố rộng nhất Việt Nam, hơn cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sẽ là đại đô thị của những trung tâm thương mại, trang trại nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái... Điều khiến tôi quan tâm hơn cả, đó là Đà Lạt hiện tại sẽ được bảo tồn, nâng cấp để xứng tầm là một trung tâm kết nối quan trọng của các đô thị vệ tinh, có tầm ảnh hưởng với vị thế một đô thị lớn của quốc gia trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Nghĩa là dù mở rộng, nâng cấp thế nào, nói hơi vơ vào một chút, Đà Lạt của tôi vẫn sẽ là một thành phố của hoa, của rau, nhất là của không gian mơ mộng với bảng lảng sương mù, nhè nhẹ nắng vàng trong làn gió se lạnh cùng tiếng thông reo vi vút...
Là dân ngoại đạo với kiến trúc, ngành nghệ thuật đậm chất khoa học mà tôi hằng ngưỡng mộ, tôi không dám và cũng không đủ năng lực tham gia những cuộc tranh luận về không gian đô thị trong tương lai của thành phố mình đã trót để thương để nhớ. Như thông tin về việc lựa chọn phương án kiến trúc cho khu Hòa Bình trong tương lai chẳng hạn. Những ý kiến đa chiều về dự án quy hoạch khu Hòa Bình theo hướng cao tầng và hiện đại hóa, nâng độ cao Dinh Tỉnh trưởng lên 28 m đi kèm là khách sạn 10 tầng quả là gây không ít lo lắng về sự mất mát một không gian thơ mộng của Đà Lạt...
Một chiều cuối năm, cô bạn đồng nghiệp gọi điện thoại: Giờ anh vào Đà Lạt có nhiều cái mới lắm. Thì tôi vẫn biết vậy. Ngay Hà Nội nơi tôi gắn bó cả đời, chỉ đi đâu đó ít lâu đôi khi cũng có cảm giác khác lạ khi trở về. Chẳng vậy mà có lần tôi đã phải ngẩn ngơ một lúc trước một quãng phố vốn hay qua lại, chỉ vì ở đó một nút giao thông hiện đại vừa khánh thành. Tôi cũng đã biết một trong những điều mới mà bạn tôi muốn nhắc đến là hệ thống đèn tín hiệu giao thông mới lắp đặt. Lại nhớ câu chuyện người Đà Lạt đố vui khách phương xa về cái sự “Ba không” của thành phố này. Giờ thì nó chuyển thành “Hai Không”, mà rồi có lẽ nét riêng biệt còn lại ấy cũng sẽ mất dần theo quy luật của sự phát triển.
Chắc chắn, từ những hệ thống đèn tín hiệu giao thông đầu tiên, sẽ có thêm những trụ đèn khác được xây dựng, bởi đó là yêu cầu của việc giải quyết bài toán quản lý giao thông một cách khoa học, hiệu quả, chống ùn tắc cho một đại đô thị hiện đại trong tương lai. Là người có chút hoài cổ, tôi cũng thấy yên tâm khi đại diện ngành Giao thông vận tải Lâm Đồng khẳng định việc lắp đặt các cột đèn tín hiệu giao thông sẽ không ảnh hưởng tới hình ảnh Đà Lạt nên thơ, trữ tình trong lòng du khách. Và trong thực tế, hình ảnh những cột đèn tín hiệu mới dựng đã có phần hài hòa với khung cảnh nơi chúng hiện hữu. Có vẻ như những người có trách nhiệm đã có sự lựa chọn kĩ càng. Ngay một việc nhỏ như vậy cũng cần sự quan tâm, lưu ý, thì việc thay đổi quy hoạch của một khu phố, rộng hơn là cả Đà Lạt thu hút sự quan tâm với ý kiến trái chiều cũng là lẽ đương nhiên.
Trở lại những ý kiến khác nhau về quy hoạch khu Hòa Bình với trọng tâm là di tích Dinh Tỉnh trưởng, trong khi hy vọng sẽ có những giải pháp thích hợp để khu phố này cùng cả Đà Lạt vẫn là nơi lưu giữ hồn cốt của một đô thị hơn trăm năm tuổi, tôi lại muốn chia sẻ một cảm nhận. Đó là so với lần đầu tiên khi tôi đến đây cách nay mấy chục năm, khu Hòa Bình và nhiều nơi khác của Đà Lạt đã đổi thay không ít. Vậy mà cho đến nay, thành phố này vẫn có sức hút mạnh mẽ với du khách muôn phương như điểm hẹn của tình yêu, sự lãng mạn, mộng mơ. Mong muốn lưu giữ những kỉ niệm xưa là chính đáng. Đáp ứng những yêu cầu của sự phát triển là cần thiết. Vậy đâu là cái gạch nối liên kết hai ý tưởng đều xuất phát từ tình yêu sâu nặng với thành phố này?
Lại nhớ, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ngày 25/11/2021, một trong những nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc là cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp. Đó có lẽ là một gợi ý mang tính lý luận giúp tìm hướng đi cho việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển không chỉ ở Đà Lạt, mà còn ở nhiều đô thị khác, như một quy luật của cuộc sống. Việc bảo tồn những giá trị về văn hóa, trong đó có yếu tố con người đã làm nên và góp phần gìn giữ hồn cốt một đô thị, vùng đất... bên cạnh những yếu tố tự nhiên, kiến trúc, cảnh quan. Vậy nên, dù theo phương án nào, thì việc bảo tồn, gìn giữ những bản sắc riêng có của con người Đà Lạt với những biểu hiện tốt đẹp trong nếp sống, phong cách ứng xử, trang phục, ngôn ngữ... cũng vô cùng quan trọng. Đó chính là điều cốt yếu để thành phố này dù mở rộng, hiện đại đến đâu vẫn là Đà Lạt với đủ đầy những phẩm chất từng làm nên thương hiệu ghi dấu trong lòng người dân thành phố và du khách muôn phương.
Trên thế giới không ít thành phố đã hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi vẫn giữ hồn cốt vốn có trong khi vẫn không ngừng phát triển theo nhịp sống hiện đại. Để có được điều đó, lẽ đương nhiên là nhờ biết được cần giữ điều gì, điều gì có thể thay đổi, những gì cần làm mới... như hiện nay chúng ta hay nói là tìm lời giải cho bài toán phát triển và bảo tồn. Và không ai khác, chỉ con người mới tạo ra sự cân bằng khi giải bài toán đó. Người dân Milan hay Paris, Athens hay Dresden, Tokyo hay Thượng Hải, với những nét truyền thống văn hóa được giữ gìn vẫn làm cho những đô thị hiện đại ấy có dáng vẻ riêng, không hề trộn lẫn mà người ta hay coi là hồn cốt của một đô thị, vùng đất.
Về điều này thì tôi tin Đà Lạt đang sở hữu một tiềm năng quý giá. Lâu nay, đến Đà Lạt, người ta hay nói đến XQ sử quán, Thiền viện Trúc Lâm hay Con đường đất sét... bên cạnh những danh thắng ngàn xưa như thác Prenn, hồ Xuân Hương, Thung lũng Tình Yêu. Nhưng có một vỉa trầm tích khác, cùng với những danh thắng ấy, chính là những con người tứ xứ tụ hội về đây, mang theo những tinh hoa, tài khéo trăm miền. Tôi cứ hình dung ra một tiến trình làm nên tính cách con người Đà Lạt. Đức tính lam làm, vén khéo của người miền Bắc, sự kiên cường, nhẫn nại, cần kiệm của người miền Trung, nét ào ạt, phóng khoáng của người miền Nam cộng với bản tính hồn hậu đam mê nơi các tộc người bản địa. Tất cả được hòa quyện, pha trộn trong không khí dịu dàng, hiền hòa của đất trời cao nguyên, của rừng thông, thác nước, sương mù... làm nên những phẩm chất của con người Đà Lạt, hồn hậu, mạnh mẽ mà không kém dịu dàng, đằm thắm. Với những con người ấy, thì dù theo quy hoạch nào, phương án nào, tôi tin Đà Lạt vẫn là Đà Lạt đã in dấu trong lòng bao thế hệ người Việt cùng bạn bè bốn phương như một điểm đến hằng mong muốn.
Với niềm tin ấy, trước thềm một mùa xuân mới, tôi tự cho phép mình có một mong ước nho nhỏ: Làm sao, khi phát triển với khát vọng trở thành một đô thị trung tâm vùng Nam Tây Nguyên, Đà Lạt vẫn là một thành phố thân thiện, mến khách, thơ mộng, thành phố của thơ ca, nhạc, họa..., nơi tôi có những người bạn thân thiết cùng bao kỷ niệm đẹp đẽ, thân thương...
TẠ VIỆT ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin