Thực tế cho thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai tại huyện Cát Tiên vẫn đang diễn ra ngang nhiên, thậm chí có sự bảo kê của các băng nhóm. Vấn nạn “cát tặc” không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên của tỉnh mà còn làm sạt lở đất và cây trồng của hàng trăm hộ dân sống dọc theo sông Đồng Nai.
Hàng chục tàu cát ngang nhiên thực hiện hành vi hút cát trái phép vào thời điểm ban ngày trên sông Đồng Nai.
Theo ghi nhận, hiện, trên sông Đồng Nai - đoạn đi qua địa bàn huyện Cát Tiên - có 2 đơn vị còn giấy phép khai thác khoáng sản với 4 tàu hút cát đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, đoạn sông này hiện có hơn 40 phương tiện đã hết hạn đăng ký, đăng kiểm vẫn đang neo đậu và hút cát.
• NGANG NHIÊN VÀ LỘNG HÀNH
Từ đầu tháng 11 đến nay, chúng tôi liên tục nhận được tin báo của người dân huyện Cát Tiên phản ánh về tình trạng khai thác “cát lậu” diễn ra rầm rộ trên tuyến sông Đồng Nai, nhất là đoạn sông từ chân cầu Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2, tiếp giáp với Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Chỉ sau gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển trên sông, đoạn từ cầu Vĩnh Ninh đi về hướng VQG Cát Tiên, phóng viên đã ghi nhận cảnh tượng hàng chục phương tiện sà lan nối đuôi nhau, ngang nhiên hút cát từ dưới lòng sông lên sà lan.
Qua quan sát, các phương tiện khai thác “cát lậu” này hoạt động gần như công khai và rất rầm rộ. Thậm chí, khi thấy bóng dáng phương tiện tuần tra của cán bộ kiểm lâm VQG Cát Tiên, những “cát tặc” này không hề tỏ ra e dè, vẫn vô tư cho máy móc chạy hết công suất.
Trong lúc thực hiện tuần tra trên sông Đồng Nai, chúng tôi cùng cán bộ Trạm Kiểm lâm Bến Cầu, trực thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên đã phát hiện, bắt quả tang một tàu cát đang neo đậu và khai thác trái phép ngay mép bờ sông thuộc địa phận huyện Cát Tiên. Các cán bộ Trạm Kiểm lâm Bến Cầu đã nhanh chóng tiếp cận, bắt giữ tàu cát, di lý về bến bãi của đơn vị để lập biên bản, xử lý vụ việc.
Ngay lập tức, các đối tượng bảo kê đã nhanh chóng gọi điện thoại kèm những lời hăm dọa các lực lượng đang làm nhiệm vụ. Manh động và liều lĩnh hơn, các đối tượng đã đi xe ô tô xông vào trụ sở Trạm Kiểm lâm Bến Cầu để gây áp lực. Chỉ khi lực lượng công an và cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cát Tiên vào tham gia hỗ trợ thì các đối tượng bảo kê mới rút ra bên ngoài.
Mặc dù, tình trạng khai thác cát trái phép ai cũng nhìn thấy nhưng việc ngăn chặn lại rất khó khăn. Để đối phó với các lực lượng chức năng, từ chân cầu Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2 tiếp giáp với VQG Cát Tiên luôn có từ 3 - 4 nhóm người ngồi trên bờ làm nhiệm vụ cảnh giới, sẵn sàng báo động cho các tàu cát di chuyển phương tiện sang địa bàn thuộc địa phận tỉnh Bình Phước, hoặc bơm cát lại xuống sông nhằm tránh bị kiểm tra, xử lý.
• NGỪNG KHAI THÁC “TRÊN GIẤY”
Trước tình trạng khai thác quá mức dẫn đến sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, đất đai của người dân sống dọc sông Đồng Nai, từ năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã siết chặt và dừng việc cấp giấy phép khai thác lại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động khai thác “cát lậu” vẫn diễn ra thường xuyên trên tuyến sông này.
Ông Huỳnh Trí, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cát Tiên cho biết: Đến nay, trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua địa phận huyện Cát Tiên chỉ còn lại 2 giấy phép khai thác còn hiệu lực. Một là Giấy phép khai thác số 29/GP-UBND ngày 27/3/2009, phạm vi khai thác xã Quảng Ngãi, thị trấn Cát Tiên, chiều dài đoạn sông khai thác là 5.500 m, thời hạn cấp phép đến ngày 27/3/2021 (đã gia hạn đến tháng 4/2023), công suất khai thác 15.000 m3/năm do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho DNTN Xuân Hà. Hai là Giấy phép số 981/GP-UBND ngày 4/4/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai cấp cho Công ty Cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, thuộc địa phận xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai với chiều dài đoạn sông khai thác là 13.370 m, công suất khai thác 80.000 m
3/năm, thời hạn cấp phép đến ngày 4/4/2024.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua địa phận huyện Cát Tiên, hiện đang có đến 44 phương tiện đường thủy có trang bị thiết bị bơm hút cát. Trong đó, có 4 phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm (2 phương tiện của DNTN Xuân Hà và 2 phương tiện của Công ty Cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai) và 40 phương tiện đã hết hạn đăng ký, đăng kiểm.
Theo ông Huỳnh Trí, sở dĩ có tình trạng này là do đặc thù sông Đồng Nai có địa hình tầng, dốc phức tạp, không thể di chuyển các thuyền khai thác cát này đến địa phận khác. Bên cạnh đó, việc thuê cẩu đưa những phương tiện này lên bờ cũng hết sức tốn kém cả về công sức lẫn kinh phí, không khả thi. Điều đáng nói, khi các phương tiện này ở lại dưới lòng sông thì xuất hiện tình trạng các tổ chức, cá nhân lén lút khai thác cát trái phép. Nhất là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.
Theo ghi nhận, tại khu vực chân cầu Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2, có hàng chục phương tiện tàu hút cát đang neo đậu. Từ đây, mỗi ngày vào hai buổi sáng - chiều, các tàu sẽ nối đuôi nhau chạy ngược lên hướng VQG Cát Tiên để bắt đầu hoạt động hút cát. Trung bình, mỗi tàu khi hút đầy cát sẽ chứa từ 60 - 150 m
3.
• CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT
Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành tại khu vực sông Đồng Nai, vào ngày 3/10/2019, tại huyện Cát Tiên đã diễn ra buổi làm việc giữa 3 huyện Cát Tiên, Tân Phú (Đồng Nai) và Bù Đăng (Bình Phước) nhằm bàn các phương án, giải pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai (đoạn giáp ranh của 3 địa phương).
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Sau buổi làm việc, nhiều giải pháp tăng cường quản lý khai thác cát trên sông Đồng Nai đã được 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước thống nhất. Cụ thể, 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước đã thống nhất chủ trương tiếp tục cho phép khai thác cát trên sông Đồng Nai đối với các giấy phép còn thời hạn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cũng đã thống nhất nhiệm vụ chung là quyết tâm thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai theo chỉ đạo của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, các vị trí khai thác phải được định vị và thả phao theo quy định; mỗi doanh nghiệp sử dụng tối đa 2 phương tiện khai thác phù hợp theo công suất đã đăng ký; gắn thiết bị định vị, camera hành trình, phương tiện khai thác được đăng kiểm, người lái có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định. Thời gian khai thác bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ. Tuyệt đối không khai thác ban đêm. Đồng thời, đăng ký bến bãi tập kết cát, khối lượng cát xây dựng bán ra phải qua cân tải trọng; tại bãi cát có lắp đặt camera giám sát, trạm cân; công khai các thông tin của các tổ chức, cá nhân khai thác cát cho chính quyền địa phương giáp ranh biết để kiểm tra, giám sát…
Thế nhưng, sau 2 năm triển khai, nạn “cát tặc” trên sông Đồng Nai vẫn đang là nỗi nhức nhối tại địa phương. Hầu như ở bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào, Nhân dân huyện Cát Tiên đều kiến nghị và bày tỏ bức xúc về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, để giải quyết dứt điểm nạn “cát tặc” trên sông Đồng Nai hiện nay, trước mắt cần phải nhanh chóng tìm hướng xử lý hơn 40 tàu cát không có đăng ký, đăng kiểm đang neo đậu trên địa bàn.
Trước thực tế trên, UBND huyện Cát Tiên đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản. Thậm chí, UBND huyện đã đầu tư 50 triệu đồng mua sắm trang thiết bị Fly cam trang bị cho lực lượng Công an huyện để theo dõi, giám sát, nhưng việc phát hiện các đối tượng vi phạm là rất khó khăn.
Mới đây nhất, UBND huyện Cát Tiên vừa trích khoản kinh phí 73 triệu đồng để thực hiện việc lắp đặt 3 cụm camera giám sát 3 bãi tập kết cát nằm trên địa bàn huyện. Thông qua hệ thống camera, huyện Cát Tiên đã phát hiện 4 tàu hút cát không có biển kiểm soát cũng như đăng ký hoạt động. UBND huyện Cát Tiên đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 100 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện Cát Tiên còn buộc một doanh nghiệp phải sử dụng đúng phương tiện đã đăng ký khai thác với cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên cũng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân. Đồng thời, huyện cũng thành lập tổ phản ứng nhanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Trung tá Đỗ Quốc Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn 3 tỉnh giáp ranh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước nên việc kiểm tra, xử lý các phương tiện khai thác cát trên sông gặp nhiều khó khăn, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của cả 3 tỉnh, các huyện.
Mặt khác, phần lớn các phương tiện đường thủy do người dân hoặc doanh nghiệp tự đóng nên không đáp ứng các thông số và quy định về an toàn, kỹ thuật phương tiện thủy nội địa nên không đăng ký, đăng kiểm được. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm kiểm định đăng kiểm thủy nội địa, không có cảng thủy nội địa nên việc kiểm định phương tiện đường thủy gặp rất nhiều khó khăn, mỗi lần đăng kiểm, chủ phương tiện phải mời Chi cục Đăng kiểm số 5 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về để thực hiện và việc kiểm định phải đưa phương tiện lên bờ để kiểm tra trên đà nên chủ phương tiện khó thực hiện.
Ngoài ra, nhiều phương tiện thủy neo đậu dọc bờ, nhưng chủ phương tiện do nhiều người đồng sở hữu nên việc xác định chủ phương tiện để kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, chủ phương tiện luôn tìm cách tránh né các cơ quan chức năng, khai thác vào ban đêm, khi gặp lực lượng kiểm tra thì điều khiển tàu chạy sang địa bàn giáp ranh.
Trong thời gian đến, đơn vị sẽ sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an như: công khai kết hợp hóa trang, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ... để phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là đối với các hành vi điều khiển tàu, thuyền “lén lút” hoạt động hút cát, sỏi dưới lòng sông, gây bức xúc trong dư luận xã hội và trong Nhân dân thời gian qua.
(LĐ online) - Nạn nhân là người đàn ông khoảng 28 đến 35 tuổi, vừa được người dân phát hiện tử vong dưới hồ nước của người dân tại dốc Ta La (Thôn 1, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) vào chiều 6/1/2022.
Cây cầu vượt nút giao cao tốc Liên Khương - Prenn từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2021 đã thu hút nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ tới ngắm đường cao tốc từ trên cao và chụp ảnh mỗi ngày.
(LĐ online) - Một cây thông cổ thụ còn tươi bị đốt cháy phần gốc đổ ra đường vào khu Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt (xã Xuân Trường) làm gãy 1 trụ điện trung thế, tới 13h chiều nay hoạt động của nhà máy xử lý rác vẫn đang bị ngưng trệ do mất điện.
(LĐ online) - Vụ va chạm giao thông giữa xe tải cứu hộ và xe đầu kéo xảy ra trên đèo Chuối (huyện Đạ Huoai) đúng vào giờ cao điểm dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022 khiến giao thông qua lại ách tắc nghiêm trọng, xe cộ nối đuôi nhau kéo dài nhiều km.
(LĐ online) - Nhìn lại một năm qua, trong buối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty Thủy điện Đồng Nai (tọa lạc tại 254 Trần Trần Phú, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) đã tập trung khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh...
Theo đơn phản ánh gửi đến các cơ quan báo chí, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt (trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đang có những khuất tất trong việc quản lý, cho thuê đất công của nhà trường, tạo dư luận không tốt và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin