Trước tình hình vi phạm trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước có chiều hướng gia tăng, phức tạp…; Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp tăng cường công tác quản lý khoáng sản, tài nguyên nước, san gạt, cải tạo mặt bằng lấn chiếm sông, suối, ao, hồ...
|
Hiện trường vụ khai thác vàng trái phép tại xã Tà Năng |
Theo đó, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về lĩnh vực khoáng sản, đất đai, tài nguyên nước theo quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo vệ khoáng sản, nguồn nước, cảnh quan môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan, công an, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, thực hiện quy chế phối hợp số 01/QCPH-STNMT-CAT ngày 15/7/2021 giữa Sở TN&MT và Công an tỉnh; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước, san gạt, cải tạo mặt bằng.
Cụ thể, giao công an các xã, phường, thị trấn cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, nắm thông tin những khu vực, vị trí có dấu hiệu khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép. San lấp ao, hồ, sông, suối, ngăn dòng chảy; các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vi phạm các quy định; xử lý ngay từ đầu, không để xảy ra điểm nóng. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo ngay cho UBND huyện, thành phố để chỉ đạo xử lý kịp thời, đúng quy định.
Nội dung văn bản trên nhấn mạnh, các địa phương tiếp tục công tác quản lý san gạt, cải tạo mặt bằng; tăng cường kiểm tra, xử lý theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn thực hiện của Sở TN&MT Lâm Đồng. Trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng cần xem xét kỹ hiện trạng, loại khoáng sản hiện có trong khu vực, không giải quyết cho các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng để khai thác khoáng sản, chỉ giải quyết cho những trường hợp có nhu cầu chính đáng, đúng mục đích. Cùng với đó, tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý, đình chỉ, chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng đối với các trường hợp lợi dụng để khai thác, vận chuyển khoáng sản ra ngoài. Giao UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc san gạt, cải tạo mặt bằng sau khi được UBND các huyện, thành phố cấp phép thực hiện.
Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên, chuyển hồ sơ sang cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định. Cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, không phép; đổ đất san lấp lấn chiếm ao, hồ, sông, suối nhưng không xử lý, xử lý chưa triệt để, kéo dài theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát, theo dõi, xử lý đề nghị báo cáo ngay các hành vi vi phạm, các khu vực có diễn biến phức tạp, khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền về UBND tỉnh và Sở TN&MT để kịp thời chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền.
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, thông qua phản ánh của người dân và các cơ quan thông tấn báo chí địa phương, Trung ương, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp khai thác khoáng sản (cát, đá, đất san lấp, vàng, thiếc, cao lanh…); san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, không phép. Nổi cộm như vụ khai thác, tuyển quặng vàng tại xã Tà Năng (Đức Trọng).
Vụ khai thác vàng trái phép này được Phòng Cảnh sát Môi trường - PC05 (Công an Lâm Đồng) và Công an huyện Đức Trọng phối hợp theo dõi, mật phục bắt quả tang ngày 25/11/2021, trong khu đất của ông P.V.P (SN 1991, trú tại thôn Đà Lâm, xã Đà Loan, Đức Trọng), tại thôn TouNeh, xã Tà Năng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận hiện trường có hàng trăm mét khối đất chứa quặng đang chờ xử lý. Thời điểm kiểm tra, 6 đối tượng đang vận hành 2 dàn máy sàn tuyển quặng vàng, 4 máy múc, 3 máy bơm nước… Cơ quan công an đã tạm giữ 4 máy múc và lấy mẫu giám định, đánh giá hàm lượng vàng để xử lý.
Tương tự, việc khai thác vàng trái phép còn xảy ra tại thôn Chơ Ré, xã Đạ Quyn (Đức Trọng). Theo người dân địa phương, “đội lốt” san lấp mặt bằng, các đối tượng đã sử dụng phương tiện cơ giới đào bới, sàn tuyển quặng vàng không phép ở khu vực này suốt gần 3 năm qua. Hiện trường vẫn còn các hầm, hố sâu từ 12 - 14 m, nhưng không được cơ quan chức năng xử lý rốt ráo, nên các đối tượng vẫn vô tư khai thác vàng trái phép, bất chấp các qui định pháp luật.
Trong khi đó, ngày 21/12/2021, hưởng ứng đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm 2022, Phòng PC05 Công an Lâm Đồng và Công an huyện Lạc Dương phối hợp với Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đarahoa (Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim), bất ngờ kiểm tra hoạt động khai thác thiếc trái phép tại Tiểu khu 142, xã Đạ Sar (Lạc Dương). Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 đối tượng về hành vi khai thác khoáng sản thiếc trái phép. Bước đầu, các đối tượng khai nhận làm thuê cho ông N.V.N (SN 1975, trú Phường 9, TP Đà Lạt). Làm việc với cơ quan chức năng, ông N thừa nhận việc thuê người khai thác thiếc tại khu vực trên, tuy nhiên, ông N không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này.
Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu để phục vụ công tác phân tích, xác định hàm lượng thiếc để xử lý theo quy định. Đồng thời, thu giữ một số thiết bị máy móc, phương tiện hoạt động khai thác thiếc để phục vụ công tác xử lý; yêu cầu các đối tượng tháo dỡ toàn bộ lán trại, di dời ra khỏi hiện trường Tiểu khu 142, xã Đạ Sar. Vụ khai thác thiếc trái phép này cũng đang được cơ quan Công an huyện Lạc Dương tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc, trước đó, Báo Lâm Đồng đã có nhiều tin, bài phản ánh về tình trạng người dân đua nhau san lấp mặt bằng, đổ đất, lấn chiếm hồ thủy điện Đại Ninh, đoạn qua địa bàn các xã Ninh Gia và Tà Hine (Đức Trọng). Và, UBND huyện Đức Trọng cũng đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Dù vậy, cho đến nay, các cơ quan chức năng của huyện vẫn chưa xử lý rốt ráo vụ việc, hay nói đúng hơn là xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, làm một số người lờn luật.
Trong khi đó, tại địa bàn xã Đạ Nhim (Lạc Dương), một số cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng - Pv), tự ý đắp đập ngăn suối Đạ Tro để khai thác cát, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở núi, rừng thông ba lá. Không chỉ vậy, ở khu vực phía hạ lưu của con suối này, một số đối tượng còn tự ý cho đổ đất lấn lòng suối để san lấp mặt bằng trái phép, vụ việc xảy ra trong suốt thời gian dài, dù đã được UBND xã Đạ Nhim, UBND huyện Lạc Dương lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhiều lần, và buộc khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng, nhưng cho đến nay, con suối Đạ Tro vẫn chưa thông dòng, khiến dư luận bất bình.
THỤY TRANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin