Ông Trần Xuân An (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) thắc mắc: “Hiện nay, với việc có nhiều F0 đang cách ly, điều trị tại nhà thì những chất thải phát sinh của những F0 và cả F1 sẽ xử lý ra sao để tránh tình trạng lẫn chất thải nhiễm COVID-19 với các loại rác thải sinh hoạt thông thường khác của những hộ dân sinh sống gần đấy?”. Băn khoăn của ông An, cũng là băn khoăn của rất nhiều người dân, khi lượng rác thải phát sinh của F0 và F1 ngày một tăng theo sự gia tăng của các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong những ngày gần đây. Bởi vì chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc, tiếp xúc với F0 đều là những chất thải gây nguy cơ lây nhiễm. Nếu chúng không được quản lý chặt, thu gom, vận chuyển, xử lý đúng cách thì rất dễ làm phát tán mầm bệnh.
Vì là chất thải gây nguy cơ lây nhiễm nên Bộ Y tế đã đưa ra những lưu ý quan trọng khi xử lý rác thải của F0 để tránh lây nhiễm SARS-CoV-2. Trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế chỉ rõ: Đối với rác thải, cần đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi ni lông bên trong ở phòng của người nhiễm. Rác thải cần được thu gom, xử lý hàng ngày hoặc khi thùng rác đầy. Người nhà cần đeo găng tay (loại sử dụng một lần) khi xử lý rác thải, bỏ găng tay ngay sau khi xử lý xong. Đặc biệt, cần rửa tay sau khi xử lý chất thải, cần vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà, đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế, các chất thải phát sinh của F0 phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Ngoài ra, các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 sẽ thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương. Các địa phương bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp. Bộ Y tế còn lưu ý, trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Rõ ràng, việc quản lý chặt chất thải từ F0 điều trị tại nhà là rất cần thiết trong bối cảnh “thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19”.
T.CHU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin