Cơn sốt đất bùng nổ trong nước và trong tỉnh gần đây dẫn đến tình trạng mua bán, thu gom đất, thực hiện việc chia tách thửa đất với số lượng lớn để chuyển nhượng cho những người có nhu cầu, tạo nên hiện tượng đầu cơ tích trữ đất, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý đất đai của các cấp trong tỉnh. Giải pháp nào để quản lý việc chia tách thửa đất hiện nay?
Bài 1: Tôi đi “xem đất”
Đã có tình trạng không ít người đổ xô tìm mua các lô đất sản xuất nông nghiệp rồi chia thành nhiều lô nhỏ làm đất nền nhà để bán, bất chấp các lô đất lẫn vùng đất này có làm nhà được hay không?
|
Tấm bảng thông báo cấm phân lô bán nền dọc theo các con đường trong khu trồng hoa tại Phường 12, Đà Lạt |
•
PHÂN LÔ BÁN NỀN TRONG LÀNG HOA
Lần theo địa chỉ một lời rao bán đất nền phân lô trên mạng xã hội, chúng tôi trong vai người đi mua đất đến Phường 12, nơi có làng hoa Thái Phiên nổi tiếng tại thành phố Đà Lạt để “xem đất”.
Theo lời hẹn, một người phụ nữ tên N. đưa chúng tôi lòng vòng theo con đường nhựa lớn trong làng hoa, dọc hai bên là các dãy nhà lợp ni lông trồng hoa nối tiếp nhau. Qua ngã rẽ, chúng tôi lại theo một con đường bê tông dài, rồi một con đường nhỏ hẹp hơn, đến một đoạn, chị N bảo để xe máy ở đây, đưa chúng tôi lội bộ đường đất đi xuyên qua các nhà lồng trồng hoa để đến khu đất phân lô.
Khu đất nơi chúng tôi đến cũng là một nhà kính trồng hoa, mái phủ kín bạt ni lông, vườn đang được trồng hoa cúc với những luống hoa xếp thành hàng ngay ngắn, hoa mới được trồng vươn lên khỏi mặt đất khá cao. Chị N chỉ tay vào ranh giới một luống hoa bảo đây là lô đất đang rao bán.
Phải nhìn kỹ mới thấy mốc ranh giới của lô đất, đó là chiếc cọc sắt đầu sơn đỏ đóng sát dưới đất. Thì ra toàn bộ đất trong nhà lợp ni lông trồng hoa này đã được chia thành nhiều lô đất nhỏ, mỗi lô như vậy 2 bên đều có cọc sắt làm mốc ranh giới, phải tinh mắt mới nhận ra. Mỗi lô đất phân lô như vậy theo chị N có chiều rộng 4 m, chiều dài 20 m, chạy hết khuôn viên khu đất ra phía sau đến ranh giới nhà vườn bên cạnh, có chừng 15 lô như vậy trong nhà vườn này.
Chị N cho biết, diện tích mỗi lô như vậy chừng 80 m
2, giá bán 350 triệu đồng. “Quá rẻ, mua đâu trên thành phố Đà Lạt này có giá như vậy. Chỉ cần mở bán là người ta tranh nhau mua gần hết. Bán nhanh lắm, chỉ còn 2 lô cuối sát bờ taluy, nếu anh lấy cả 2 lô này thì có thể bớt chút cho vui thôi, mua nhanh kẻo có người cũng hỏi rồi đó” - chị N hối thúc.
Khi thấy tôi nhìn con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo trước mặt, chị N bảo: “An tâm, con đường này sau sẽ mở rộng thành 4 m theo quy định, đã có điện vào rồi cho người dân làm vườn lâu nay, còn nước thì đóng giếng bơm sử dụng thoải mái ”. Chị chỉ sang một nhà lợp tôn nhỏ mái thấp trong một khu vườn bên cạnh như nhà cất nông cụ làm vườn và bảo rằng “Bên đó họ cũng làm nhà rồi”?
Trên đường lội bộ đi ra, khi ngang một khu vườn hoa cúc gần đó, một chị chủ vườn đang xịt thuốc bảo vệ thực vật cho hoa ra hiệu tôi ngừng lại, đợi chị N đi khuất bèn nói đất này là đất nông nghiệp sao làm nhà được nên đừng mua coi chừng “tiền mất tật mang”. Chị bảo mấy nay chị N này liên tục dẫn người vào đây xem đất và chị có nghe chị N hứa với người mua đất rằng nơi đây sẽ mở một con đường 4m vào đất để làm nhà nhưng với rất nhiều nhà vườn dọc theo con đường nhỏ này trong đó có gia đình chị không đồng ý cho phép mở đường thì lấy đâu mà có con đường 4 mét đó?
Tại làng hoa Phường 12 này, cũng thông qua rao vặt trên mạng xã hội, chúng tôi lại đến xem một địa điểm đất nông nghiệp phân lô bán nền khác. Địa điểm này thuận lợi hơn vì khá gần đường nhựa lớn, từ đường nhựa này có con đường đất rộng 4 - 5m dẫn vào lô đất, gần một con suối., ô tô có thể vào được. Cũng giống như khu đất trước chúng tôi đã xem, khu đất này là đất trồng hoa cúc ngoài trời, chưa làm nhà kính, 2 lô đất dọc 2 bên con đường này đã được chủ nhân chia thành các lô nhỏ, cũng chia bằng các cọc sắt đóng sát mặt đất trên đều sơn đỏ cho dễ nhận biết. Mỗi lô như vậy bề ngang 4 m, chiều dài theo chủ đất là 19,5 m, có chừng vài chục lô như vậy 2 bên, có đường rộng nên số tiền mỗi lô nơi đây cũng cao hơn với giá bán 720 triệu, “Đã có nhiều người mua gần hết các lô rồi, có người mua 2 lô, có người mua 4 lô liền, còn chỉ 1 lô cuối, có thương lượng thì sẽ bớt chút”- chị P - người dẫn tôi xem đất nói.
|
Một nhà vườn trồng hoa trong sâu với con đường hẹp nhưng đã cắm cọc, phân lô bán nền tại Phường 12, thành phố Đà Lạt |
• TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ QUY HOẠCH
Điều đáng nói, ngay ngã ba đầu con đường nhựa dẫn ra cánh đồng nhà kính trồng hoa tại Phường 12, Đà Lạt này đã dựng một tấm bảng thông báo lớn với dòng chữ rất rõ trên bảng: “UBND Phường 12 - Đà Lạt thông báo khu vực quy hoạch đất nông nghiệp, nghiêm cấm phân lô, chuyển nhượng đất để xây dựng nhà ở trái phép, vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Bảng thông báo như thế còn xuất hiện dọc theo các con đường trong vùng trồng hoa. Tuy nhiên, bất chấp thông báo, hoạt động chia lô, mua bán đất vẫn diễn ra nơi đây.
Ông Võ Văn Sang, Chủ tịch UBND Phường 12, Đà Lạt cho biết, người dân được quyền chuyển nhượng đất đai trên địa bàn vì luật pháp cho phép. Là một phường nổi tiếng về trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt nên theo ông Sang, đất đai nơi đây dù là đất nông nghiệp nhưng cũng rất có giá. “Người dân có quyền chuyển nhượng đất lại cho người khác khi không có nhu cầu làm nông nghiệp nữa”.
Tuy nhiên, vì khu vực đất trồng hoa trong làng đã được thành phố quy hoạch là đất nông nghiệp nên theo ông Sang, việc chia nhỏ phân lô và làm nhà ở hoàn toàn không được phép. “Đất qui hoạch đất ở mới được làm nhà, còn đất nông nghiệp là chỉ sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, đâu có tự ý phân lô làm nhà trên đất nông nghiệp được” .
Theo ông Sang, gần đây phường đã kết hợp với các đơn vị chức năng thành phố quản lý rất kỹ việc này, thường xuyên tổ chức kiểm tra trên thực địa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đã có không ít trường hợp phường buộc phải tháo dỡ và xử phạt vi phạm hành chính.
Để những lô đất chừng 80 - 100 m
2 như vậy việc tách thửa là điều hoàn toàn không thể. Theo khoản 4, Điều 4, Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành, đối với thửa đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu để tách thửa là 500 m
2 tại khu vực đô thị; 1.000 m
2 tại khu vực nông thôn.
Cũng theo Quyết định này, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm tăng cường quản lý đất đai, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có các trường hợp tự tách thửa, hợp thửa đất không được phép của cơ quan có thẩm quyền, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương mình. Chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan có thẩm quyền khi không kịp thời phát hiện và để xảy ra tình trạng tách thửa tự phát, trái quy định.
Còn những người đã mua bán đất nền phân thành các lô nhỏ này thì sao? Khi tôi hỏi rằng đất nông nghiệp liệu có chuyển đổi để làm nhà được không, chị P mỉm cười bảo rằng vùng này gần phố, nhất định lên đô thị nay mai. “Thì cứ coi đây là khoản đầu tư, mua xong cho người có nhu cầu trồng hoa tại địa phương thuê lại để canh tác, chờ quy hoạch thành đất ở thì sẽ xây nhà được” - chị nói, nhưng tôi hỏi chờ đến khi nào thì chị trả lời không biết!
(CÒN NỮA)
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin