Lạc Dương: Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản

06:03, 30/03/2022
Xác định rõ những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản trái phép đến môi trường sống, thời gian qua, huyện Lạc Dương đã tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn.
 
Qua kiểm tra, truy quét, các cơ quan chức năng huyện Lạc Dương thu giữ nhiều máy móc, thiết bị khai thác khoáng sản trái phép
Qua kiểm tra, truy quét, các cơ quan chức năng huyện Lạc Dương thu giữ nhiều máy móc, thiết bị khai thác khoáng sản trái phép
 
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lạc Dương cho biết: Để tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Lạc Dương đã ban hành Văn bản số 729/UBND-VP ngày 29/4/2020 về việc thống nhất khu vực nghiêm cấm san ủi, cải tạo mặt bằng trên địa bàn huyện; Văn bản số 1592/UBND-VP ngày 7/9/2020 về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với việc san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp... 
 
Đồng thời, UBND huyện Lạc Dương cũng đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác phối hợp, tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động các cơ sở khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp phép trên địa bàn huyện, cũng như phát hiện và xử lý kịp thời đối với điểm diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
 
Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tiến hành 7 đợt kiểm tra, truy quét, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép, tập trung tại khu vực Núi Cao thuộc lô a, Khoảnh 3, Tiểu khu 143, xã Đạ Sar. Qua các đợt giải tỏa, các cơ quan chức năng đã tiêu hủy các phương tiện máy móc phục vụ cho việc khai thác khoáng sản (thiếc) trái phép như dàn rung, máy nổ, mô tơ điện, chòi bạt, ống nước, dây điện và các dụng cụ thủ công khác. Đồng thời, tham mưu UBND huyện ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cá nhân về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, với số tiền xử phạt gần 145 triệu đồng. 
 
Ngoài ra, chuyển 1 hồ sơ vi phạm về hành vi khai thác cát trái phép đến UBND tỉnh để ra quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền, với số tiền xử phạt hơn 242 triệu đồng; hình thức phạt chính là phạt tiền, biện pháp xử phạt bổ sung là nộp lại số tiền tương đương với lượng khoáng sản đã khai thác; nộp lại số tiền tương đương với tang vật vi phạm, tịch thu tang vật vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả buộc các cá nhân vi phạm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn.
 
Bên cạnh việc tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, truy quét, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn tài nguyên đất, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng. 
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương có 9 giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản (cát) do UBND tỉnh cấp, đang còn trong thời gian hoạt động. Trên địa bàn huyện hiện nay không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép thăm dò cát, sỏi lòng sông. Qua quá trình kiểm tra, nhìn chung các đơn vị đã đi vào hoạt động cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định trong giấy phép khai thác đã được UBND tỉnh cấp như khai thác đúng vị trí, đúng loại khoáng sản, đã lập đầy đủ hồ sơ và thực hiện công tác bảo vệ môi trường, dự án phục hồi cải tạo môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước...
 
Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số đơn vị trong quá trình hoạt động khai thác còn thiếu một số thành phần hồ sơ liên quan như các thủ tục thuê đất trong hoạt động khai thác khoáng sản, chưa thực hiện việc lắp đặt trạm cân, biển báo, chưa thực hiện việc lập nội quy lao động tại khu vực mỏ... Do đó, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các đơn vị lập hồ sơ bổ sung đối với các nội dung còn thiếu qua kiểm tra.
 
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, UBND huyện Lạc Dương đã có những chỉ đạo quyết liệt và đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra tại một số nơi trên địa bàn huyện, đặc biệt là tình trạng khai thác thiếc trái phép. Nguyên nhân là do khoáng sản trên địa bàn huyện là vật liệu xây dựng thông thường nằm rải rác, manh mún trong khu vực đất của hộ dân, đất lâm nghiệp nên khó khăn trong quản lý. Bên cạnh đó, nhu cầu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ngày càng cao, nhưng nguồn cung còn hạn chế dẫn đến giá vật liệu xây dựng gia tăng, dẫn đến việc khai thác khoáng sản đem lại lợi nhuận cao. Mặt khác, công tác quản lý và khoáng sản của chính quyền cấp xã có nơi chưa được chặt chẽ, chậm được phát hiện hoặc khi phát hiện các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, việc xử lý của UBND cấp xã còn thiếu tính kiên quyết.
 
Trong thời gian đến, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, huyện Lạc Dương sẽ thường xuyên phối hợp với địa phương giáp ranh trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản vùng giáp ranh. Đồng thời, tiếp tục tổ chức kiểm tra, truy quét, giải tỏa các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Đặc biệt là các điểm khai thác khoáng sản (thiếc) trái phép đặc biệt là khu vực Núi Cao, Sông Con thuộc Tiểu khu 140, 142 xã Đạ Sar và các khu vực có nguồn khoáng sản chưa khai thác như cát, đá xây dựng trên địa bàn huyện cần được bảo vệ.
 
HOÀNG SA