Sau hơn 20 năm thực hiện Quy định 54, công tác đào tạo lý luận chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, một số nội dung chưa sát thực tiễn, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới, chưa gắn việc đào tạo lý luận chính trị với tiêu chuẩn chức vụ, chưa tạo sự đồng bộ giữa đào tạo và quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ... Vì vậy, mới đây, ngày 8/2/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chính thức ban hành Quy định số 57 với nhiều điểm mới, phù hợp, khoa học, hiệu quả.
|
Các đại biểu tham dự quán triệt Quy định số 57 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị |
Công tác đào tạo lý luận chính trị là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Lần đầu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Ban Bí thư ban hành Quy định 57 thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hoá, đảm bảo sự đồng bộ công tác đào tạo lý luận chính trị với việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với tình hình mới.
6 điểm mới mang tính đột phá của Quy định 57 bao gồm: (1) Lần đầu tiên trong lịch sử công tác đào tạo lý luận chính trị của Đảng, Ban Bí thư ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng với công tác này trong tình hình mới. (2) Quy định 57 đã mang tính hệ thống, tổng hợp khi bao quát đủ 3 cấp học lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. Điều này tạo sự liên thông, mang tính kế thừa cao, tránh được sự trùng lắp, chồng chéo giữa các cơ quan về việc đào tạo lý luận chính trị trước đây. (3) Xác định rõ, cụ thể, mạch lạc từng loại đối tượng tham gia 3 cấp học trong đó có quy định riêng đối tượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung thêm một số đối tượng phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. (4) Xác định rõ việc phân cấp đào tạo lý luận chính trị đối với các cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan. (5) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các bên liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. (6) Xác định rõ lộ trình cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các ban, bộ, ngành (11 cơ sở) để dừng đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Điều 3 của Quy định 57 đã giải thích từ ngữ về đào tạo lý luận chính trị (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) thể hiện sự chuẩn mực, thống nhất trong việc triển khai thực hiện Quy định. Đây là lần đầu tiên các thuật ngữ mang tính khái niệm này được đưa vào văn bản Quy định của Đảng.
Quy định 57 đã xác định rất rõ về vấn đề đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, gắn công tác đào tạo với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp, quản lý cán bộ. Ngoài ra, Quy định nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp.
Theo đó, Quy định 57 gồm 4 chương, 12 điều, phạm vi điều chỉnh là đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Đối tượng, tiêu chuẩn sơ cấp lý luận chính trị là đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, một số đố tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung, phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
Đối tượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Quy định này. Không trùng với đối tượng đào tạo sơ cấp, cao cấp. Đồng thời, lần đầu tiên quy định rõ đối tượng là cán bộ quân đội, công an. Đối tượng phải là đảng viên chính thức hoặc dự bị, tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Cán bộ hệ không tập trung, nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.
Đối tượng cao cấp lý luận chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện đến Trung ương, không trùng với đối tượng trung cấp, phải là đảng viên, tốt nghiệp đại học trở lên. Đối với hệ không tập trung, nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.
Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức quán triệt Quy định số 57 theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Theo đó, từ điểm cầu Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu huyện ủy, thành ủy trong toàn tỉnh. Sau hội nghị này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tăng cường giám sát việc triển khai nghiêm túc quy định trên nhằm đảm bảo sự đồng bộ, khắc phục hạn chế, bất cập, chồng chéo thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương tập trung thực hiện đào tạo lý luận chính trị đúng đối tượng, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin