Bảo vệ môi trường từ khâu xử lý rác thải

03:04, 05/04/2022
Chính việc thu gom, xử lý rác, nhất là rác thải có chứa COVID-19 là vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước, trong đó có cử tri Lâm Đồng bức xúc, gửi gắm Đại biểu Quốc hội để chất vấn Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Các bộ, ngành Trung ương đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến chất vấn, giải trình và có giải pháp rất cụ thể về vấn đề này. 
 
Thùng rác được bố trí khoa học, đẹp mắt tại hầu hết các vị trí công cộng trong thành phố Đà Lạt đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường
Thùng rác được bố trí khoa học, đẹp mắt tại hầu hết các vị trí công cộng trong thành phố Đà Lạt đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường
 
Rác thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh từ thực tế đã gây hệ lụy rất lớn cho môi trường và là nguồn cơn đe doạ cận kề phát triển kinh tế bền vững và cuộc sống của người dân. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, nếu chôn lấp trong lòng đất, một chai nhựa cần tới 500 năm mới tiêu hủy hết, đồ thủy tinh cần tới 4.000 năm…
 
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông cho rằng: Tình trạng quản lý chất thải rắn nói chung hiện nay vẫn đang còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang loay hoay với bài toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt sao cho đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi lượng chất thải rắn tại các đô thị và cả khu vực nông thôn ngày càng lớn, kèm theo đó là việc xử lý nguồn chất thải y tế trong đợt dịch COVID-19 vừa qua vẫn chưa được đánh giá, tính toán đảm bảo, việc xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước.
 
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, vấn đề cần phải khẩn trương tính toán hiện nay là thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ về môi trường, phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn đồng bộ, tăng cường chuyển giao công nghệ như thế nào. Với vai trò là đầu mối trong quản lý Nhà nước về chất thải rắn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, giải pháp căn cơ nào để giải quyết câu chuyện chất thải rắn đã kéo dài nhiều năm như hiện nay.
 
Tại một diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tiếp thu và giải trình về các ý kiến ĐBQH chất vấn và đưa ra giải pháp khá cụ thể. Trong đó, về xử lý chất thải rắn, tới đây Bộ sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên phải tái sử dụng, tái chế có hiệu quả. Năm 2022, Bộ sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó, nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay và sẽ công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lựa chọn. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vấn đề rất quan trọng, đó là trách nhiệm của người dân, các cơ chế chính sách, cơ chế tài chính và phải xã hội hóa được công việc này.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề rác thải luôn là vấn đề cử tri quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước vấn đề đó, về các chính sách, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như các văn bản như nghị định, thông tư hướng dẫn Luật sẽ từng bước giải quyết những tồn tại đó trong thời gian tới. 
 
Đối với rác thải y tế của những người nhiễm COVID-19, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ coi đây là vấn đề quan trọng và quản lý theo tiêu chuẩn của chất thải nguy hại; do đó, Bộ phối hợp cùng Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19.
 
Để tiếp tục tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường tập trung thực hiện giải pháp tiếp tục thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; trong đó, đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện thí điểm sớm hơn lộ trình quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong việc triển khai cơ chế phân loại rác thải tại nguồn. Triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau xử lý của mình. Khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải. Bộ cần sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Ban hành và công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam, làm cơ sở cho các địa phương triển khai. Triển khai thí điểm hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân tại một số địa phương. Bộ cần sớm ban hành các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, đảm bảo yêu cầu của bảo vệ môi trường.
 
NGUYỆT THU