Trong năm 2021, tại Lâm Đồng xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 35 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong 4 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 146 người mắc, không xảy ra trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
•
TĂNG CƯỜNG THANH TRA, KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH VÀ LIÊN NGÀNH
Trong năm 2021, ngành Y Lâm Đồng tế kiểm tra 10.202 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 1.203 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 195 triệu đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu trong quá trình kiểm tra là về điều kiện con người, vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, chất lượng sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, sổ ghi chép... Tổng số mẫu xét nghiệm 262 mẫu; trong đó, có 2 mẫu không đạt chiếm 0,8%.
Ngành Nông nghiệp kiểm tra 187 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 1 cơ sở vi phạm, phạt 12 triệu đồng. Đối với các cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục và sẽ tiến hành tái kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua xếp loại đã yêu cầu các cơ sở khắc phục các lỗi, do đó nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những bước tiến nhất định về điều kiện đảm bảo ATTP. Tổng số mẫu xét nghiệm 64 mẫu, kết quả phân tích không có mẫu vi phạm.
Ngành Công thương kiểm tra 271 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp, phát hiện 4 cơ sở vi phạm, xử phạt 60 triệu đồng. Qua các đợt kiểm tra, hầu hết các cơ sở, đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ vi phạm về không thực hiện khám sức khỏe cho đối tượng thuộc diện phải khám, không thực hiện xác nhận kiến thức ATTP, một số cơ sở mua, bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh đã phát hiện 64 vụ vi phạm các quy định về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính 62 vụ với tổng số tiền là gần 360 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3,6 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra 16 trường hợp về việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền về quảng cáo thực phẩm. Xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng internet do quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, xử phạt 12,5 triệu đồng.
Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân năm 2022, tổ chức kiểm tra ATTP định kỳ và đột xuất trong quý 1/2022, tổng số có 162 đoàn thanh, kiểm tra, đã tiến hành kiểm tra 2.920 cơ sở. Kết quả, có 2.713 cở sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện ATTP (chiếm 92,9%), có 207 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (tỷ lệ 7,1%); nhắc nhở, chấn chỉnh 177 cở sở; xử lý vi phạm đối với 30 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 110 triệu đồng.
•
GIÁM SÁT, PHÒNG NGỪA, CẢNH BÁO NGUY CƠ THỰC PHẨM MẤT AN TOÀN
Các ngành đã triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP, đảm bảo sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu giám sát đối với các mẫu vật tư nông nghiệp và mẫu sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả có 18/70 mẫu vật tư nông nghiệp không đạt (chiếm 25,7%) và 81/1.158 mẫu sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không đạt (chiếm 6,99 %).
Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát, lấy 102 mẫu nước uống đóng chai của 60 cơ sở nhãn hiệu đang lưu thông tại địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đạ Huoai; lấy 90 mẫu rau của 14 cơ sở và 2 mẫu cà phê của 2 cơ sở có thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” khu vực thành phố Đà Lạt và Lạc Dương thuộc nhiệm vụ “Đánh giá chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị nông sản phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Kết quả, đối với mẫu rau, quả tươi, các chỉ tiêu về kim loại nặng đều đạt, 100% mẫu đều không bị nhiễm vi sinh vật, có 81/90 mẫu (chiếm 90%) có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế, còn 9/90 mẫu (chiếm 10%) nhiễm hoạt chất aldrin vượt ngưỡng tối đa cho phép của Thông tư số 50/2016/TT-BYT, đặc biệt, có những mẫu có hàm lượng aldrin vượt ngưỡng hơn 13 lần giới hạn tối đa cho phép. Đối với mẫu cà phê bột 2/2 mẫu đều đạt các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
•
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC HẬU KIỂM ATTP
Năm 2022, để thực hiện công tác đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh đề nghị các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương, UBND các cấp tập trung hoàn thiện, đổi mới, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm ATTP; tổ chức triển khai công tác quản lý ATTP tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.
Ngành Y tế tập trung công tác đảm bảo ATTP, phòng, chống NĐTP tại các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, trường học và thức ăn đường phố, đặc biệt, trong các đợt cao điểm, dịp lễ hội. Phối hợp với ngành Công thương kiểm soát phụ gia, hóa chất dùng trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; phối hợp với ngành Thông tin - Truyền thông tăng cường quản lý việc quảng cáo, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát triển chuỗi thực phẩm an toàn. Phối hợp với Hội Nông dân đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn cho nông sản.
Ngành Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nhân rộng mô hình chuỗi kinh doanh thực phẩm có kiểm soát, giảm dần tỉ lệ thực phẩm tiêu dùng ở các chợ dân sinh, chợ tư phát, chợ cóc, chợ tạm. Tăng dần tỉ lệ thực phẩm tiêu dùng trong các siêu thị, chợ có kiểm soát ATTP.
UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát về đảm bảo ATTP tại các bếp ăn trường học, thức ăn đường phố trên địa bàn. Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng thời gian Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Trong đó, cần chú ý ngộ độc do nấm độc và mùa hè, ngộ độc các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, không để xảy ra tình trạng mất ATTP, xử lý kịp thời đối với sản phẩm, thực phẩm mất an toàn.
oạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP, cơ sở không có giấy Chứng nhận đủ điều kiện ATTP thuộc đối tượng phải cấp. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông nâng cao kiến thức đảm bảo ATTP trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn.
Thường xuyên giám sát và nắm bắt kịp thời thông tin vụ ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra, xác minh; phối hợp các cơ quan liên quan truy xuất nguồn gốc; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vụ ngộ độc xảy ra và phòng, chống lây lan ra cộng đồng. Tổ chức giám sát ATTP khi có các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn. Triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực đối với các thực phẩm, nhóm thực phẩm nguy cơ trên địa bàn toàn tỉnh.
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng cho biết: Năm 2021, Ngành Y tế tiến hành giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn tại huyện Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, kết quả có 47/63 mẫu không đạt (chiếm 74,6%). Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm có nguy cơ cao tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh với kết quả: 54/85 mẫu đạt các chỉ tiêu vi sinh (chiếm 63,5%); 78/90 mẫu đạt các chỉ tiêu hóa học (chiếm 86,6%).
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin