Chung tay vì người nghèo

06:04, 15/04/2022
Với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động trên địa bàn và đạt được những kết quả đầy tích cực.
 
Một hộ dân người dân tộc thiểu số tại buôn Hang Hớt, xã Mê Linh, Lâm Hà đang chuẩn bị cây để xuống giống trong đầu mùa mưa
Một hộ dân người dân tộc thiểu số tại buôn Hang Hớt, xã Mê Linh, Lâm Hà đang chuẩn bị cây để xuống giống trong đầu mùa mưa
 
•  MỤC TIÊU CỤ THỂ 
 
Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nghị quyết và chương trình hành động, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 1,0% - 1,5% trong năm 2021, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 3%. 
Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng dân cư cùng tích cực tham gia với chính quyền, đoàn thể trong công tác giảm nghèo; lồng ghép các chương trình, dự án; xây dựng các mô hình giảm nghèo; tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân.
 
Tỉnh cũng đã huy động các nguồn lực xã hội và lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo để tạo hiệu quả cao, bền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. 
 
Cùng đó, Lâm Đồng cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
 
•  PHỐI HỢP CÁC NGUỒN VỐN
 
Theo UBND tỉnh, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm 538,18 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 15,19 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 523 tỷ đồng. 
 
Trong tổng nguồn vốn trên, vốn Chương trình mục tiêu Xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh 165,19 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững 220,9 tỷ đồng và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh với trên 152 tỷ đồng. 
 
Căn cứ nguồn vốn trên, tỉnh đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị có liên quan để triển khai các hoạt động, cơ bản đến cuối năm, hầu hết đã được giải ngân theo tiến độ, trong đó, nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2021 và nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021 đều giải ngân đạt 100%.
 
Cụ thể, trong xây dựng NTM, Chương trình đã tập trung vào công tác quy hoạch xây dựng NTM cấp xã, huyện; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa, phát triển giáo dục - y tế, đảm bảo môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. 
 
Với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021, Lâm Đồng đã hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho 233.435 người dân sinh sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí 123,97 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn, nhà ở cho học sinh và cho các trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 6.426 học sinh, tổng số tiền trên 23,36 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho 3.707 học sinh với 193,2 tấn; hỗ trợ cho 479 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số với kinh phí 2,72 tỷ đồng; hỗ trợ cho tổ chức, đơn vị sử dụng 210 lao động là người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. 
 
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 168.281 thẻ Bảo hiểm Y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chương trình cũng có nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ vay vốn cho rất nhiều các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay vốn làm nhà ở, vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân tộc thiểu số, vay giải quyết việc làm, vay xuất khẩu lao động. 
 
Ngoài ra, Chương trình còn dành kinh phí hỗ trợ tiền điện cho 4.488 hộ nghèo với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí cho 5.941 học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh đang sinh sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 1,47 tỷ đồng; hỗ trợ trên 500 triệu đồng chi phí học tập cho 1.142 học sinh thuộc hộ nghèo. 
 
Cùng đó, tỉnh cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; an sinh xã hội. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các đối tượng chính sách khó khăn được phụng dưỡng, giúp đỡ; hằng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; trong năm, cho rà soát nhu cầu hỗ trợ, cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng 392 căn (gồm xây mới 164 căn, sửa chữa 228 căn); thực hiện 55 căn nhà tình nghĩa (xây mới 22 căn, sửa chữa 33 căn), trợ cấp Tết Nguyên đán Tân Sửu cho 4.478 hộ nghèo với trên 2,4 tỷ đồng; hộ cận nghèo 11.377 hộ với gần 4 tỷ đồng.
 
KHƠI Ý CHÍ CHỦ ĐỘNG VƯƠN LÊN 
 
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm xuống còn 0,99%, giảm 0,33% so với năm 2020; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2,77%, giảm 0,81%. 
 
Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 9.731 hộ, chiếm 2,87% số hộ toàn tỉnh, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có 6.739 hộ, chiếm 8,55% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
 
Trong năm nay, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh chủ trương chính sách về giảm nghèo bền vững đến mọi tầng lớp Nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và tạo chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 
 
Các địa phương, đơn vị cần tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; công khai minh bạch trong rà soát hộ nghèo; triển khai kịp thời đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung, nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhóm nghèo nhất và của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh cũng yêu cầu không huy động sự đóng góp của gia đình nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
 
VIẾT TRỌNG