Ngày 14/1/2022, UBND tỉnh có Văn bản số 314/UBND-LN về việc tạm dừng khai thác trắng rừng trồng thông 3 lá giai đoạn 2021 - 2025 của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đơn cử thực tế của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, cần giải pháp, biện pháp nào để tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp?
|
Tuần tra, kiểm tra rừng giáp ranh Bình Thuận của Công ty LN Di Linh quản lý, bảo vệ. |
•
ĐỊA BÀN LÂM PHẦN KHÓ KHĂN
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Di Linh (gọi tắt Công ty LN Di Linh) là đơn vị trong số công ty LN nhà nước ở Lâm Đồng nhiều năm dẫn đầu về những thành tích quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp Công ty được giao quản lý 26.935,40 ha. Gồm 50 tiểu khu nằm trên địa bàn các xã Gung Ré, Sơn Điền, Gia Bắc, Liên Đầm, Bảo Thuận và Hoà Bắc của huyện Di Linh. Trong đó, đất rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu là 2.262,70 ha; đất rừng sản xuất: 24.672,70 ha. Tổng số cán bộ quản lý và người lao động của Công ty LN Di Linh đến nay là trên 100 người.
Tháng 3/2022, chúng tôi cùng ngành Kiểm lâm tỉnh và huyện Di Linh kiểm tra lâm phần của Công ty LN Di Linh. Công ty có địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh phân tán, các đơn vị trực thuộc nằm sâu trong rừng, cách xa nhau, giao thông đi lại khó khăn, có những vùng rừng giáp ranh tỉnh Bình Thuận rất trở ngại trong việc tuần tra, kiểm tra QLBVR. Khi chúng tôi có mặt tại xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, khu vực rừng giáp ranh do Công ty LN Di Linh QLBV, Giám đốc Công ty Trương Văn Hiếu cho biết, Công ty mới làm công văn gửi Công an huyện Di Linh đề nghị điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi tấn công lực lượng QLBVR và cướp đoạt phương tiện vi phạm tại Tiểu khu 740. Đó là 4 đối tượng cư ngụ tại huyện Bắc Bình: Tèo Bá, Mang Khánh, Mang Nhi, Mang Rao và khoảng hơn 10 đối tượng khác chưa xác định được danh tính.
•
HOÀN THÀNH NHIỀU CHỈ TIÊU
Tuy địa bàn khó khăn nhưng quả đúng như đánh giá của ông Lê Đình Việt - Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng: Đây là Công ty nhiều năm đứng đầu về hoàn thành tốt nhiệm vụ. Rừng trồng được trồng, chăm sóc QLBV tương đối tốt, hệ thống đường vận xuất, vận chuyển thuận lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, nhất là tại Xí nghiệp Khai thác - Chế biến lâm sản, từ khâu khai thác, vận chuyển đến chế biến từ nguyên liệu gỗ rừng trồng, đã tạo việc làm ổn định cho lao động sản xuất trực tiếp tại Xí nghiệp. Công tác QLBVR, so cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm giảm 3 vụ (tương ứng giảm 23,08%); khối lượng thiệt hại giảm 12,247 m3 (tương ứng giảm 58,71%); xác định được đối tượng 9/10 vụ, chiếm 90%. Công tác PCCCR mùa khô 2020 - 2021, không để xảy ra vụ cháy rừng nào làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Năm 2021, Công ty phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia trồng rừng và cùng đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát các quy trình kỹ thuật, đảm bảo diện tích và chất lượng cây trồng. Kết quả đã trồng 80.252 cây, đạt 99,6% kế hoạch (trồng xen 22.252 cây, trồng cây xanh 58.000 cây). Năm 2021, tổng doanh thu của Công ty đạt 39.126/ 40.046 triệu đồng (98%); lợi nhuận trước thuế 1.300 triệu đồng; nộp ngân sách 2.800 triệu đồng; thu nhập bình quân 10,2 triệu đồng/người/tháng… Tháng 5/2021, Công ty đã được tổ chức GFA đánh giá lại công tác triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC; Hội đồng quản trị rừng quốc tế FSC tiếp tục duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững…
•
NHIỀU KHÓ KHĂN KHI DỪNG KHAI THÁC RỪNG
Đến nay Công ty LN Di Linh cơ bản hoàn thành đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để chủ động từ khâu khai thác đến chế biến sản phẩm hoàn chỉnh, tổng vốn đầu tư trên 30,7 tỷ đồng, năng lực chế biến khoảng 9.000 m3/năm. Tuy nhiên, căn cứ vào sản lượng tỉa thưa định kỳ hiện nay, mới chỉ đáp ứng được 50% năng lực xưởng chế biến. Vừa qua, công ty phải chấm dứt hợp đồng 20 lao động, lực lượng lao động còn lại phục vụ cho xưởng 30 người với chi phí tiền lương là 1,8 tỷ đồng/năm. Trong lúc, theo quy định, hàng năm đơn vị phải trích hơn 1,9 tỷ đồng tiền khấu hao máy móc, thiết bị nhà xưởng, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tài chính của doanh nghiệp. Đó còn là khó khăn trong cân đối nguồn chi từ hoạt động khai thác chế biến để chi trả lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trồng, xây dựng phương án QLR bền vững, duy trì chứng chỉ rừng quốc tế FSC phải nộp phí đánh giá hàng năm cho tổ chức đánh giá GFA trên 200 triệu/năm; các hoạt động hỗ trợ người dân, địa phương theo phương án quản lý rừng bền vững không thể thực hiện được. Cũng do không có doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn thu chủ yếu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ công ích QLBVR, trong khi chi phí cố định không đổi, nguy cơ lãng phí tài sản rất lớn. Hệ lụy là phá vỡ hợp đồng, hợp tác đầu tư, gây thiệt hại lớn với đối tác đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo mục tiêu chế biến tinh chế lâm sản... Đó còn là kéo theo những khó khăn về mặt xã hội, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
•
GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP THÁO GỠ
Nhằm tạo điều kiện cho các công ty LN nói chung, trong đó có Công ty LN Di Linh tháo gỡ khó khăn khi tạm dừng khai thác trắng rừng trồng, lãnh đạo Công ty LN Di Linh đã đề xuất một số giải pháp. Bao gồm: Tăng đơn giá và kinh phí đặt hàng quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Cho phép các đơn vị chủ rừng tự QLBVR trong diện tích thuộc lưu vực chi trả DVMTR. Tạo điều kiện cho công ty tạm dừng trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi được phép khai thác rừng trồng trở lại. Công ty cũng đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí để duy trì chứng chỉ rừng bền vững FSC. Hàng năm, cho phép các công ty đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC khai thác từ 20 - 30 ha rừng trồng đến tuổi thành thục (trên 25 năm tuổi), nhằm tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận để các công ty tiếp tục duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Cùng đó, cho các công ty được gieo ươm sản xuất xây cây giống trồng rừng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động.
Được biết, sau khi thống nhất với các sở, ngành có liên quan, ngày 17/3/2022, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Võ Danh Tuyên cũng ký Công văn số 68 gửi UBND tỉnh đề xuất, giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của các công ty LN trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc thống nhất với một số đề xuất của Công ty LN Di Linh, một số nội dung khác được đề nghị đến UBND tỉnh. Đó là giao các công ty LN xây dựng đề xuất điều chỉnh đơn giá đặt hàng QLBVR đối với diện tích rừng tự nhiên trong và ngoài lưu vực chi trả DVMTR; không trừ vào đơn giá đặt hàng đối với diện tích rừng tự nhiên nằm trong lưu vực chi trả DVMTR... Chỉ định cho các công ty LN có nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến tinh chế được mua gỗ tận dụng giải phóng mặt bằng từ các công trình xây dựng của tỉnh và nguồn nguyên liệu tỉa thưa nuôi dưỡng rừng tại các ban quản lý rừng (nếu có). UBND các huyện ưu tiên đặt hàng cho các công ty LN trên địa bàn được ươm cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng, trồng 50 triệu cây xanh. Cho phép các công ty LN chấm dứt hợp đồng giao khoán diện tích rừng tự nhiên nằm ngoài lưu vực DVMTR cho các tập thể, để điều chuyển một số hộ dân đang nhận khoán bảo vệ rừng DVMTR sang nhận khoán số diện tích đó và các công ty được tự QLBV số diện tích giao khoán DVMTR đã hoán đổi, điều chuyển nêu trên...
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin