Đạ Tẻh: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản

05:04, 27/04/2022
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, huyện Đạ Tẻh đã tập trung việc thực hiện kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện. Qua đó, hoạt động khai thác khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. 
 
Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đạ Tẻh từng bước đi vào hoạt động có nền nếp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với địa phương
Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đạ Tẻh từng bước đi vào hoạt động có nền nếp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với địa phương
 
Huyện Đạ Tẻh nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên là 526,9 km 2. Hiện, toàn huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường với trữ lượng khoảng 10 triệu m 3 gồm: cát, sỏi, đất san lấp, đất sét, gạch ngói và đá xây dựng... 
 
Trong những năm qua, việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản luôn được các cấp, ngành chức năng của huyện Đạ Tẻh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, gắn với bảo vệ môi trường. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo, quản lý đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đạ Tẻh cho biết: Hầu hết các đơn vị đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đều chấp hành nghiêm và thực hiện theo đúng các quy định; đồng thời, thực hiện khá tốt các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác theo cam kết, không gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường khu vực khai thác; rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất trong khu vực các mỏ đều được thu gom xử lý đảm bảo môi trường, không để bừa bãi.
 
Mặc khác, UBND huyện Đạ Tẻh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thành lập đoàn liên ngành của UBND huyện kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và việc chấp hành pháp luật về thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. 
 
Chính vì vậy, từ năm 2019-2021, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh chỉ xảy ra 2 vụ vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Bùi Thị Thư với số tiền 25 triệu đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép với khối lượng 36 m3; tiến hành tịch thu 1 máy múc nhãn hiệu Kato HD 450 và đang làm thủ tục bán đấu giá, buộc chủ sai phạm phải thực hiện các biện pháp cải tạo phục hồi môi trường khu vực đã khai thác. Bên cạnh đó, UBND huyện Đạ Tẻh cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối Công ty TNHH Phước Tiến với số tiền 90 triệu đồng, tịch thu hơn 4,7 triệu đồng do tiêu thụ158 m 3 đất trái phép, yêu cầu công ty nộp 45 triệu đồng bằng giá trị xe múc do Công ty TNHH Phước Tiến thuê để khai thác trái phép, buộc thực hiện các biện pháp cải tạo phục hồi môi trường khu vực đã khai thác. 
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Xác định khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia, chính vì vậy, việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài luôn được các cấp, chính quyền huyện Đạ Tẻh chú trọng thực hiện. 
 
Đặc biệt, các cấp, chính quyền và ngành chức năng của huyện Đạ Tẻh đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường được chú trọng; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị và quần chúng Nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các xã, thị trấn được tổ chức thường xuyên, kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản từng bước đi vào hoạt động có nền nếp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và có trách nhiệm chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
 
Ngoài ra, công tác quản lý khoáng sản ở các vùng giáp ranh với huyện Tân Phú, huyện Cát Tiên, huyện Đạ Huoai cũng được huyện Đạ Tẻh quan tâm thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, phối hợp thực hiện tốt các nội dung trong quy chế phối hợp quản lý khoáng sản giữa 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước.
 
HOÀNG SA