Đơn Dương: Quyết liệt tháo dỡ nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp

01:04, 25/04/2022
Hàng chục ha nhà kính, nhà lưới sản xuất trên đất lâm nghiệp tại Đơn Dương đã được tháo dỡ, nhờ công tác tuyên truyền, vận động người dân và sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác kiểm tra, xử lý, tháo dỡ công trình, nhà lưới, nhà kính xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. 
 
Một diện tích nhà lưới trên địa bàn huyện đã được tháo dỡ
Một diện tích nhà lưới trên địa bàn huyện đã được tháo dỡ
 
Là một trong những địa phương có mức độ bao phủ rừng khá lớn của tỉnh, Đơn Dương có trên 40 ngàn ha diện tích đất lâm nghiệp, bao gồm hơn 23 ngàn ha rừng sản xuất và hơn 17 ngàn ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, theo thống kê của huyện, trên địa bàn có hơn 14 ha, thuộc 41 hộ, diện tích xây dựng nhà lưới, nhà kính trái phép trên đất thuộc diện quy hoạch lâm nghiệp. Cụ thể, trong số hơn 14 ha đó, có 13,88 ha diện tích nhà lưới của 38 hộ và 0,855 ha nhà kính thuộc ba hộ còn lại. Các công trình này phần lớn đã tồn tại khá lâu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của môi trường rừng tự nhiên lẫn công tác quản lý và bảo vệ rừng.
 
Để giải quyết triệt để thực trạng này, từ giữa 6/2021, huyện đã thành lập Tổ công tác nhằm kiểm tra, xử lý, tháo dỡ công trình, nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Theo ông Đặng Quốc Thái Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương, Tổ công tác đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều đợt rà soát, kiểm tra và vận động tuyên truyền các hộ dân tự nguyện và chủ động tháo dỡ nhà kính, nhà lưới, trả lại hiện trạng ban đầu cho Nhà nước để thực hiện việc trồng và tái tạo môi trường sinh thái rừng. Tuy nhiên, nếu hết thời hạn cho phép mà các hộ không hoàn thành thực hiện việc tháo dỡ thì các xã sẽ thành lập các tổ cưỡng chế theo quy định dưới sự chỉ đạo của UBND huyện. 
 
Do phần lớn công trình nhà kính, nhà lưới trái phép trên đã được người dân xây dựng và sử dụng từ lâu, canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đang cho thu hoạch như ớt chuông, cà chua, hoa… nên quá trình giải tỏa và tháo dỡ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. “Đối với những trường hợp này, ngoài việc kiểm tra, xác nhận lại thông tin về quyền sử dụng đất, tổ công tác sẽ kiên trì khéo léo tuyên truyền, vận động để bà con thấu hiểu và tự nguyện tháo dỡ công trình. Đặc biệt, với những hộ có diện tích đất sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế và đang cho thu hoạch, tổ sẽ dành thời gian cho bà con thu hoạch nông sản rồi mới tháo dỡ” - ông Bình cho hay. 
 
Sau hơn 9 tháng kiên trì và quyết liệt thực hiện, đến cuối tháng 3/2022, huyện Đơn Dương đã tháo dỡ được 13,93 ha diện tích xây dựng trái phép (13,63 ha nhà lưới và 0,305 ha nhà kính) của 40 nông hộ (38 hộ nhà lưới, 2 hộ nhà kính) - duy chỉ còn 0,55 ha nhà lưới của một hộ là chưa thực hiện tháo dỡ được. Về trường hợp nhà lưới chưa tháo dỡ được này, Tổ công tác đã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đơn Dương đo đạc, xác định ranh giới đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Kết quả xác minh cho thấy, số diện tích 0,55 ha nhà kính của hộ này thuộc diện quy hoạch đất lâm nghiệp. Đặc biệt, với trường hợp này Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã mời lên làm việc nhiều lần nhưng hộ không thực hiện. Do vậy, huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Dự kiến, trong tháng 7 này, Đơn Dương sẽ hoàn tất giải quyết việc tháo dỡ công trình, nhà lưới, nhà kính xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp” - ông Bình nhấn mạnh. 
 
Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tránh tái phạm, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi trồng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích. Qua tìm hiểu, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình khu vực, vùng đất vừa được giải tỏa rất phù hợp để trồng macca. Ngoài ra, macca lại có độ che phủ lớn hơn rất nhiều so với các loại cây nông nghiệp (ớt chuông, hoa, cà chua) mà bà con trồng trước đây, do đó, giúp giữ ẩm, cải thiện chất đất và khôi phục sự đang dạng sinh học rừng. Đặc biệt hơn hết, macca có giá trị kinh tế cao, giúp bà con yên tâm sản xuất, cải thiện thu nhập. Từ những lợi ích thiết thực đó và sự tích cực vận động của chính quyền, đến nay, các hộ đều thống nhất chuyển đổi trồng sang cây macca và công tác gieo trồng sẽ được thực hiện mùa mưa sắp tới khi mà thời tiết phù hợp với khả năng tồn tại và sinh trưởng của cây giống. 
 
Việc xây dựng công trình nhà lưới, nhà kính và canh tác sai mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp gây ra nhiều hệ lụy với môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Với sự quyết liệt trong hành động và mềm dẻo trong tuyên truyền, vận động của mình, Đơn Dương về cơ bản đã xử lý được những sai phạm này. Tuy nhiên, để các hộ trong diện giải tỏa yên tâm canh tác và tránh tái vi phạm, huyện đã giao cho các đơn vị chủ rừng và UBND các xã tiếp tục kiểm tra, theo dõi và xử lý các trường hợp tự ý làm lại. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra để ngăn chặn, xử lý việc xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp khi mới manh nha khởi phát. 
 
NHẬT QUỲNH