Liên kết nuôi hươu lấy nhung

06:04, 13/04/2022
Từ những bước chập chững ban đầu với nghề nuôi hươu lấy nhung đến khi xây dựng thương hiệu “Nhung hươu Trường Sinh” đã có chỗ đứng trên thị trường. Sau 14 năm gắn bó với nghề, đến nay, trang trại của anh Lê Xuân Sinh (40 tuổi, Phường 6, TP Đà Lạt) đã có chuỗi liên kết với hơn 200 hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và nhiều tỉnh, thành từ Bắc đến Nam.
 
Với chi phí thấp và kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nghề nuôi hươu lấy nhung đang mang lại thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi
Với chi phí thấp và kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nghề nuôi hươu lấy nhung đang mang lại thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi
 
Bắt đầu nuôi hươu lấy nhung từ năm 2009 và mở rộng quy mô qua từng năm, anh Lê Xuân Sinh được biết đến là một trong những người đầu tiên phát triển mạnh nghề nuôi hươu lấy nhung tại tỉnh Lâm Đồng. Hiện tại, với hình thức liên kết cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, anh Sinh đang liên kết với nhiều hộ chăn nuôi tại 12 huyện, thành trong tỉnh và các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận,...
 
Với quan điểm phát triển theo hướng bền vững, trước khi quyết định có liên kết với hộ dân tại địa phương nào hay không, anh Sinh thường phải khảo sát trước điều kiện thực tế tại địa phương đó. Có ba yếu tố được chủ thương hiệu Nhung hươu Trường Sinh đặc biệt chú trọng ưu tiên, gồm: sự tâm huyết với nghề của người nuôi, vùng nguyên liệu với nguồi thức ăn dồi dào và giao thông thuận tiện. “Điều này giúp người nuôi gắn bó với nghề, đồng thời tối giản hóa các chi phí để giúp người nuôi nâng cao lợi nhuận” - anh Sinh chia sẻ. Sản phẩm nhung hươu của tất cả các chi nhánh liên kết sản xuất ra sẽ được anh Sinh thu mua lại, kiểm soát chất lượng để mang thương hiệu Nhung hươu Trường Sinh trước khi đưa ra thị trường.
 
Anh Sinh cho biết: “Chuồng trại nuôi hươu khá đơn giản, thức ăn lại càng đơn giản hơn, chủ yếu là cỏ và các loại rau, củ, người nuôi có thể tận dụng triệt để những cây trong vườn. Vì vậy, chi phí khi nuôi hươu của người dân tại Lâm Đồng khá thấp, nhưng giá bán nhung trên thị trường lại ổn định và cao, nên người dân có lợi nhuận khá lớn”.
 
Năm 2011, anh Sinh xây dựng và đăng ký thương hiệu Nhung hươu Trường Sinh. Từ năm 2013, sản phẩm của anh đã bắt đầu được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với số lượng lớn, có giá 20 triệu đồng/kg. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên phần lớn sản phẩm nhung hươu Trường Sinh quay trở lại cung cấp cho thị trường trong nước, với giá trung bình 22 - 25 triệu đồng/kg.
 
Hiện, ngoài hàng chục hộ dân liên kết trong tỉnh và gần 200 hộ liên kết tại các tỉnh, thành khác, anh Lê Xuân Sinh đang có riêng trang trại chuyên nuôi hươu giống và nuôi hươu lấy nhung đặt tại huyện Lâm Hà và Di Linh. Mỗi năm, anh thu được khoảng 25 kg nhung hươu từ trang trại của mình và cung cấp từ 500 - 600 con giống cho các chi nhánh liên kết. Tổng doanh thu của tất cả các hộ liên kết trong năm 2021 đạt khoảng 80 tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ chăn nuôi.
 
Mẹ anh Sinh, bà Trần Thị Xạ (Đội 7, Thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) là người trực tiếp chăn nuôi và chăm sóc đàn hươu gần 40 con tại trang trại ở nhà. Bà Xạ cho biết: “Thực tế, hươu rất dễ nuôi, ít đau ốm nên ít rủi ro, càng chăm sóc kỹ thì càng làm mất bản năng của động vật hoang dã. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm. Vào mùa sinh sản của hươu cái và mùa cắt nhung của hươu đực thì tôi bổ sung thêm cho chúng ăn các loại tinh bột như ngô, đậu tương, gạo nếp, đậu xanh để tăng sức đề kháng cho hươu. Mỗi con hươu một năm cho thu nhung 2 lần, trung bình mỗi lần 0,5 kg”. Theo bà Xạ, hươu là loài động vật khỏe mạnh, chỉ thường mắc bệnh tiêu chảy nếu thức ăn bị ẩm ướt. Thế nên, điều cần lưu  ý vào mùa mưa là cỏ phải để thật ráo nước mới cho hươu ăn. Lúc hươu bị tiêu chảy cũng chỉ cần dùng những loại lá tự nhiên để chữa như lá xoan, lá mơ, chuối xanh để chữa, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc.
 
Để có được sự phát triển với quy mô rộng như hôm nay, anh Lê Xuân Sinh đã trải qua không ít thử thách ban đầu, khi anh từ một thầy giáo dạy âm nhạc khởi nghiệp cách đây 14 năm. Bắt đầu với 30 con giống mua từ miền Bắc với số vốn hơn 370 triệu đồng vay mượn, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và không có chuyên môn, những bài học của anh được đúc kết từ những lần thất bại, hươu chết đến 1/3 đàn vào năm thứ hai rồi lại gầy dựng mạnh mẽ vào năm thứ ba. Thế nên, anh luôn tâm niệm, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình để chia sẻ với các hộ dân, chi nhánh mà mình liên kết. 
 
Thời điểm hiện tại, một cặp hươu giống con 6 tháng tuổi có giá thành hơn 25 triệu  đồng, 1 cặp hươu trưởng thành sẽ có giá khoảng 50 triệu đồng. Hiện, toàn bộ số lượng nhung hươu tươi trong toàn hệ thống trang trại Nhung hươu Trường Sinh đều được đặt trước từ 1-2 tháng nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Bên cạnh cung cấp nhung tươi, anh Lê Xuân Sinh hiện còn chế biến các sản phẩm như nhung hươu ngâm rượu, nhung hươu sấy và nhung hươu cắt lát. Định hướng trong thời gian tới, anh Sinh cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và số lượng liên kết với các hộ chăn nuôi để có thêm sản phẩm, cung ứng cho nhu cầu ngày càng lớn của thị trường trong và ngoài nước.
 
V.QUỲNH - C.THÀNH