Nhiều giải pháp đang được ngành Giao thông Vận tải Lâm Đồng đưa ra nhằm tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
|
Sửa chữa một đoạn đường bị sạt do mưa trên Quốc lộ 27 tại Đơn Dương |
•
3.500 TỶ ĐỒNG CHO GIAO THÔNG TRONG TỈNH
Theo Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, trong thời gian qua đã có không ít các chương trình cụ thể để thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tập trung hoàn thành nhiều dự án trọng điểm về giao thông, tạo động lực không nhỏ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành việc đầu tư các đoạn tránh quốc lộ (QL) như đoạn tránh QL20 qua thành phố Bảo Lộc dài 15,4 km; QL 27 tránh sân bay Liên Khương dài 6,1 km. Tỉnh cũng xây dựng tuyến đường tỉnh ĐT 724 dài 49 km; xây dựng cầu Phước Cát trên đường ĐT 721 để kết nối với Bình Phước; xây dựng tuyến đường ĐT 729 dài 19,5 km (đoạn ĐH 412- ĐH 413) qua địa bàn huyện Đơn Dương; xây dựng tuyến đường B’Sa - Đạ P’Loa dài 10,2 km trên địa bàn huyện Đạ Huoai thuộc quy hoạch đường tỉnh ĐT 721.
Ngành Giao thông cũng đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các đoạn cao tốc từ Tân Phú (Đồng Nai) đến Bảo Lộc và từ Bảo Lộc đến Liên Khương theo phương thức đối tác công tư theo yêu cầu của tỉnh. Trên trục đường cao tốc này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên kế hoạch bố trí vốn để sớm đầu tư đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025, tạo động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong đó có Lâm Đồng.
Đến nay, các công trình giao thông trọng yếu như đường tỉnh ĐT 722 nối với tỉnh Đắk Lắk, đường ĐT 729 nối với tỉnh Bình Thuận, đoạn Ma Nới - Tà Năng nối với tỉnh Ninh Thuận, cầu Mỏ Vẹt nối tỉnh Đồng Nai đang được Lâm Đồng cùng các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận xúc tiến đầu tư để phấn đấu hoàn thành trước năm 2025.
Đặc biệt, với QL 28B - con đường ngắn nhất kết nối với QL 1A và đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông theo trục Đông - Tây, đã được Bộ Giao thông Vận tải bố trí nguồn vốn để hoàn thành trước 2025, giúp các tỉnh trong khu vực, trong đó có Lâm Đồng phát huy các tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt, phát triển tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - Thành phố Hồ Chí Minh.
Lâm Đồng cũng đang tập trung cân đối để bố trí khoảng 3.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường tỉnh, đường vành đai, đường tránh đô thị, kiên cố các cầu trên đường tỉnh... mở rộng liên kết giao thông vùng huyện, liên kết đô thị, kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp và bảo đảm đồng bộ quy mô hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
• ĐỒNG BỘ HÓA HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Nhiều giải pháp đã được Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đưa ra trong thời gian đến nhằm phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông của tỉnh một cách đồng bộ; nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng đầu tư công; tăng cường kết nối liên vùng; đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, văn hoá, du lịch và an ninh quốc phòng,; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải với giá cả phù hợp, bảo đảm an toàn, tiện lợi và giảm thiểu tai nạn giao thông; phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế trong tỉnh.
Trước mắt Sở cho biết, sẽ phối hợp các sở, ngành tiếp tục tham mưu tỉnh các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh; tích hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải trong quy hoạch vùng tỉnh theo Luật Quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngành cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành Trung ương tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định số 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt; đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước theo hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Tỉnh cũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong huy động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, sớm triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng gồm đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các tuyến QL27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), QL55, QL27C,... mở rộng, khai thác các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Liên Khương; nâng cấp sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E; tổ chức nghiên cứu, từng bước đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia.
Ngành sẽ tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo các chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn, dài hạn; tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình giao thông kết nối vùng gồm các tuyến đường tỉnh ĐT 721, ĐT 722, ĐT 729, đường vành đai, đường tránh đô thị thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các trục kết nối liên vùng huyện…; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng nâng cao tối đa khả năng, chất lượng phục vụ, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông, ứng dụng giải pháp giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, Sở sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải; tăng cường công tác quản lý, bảo trì, ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác tư vấn, giám sát độc lập nhằm nâng cao chất lượng công trình, kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.
Ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm; tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, siết chặt kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin