Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc cấp mã số vùng trồng thực tế còn một số bất cập nhất định.
|
Lâm Đồng có diện tích sầu riêng lớn, nhiều vùng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, mới đây đơn vị đã có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị huỷ 72 mã số vùng trồng đã cấp cho 6 loại cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Lý do đề nghị huỷ 72 mã số vùng do qua rà soát, kiểm tra thực tế tại các địa phương đơn vị xác định 47 mã số vùng trồng không có diện tích sản xuất, trường hợp có diện tích sản xuất mã số vùng trồng nhưng lại nhỏ, lẻ không đạt diện tích tối thiểu được cấp theo theo Tiêu chuẩn 774:2020/BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thậm chí, 25 mã số vùng trồng có diện tích sản xuất tối thiểu theo quy định nhưng không xác định được chủ thể.
Trước đó, từ đầu năm 2019 tới nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 72 mã số vùng trồng cho 6 loại cây trồng tại Lâm Đồng và 4 cơ sở đóng gói sản xuất. Các loại cây trồng được đăng ký, gồm mít, chuối, thanh long, xoài, chôm chôm và dưa hấu trên diện tích khoảng 300 ha trên địa bàn tỉnh, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng, đại diện Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho hay, thời điểm Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng cho một số cây ăn quả như mít, chuối, thanh long, đơn vị rất bất ngờ vì địa phương không có các chủng loại cây trồng nêu trên. Do đó, sau khi rà soát lại các mã số vùng trồng được cấp nhưng không có chủ thể hoạt động, không đúng chủng loại, Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc đã có báo cáo và đề nghị hủy các mã số vùng trồng nêu trên.
Tương tự tại các địa phương khác như TP Đà Lạt, huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đam Rông, Đơn Dương,… nhiều loại cây trồng khi được Cục Bảo vệ thực vật đăng ký cấp mã vùng trồng nhưng thực tế qua kiểm tra, đối chiếu với các quy định mới nhất về Tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV đều không đạt. Trong đó, phổ biến nhất là các vùng trồng được cấp mã số không có chủ thể là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động, không có diện tích sản xuất.
Ông Vũ Bá Yêu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết, đơn vị đã tiến hành rà soát diện tích, chủng loại cây trồng của các mã vùng trồng đã được cấp. Trên cơ sở kiểm tra, chủng loại cây ăn trái dưa hấu địa phương không sản xuất, canh tác; cây chôm chôm trồng rải rác; cây mít, xoài có trồng nhưng quy mô, diện tích không đủ điều kiện cấp mã số. “Hiện, chúng tôi đang tiếp tục rà soát diện tích, chủng loại để có đề xuất được cấp mã số vùng trồng cho cây cà phê, bơ, sầu riêng, thanh long và chuối trên địa bàn. Tuy nhiên, với các chủng loại trái cây, qua kiểm tra quy định về về diện tích thì gần như rất ít hộ dân đủ điều kiện được cấp” - ông Bá Yêu thông tin.
Về cấp mã số vùng trồng mới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đầu tháng 1/2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra chặt chẽ các vùng trồng trên địa bàn tỉnh và đề xuất Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho vùng trồng sầu riêng của 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Lâm; 2 vùng trồng chanh dây, ớt chuông của các doanh nghiệp tại Đức Trọng, Đơn Dương; 1 vùng trồng chuối laba tại huyện Đam Rông. Các loại trái cây đề xuất được cấp mã số vùng trồng nêu trên đều được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, với mã số đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp thì qua kiểm tra có 3 cơ sở không có hoạt động, chỉ có một cơ sở đóng gói chuối laba tại huyện Đam Rông đang hoạt động. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đề xuất thu hồi và huỷ 3 mã đóng gói, chỉ tiếp tục duy trì mã đóng gói 1 cơ sở.
CHÍNH THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin